Lý do ông Trump chọn Saudi Arabia làm nơi tổ chức các cuộc đàm phán với Nga

Việc Saudia Arabia tổ chức các cuộc đàm phán giữa Mỹ và Nga không phải là ngẫu nhiên. Điều này cho thấy ảnh hưởng ngày càng gia tăng của Riyadh, sự trung lập chiến lược cũng như vai trò của nước này như một trung gian hòa giải toàn cầu.

Sau cuộc điện đàm với Tổng thống Vladimir Putin trong tuần trước, Tổng thống Mỹ Donald Trump cho biết ông sẽ sớm gặp người đồng cấp từ Nga tại Saudi Arabia để đàm phán về xung đột ở Ukraine.

Saudi Arabia dường như không phải là một sự lựa chọn ngẫu nhiên. Có một lý do rõ ràng đằng sau việc quốc gia này được xem là nơi phù hợp nhất để tổ chức các cuộc đàm phàn giữa Mỹ và Nga cũng như cuộc gặp thượng đỉnh Trump-Putin.

Tổng thống Mỹ Donald Trump và Thái tử Saudi Arabia Mohammed bin Salman tại Hội nghị thượng đỉnh G-20 ở Nhật Bản, tháng 6/2019. Ảnh: Reuters

Tổng thống Mỹ Donald Trump và Thái tử Saudi Arabia Mohammed bin Salman tại Hội nghị thượng đỉnh G-20 ở Nhật Bản, tháng 6/2019. Ảnh: Reuters

Vì sao lại là Saudi Arabia?

Đề xuất của Tổng thống Trump về việc chọn Saudi Arabia là nơi tổ chức cuộc gặp đầu tiên với người đồng cấp Nga kể từ sau khi ông trở lại Nhà Trắng là một sự lựa chọn hợp lý và mang tính chiến lược theo nhiều cách.

Mối quan hệ Mỹ-Saudi Arabia bắt đầu từ năm 1945 khi Tổng thống Franklin Roosevelt gặp Quốc vương Abdulaziz trên tàu USS Quincy. Kể từ đó, các đời tổng thống Mỹ đã củng cố an ninh cho Saudi Arbia. Saudi Arabia cũng là khách hàng lớn mua vũ khí Mỹ.

Dưới thời Tổng thống Joe Biden, quan hệ của Mỹ với Saudi Arabia trở nên căng thẳng hơn do quan điểm của ông Biden liên quan tới vụ sát hại nhà báo Jamal Khashoggi mà tình báo Mỹ cho là có liên quan trực tiếp với Thái tử Saudi Arabia Mohammed Bin Salman.

Ông Trump đã có cuộc điện đàm với Thái tử Saudi Arabia Mohammed Bin Salman (MBS) vào ngày 22/1, chỉ 2 ngày sau khi ông tuyên thệ nhậm chức Tổng thống thứ 47 của Mỹ.

Động thái này không có gì đáng ngạc nhiên bởi nó cũng tương tự những gì ông Trump đã làm trong nhiệm kỳ đầu tiên.

Năm 2017, Saudi Arabia là nơi ông Trump đến thăm đầu tiên sau khi nhậm chức. Chuyến công du diễn ra vào tháng 5/2017 đã phá vỡ truyền thống của các tổng thống Mỹ là ưu tiên các đồng minh chủ chốt ở châu Âu. Mặt khác nó cũng cho thấy ý định của ông Trump trong việc thiếp lập lại quan hệ Mỹ-Saudi Arabia sau những căng thẳng thời chính quyền Tổng thống Barack Obama.

Những người ủng hộ ông Trump cho rằng cuộc điện đàm của ông với Thái tử Saudi Arabia là điều tất yếu dựa trên mối quan hệ thân thiết giữa 2 người từ nhiệm kỳ đầu tiên của ông Trump.

Trong cuộc điện đàm ngày 22/1, Thái tử Saudi Arabia được cho là đã cam kết đầu tư 600 tỷ USD vào Mỹ trong vòng 4 năm.

Mối quan hệ giữa Saudi Arabia và Nga

Một lý do chính khiến Saudi Arabia được xem xét là nơi tổ chức cuộc gặp Trump-Putin trong tương lai là mối quan hệ chặt chẽ giữa Riyadh và Moscow.

Riyadh nhìn chung cởi mở đối thoại với cả Nga và Mỹ, điều này được phản ánh trong tần suất liên lạc giữa các chính phủ. Tất nhiên, chính sách của Mỹ sẽ vẫn chiếm ưu thế trong chính sách của Saudi Arabia, nhưng nước này vẫn duy trì hợp tác với Nga thông qua các kênh nhân đạo và thương mại.

Trái với sự gay gắt của phương Tây, Riyadh không công khai chỉ trích chiến dịch quân sự đặc biệt của Nga ở Ukraine.

“Mặc dù Saudi Arabia vẫn là đồng minh khu vực của Mỹ, nhưng họ cố gắng giữ thái độ trung lập trong một số vấn đề, bao gồm cả xung đột ở Ukraine. Trong gần 3 năm kể từ khi cuộc xung đột đó bùng phát, Saudi Arabia không đưa ra tuyên bố chỉ trích nào với Moscow và cũng không tham gia cung cấp vũ khí trực tiếp cho Kiev”, nhà nghiên cứu người Nga Leonid Tsukanov đánh giá.

Bên cạnh đó, Nga và Saudi Arabia cũng phối hợp chặt chẽ với nhau về chính sách dầu mỏ thông qua OPEC+, và Riyadh cũng đóng vai trò trung gian cho các cuộc trao đổi tù nhân giữa Moscow với Kiev.

Ngày 12/2 vừa qua, Thái tử Saudi Arabia và Giám đốc quỹ tài sản quốc gia Nga Kirill Dmitriev đã tham gia đàm phán về việc Nga trả tự do cho giáo viên người Mỹ Marc Fogel.

Đặc phái viên về Trung Đông của Tổng thống Trump, ông Steve Witkoff, đã hộ tống Marc Fogel trở về Mỹ. Ông Witkoff sau đó tiết lộ với truyền thông rằng ông Mohammed Bin Salman cùng với ông Kirill Dmitriev đã đóng vai trò then chốt trong cuộc trao đổi tù nhân.

Ông Mohammed Bin Salman cũng đóng một vai trò trung gian quan trọng cho cuộc trao đổi tù nhân lớn nhất giữa Mỹ và Nga kể từ Chiến tranh Lạnh vào tháng 8/2024. Cuộc đàm phán bí mật kéo dài một năm này đã dẫn đến việc trao đổi 24 tù nhân, trong đó 16 tù nhân được đưa từ Nga sang các nước phương Tây và 8 người được trao trả cho phía Nga.

Hồi tháng 9/2024, Tổng thống Putin, đã công khai cảm ơn ông Mohammed Bin Salman vì sự tham gia của ông trong cuộc trao đổi tù nhân trước đó 1 tháng. Theo Reuters, ông Putin và ông Mohammed Bin Salman vẫn duy trì mối quan hệ cá nhân thân thiết kể sau chuyến thăm Nga của Thái tử Saudi Arbia vào năm 2015.

Hoàng Phạm/VOV.VN Theo First Post, TASS

Nguồn VOV: https://vov.vn/the-gioi/quan-sat/ly-do-ong-trump-chon-saudi-arabia-lam-noi-to-chuc-cac-cuoc-dam-phan-voi-nga-post1155360.vov
Zalo