Lý do ngành lithium toàn cầu đang đổ dồn về một nhà máy ở Argentina

Eramet - Công ty khai thác của Pháp đang dùng một kỹ thuật cải tiến, được gọi là chiết xuất lithium trực tiếp trong cuộc chạy đua tìm ra phương thức khai thác kim loại này một cách sạch hơn, nhanh hơn và rẻ hơn. Ngành lithium toàn cầu để mắt đến nhà máy ở Argentina đang chạy thử nghiệm công nghệ này.

Nhà máy sản xuất lithium của Eramet tại Salar Centenario ở Salta, phía Bắc Argentina

Nhà máy sản xuất lithium của Eramet tại Salar Centenario ở Salta, phía Bắc Argentina

Tại một vùng núi phía Bắc Argentina, những chiếc ống đen dài tới hai tầng nhà hút nước muối từ sâu dưới lòng đất dẫn đến một bể chứa lớn. Nước muối này có chứa lithium, một kim loại màu trắng bạc cần thiết để sản xuất pin xe điện và đang được săn tìm khi thế giới chuyển sang năng lượng xanh.

Eramet đặt mục tiêu sản xuất tấn lithium cacbonat đầu tiên vào tháng 11-2024 và tăng quy mô lên 24.000 tấn mỗi năm vào giữa năm 2025. Dự án trị giá 870 triệu USD ở tỉnh Salta này khiến Argentina, nhà sản xuất lithium số 4 thế giới, trở thành tâm điểm chú ý. Bởi trong những tháng tới, thị trường khai thác ở nước này có thêm các hãng Rio Tinto của Anh và Australia, Posco của Hàn Quốc hay Zijin và Ganfeng của Trung Quốc. Khi đó, Argentina sẽ tăng gấp đôi sản lượng, thu hẹp khoảng cách với Chile, nhà sản xuất hàng đầu của Mỹ Latinh. Một số nhà phân tích cho rằng, nước này có thể vượt qua Chile về sản xuất lithium vào khoảng cuối thập kỷ này.

Thông thường, người ta tạo ra những bể nước muối rộng bằng sân bóng đá và lithium sẽ được thu lại sau khi chất lỏng bay hơi dưới ánh nắng mặt trời. Đáng nói, 70% lithium trên thế giới được tìm thấy trong nước muối. Trong khi đó, Eramet, công ty sản xuất mangan, niken và cát khoáng ở nơi khác, đã thử nghiệm các công nghệ khác nhau hơn 1 thập kỷ trước khi chọn phát triển quy trình mới ở Argentina. Dự kiến tháng

8-2024, lô nước muối đầu sử dụng công nghệ chiết xuất lithium trực tiếp (DLE) của Eramet mới có thể được chiết xuất trực tiếp. Công nghệ DLE phức tạp ở chỗ là cần điều chỉnh phương pháp chiết xuất cho phù hợp với một lượng nước muối cụ thể, bởi mỗi loại có nồng độ lithium và các kim loại khác riêng. Quá trình này phụ thuộc vào một loại vật liệu được thiết kế riêng để hấp thụ lithium từ nước muối như một miếng bọt biển. Vật liệu này, được gọi là chất hấp thụ, hoạt động ở nhiệt độ thường, không giống như một số dạng DLE có thể cần gia nhiệt và tạo ra 90% lithium, so với 40% hoặc 50% trong các bể bay hơi. Kỹ thuật này cho phép Eramet sản xuất 1 tấn lithium cacbonat trong 1 tuần, so với 1 năm nếu làm theo các phương pháp truyền thống.

Eramet có kế hoạch cuối cùng là bơm nước muối theo chu trình liên tục từ 20 giếng gần đó có độ sâu 400 mét. Trước đó, van đường ống cần phải mở đúng cách. Máy tính phải đồng bộ với hàng nghìn cảm biến. Một buồng bay hơi có hình dạng giống như một con tàu vũ trụ phải tránh được sự thay đổi nhiệt độ. Quy trình của Eramet nhằm mục đích tái chế 60% lượng nước, cuối cùng tăng lên 80%, phản ánh mục tiêu của ngành là giải quyết tranh cãi xung quanh việc sử dụng khối lượng nước lớn, đặc biệt là ở các khu vực khô cằn. Trong một so sánh, Công ty International Battery Metals, sắp ra mắt phương pháp DLE gần thành phố Salt Lake ở bang Utah của Mỹ, cũng nhắm tới mục tiêu tái chế hơn 98% lượng nước sử dụng. “Đó là một nhà máy phức tạp. Thách thức là liệu chúng ta có thể đạt được công suất danh nghĩa hay không và khi nào?”, ông Christel Bories - Giám đốc điều hành Eramet nói.

Công ty sẽ tìm kiếm người mua ở Trung Quốc và các nơi khác. Bất chấp tình trạng dư cung đã khiến giá lithium giảm và buộc một số công ty khai thác phải rút lui, ông Christel Bories cho biết, với mức giá hiện tại, Eramet có tỷ suất lợi nhuận cao hơn gấp đôi chi phí mỗi tấn. Tuy vậy, một số nhà bảo vệ môi trường cho rằng, dự án của Eramet là mối đe dọa mới nhất đối với các cánh đồng muối chưa được chạm tới trước đây. Mara Puntano, một nhà hoạt động ở Salta, đại diện cho cộng đồng bản địa, cho biết: “Những cánh đồng muối này là một hệ thống cân bằng hoàn hảo về điều kiện tự nhiên của chúng tôi”.

Theo Reuters

Nguồn ANTĐ: https://anninhthudo.vn/ly-do-nganh-lithium-toan-cau-dang-do-don-ve-mot-nha-may-o-argentina-post582628.antd
Zalo