Lý do Mỹ áp gói cấm vận lớn nhất từ trước tới nay đối với dầu mỏ Nga
Ngày 10/1, chính quyền Tổng thống sắp mãn nhiệm Mỹ Joe Biden đã công bố gói cấm vận lớn nhất từ trước đến nay nhằm vào nguồn thu từ dầu khí của Nga.
Động thái này nhằm cắt giảm nguồn thu của Nga và đồng thời tạo đòn bẩy cho Ukraine cùng chính quyền Mỹ sắp tới của Tổng thống đắc cử Donald Trump trong việc thúc đẩy một thỏa thuận chấm dứt xung đột.
Các lệnh trừng phạt mới này được kỳ vọng sẽ gây tổn thất nặng nề cho nền kinh tế Nga, vốn đã bị ảnh hưởng nặng nề bởi cuộc chiến kéo dài ở Ukraine. Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky nhận định trên mạng xã hội X rằng các biện pháp này sẽ là "đòn giáng mạnh" vào Moscow: "Nga càng ít thu nhập từ dầu mỏ, hòa bình càng sớm được lập lại".
Theo cố vấn kinh tế và an ninh quốc gia Nhà Trắng Daleep Singh, đây là các lệnh trừng phạt mạnh mẽ nhất từ trước đến nay nhằm vào ngành năng lượng Nga – lĩnh vực mang lại nguồn thu lớn nhất cho chính quyền Tổng thống Vladimir Putin.
Bộ Tài chính Mỹ đã áp đặt trừng phạt lên các tập đoàn dầu khí lớn của Nga như Gazprom Neft và Surgutneftegas, cùng với 183 tàu chở dầu thuộc "đội tàu bóng tối" – phần lớn do các công ty ngoài phương Tây vận hành. Các mạng lưới thương mại dầu mỏ của Nga cũng nằm trong danh sách trừng phạt.
Đặc biệt, Mỹ đã hủy bỏ quy định miễn trừ đối với các giao dịch thanh toán năng lượng qua hệ thống ngân hàng Nga, gây khó khăn hơn cho các hoạt động mua bán dầu mỏ.
Một quan chức Mỹ cho biết nếu thực thi đầy đủ, các lệnh trừng phạt này có thể khiến Nga thiệt hại hàng tỷ USD mỗi tháng: "Không một khâu nào trong chuỗi sản xuất và phân phối dầu mỏ của Nga thoát khỏi lệnh trừng phạt. Điều này sẽ khiến việc né tránh trở nên tốn kém hơn rất nhiều với Moscow".
Phản ứng lại, tập đoàn Gazprom Neft cho rằng các biện pháp cấm vận là "không chính đáng và bất hợp pháp" và tuyên bố vẫn tiếp tục hoạt động bình thường.
Các lệnh cấm vận này cho phép các bên liên quan có thời gian hoàn tất giao dịch năng lượng đến ngày 12/3. Tuy nhiên, các nguồn tin từ ngành dầu mỏ Nga và các nhà máy lọc dầu Ấn Độ cảnh báo rằng các biện pháp này sẽ gây gián đoạn nghiêm trọng đến xuất khẩu dầu Nga sang Ấn Độ và Trung Quốc – hai khách hàng lớn nhất của Moscow.
Ngay trước khi thông báo chính thức, giá dầu thế giới đã tăng hơn 3%, với dầu Brent gần chạm mốc 80 USD/thùng, do thông tin về gói cấm vận lan truyền trên thị trường.
Tuy nhiên, Mỹ khẳng định nguồn cung dầu toàn cầu sẽ không bị ảnh hưởng quá nhiều nhờ sản lượng dầu mới từ Mỹ, Guyana, Canada, Brazil và có thể cả Trung Đông. Trợ lý Bộ trưởng Năng lượng Mỹ Geoffrey Pyatt nhấn mạnh: "Chúng tôi không còn bị hạn chế bởi nguồn cung dầu toàn cầu như thời điểm áp đặt cơ chế giới hạn giá trước đây".
Trước đó, Mỹ đã từng áp đặt lệnh cấm vận vào tháng 11 đối với các ngân hàng lớn của Nga, bao gồm Gazprombank– kênh giao dịch năng lượng toàn cầu lớn nhất của Nga. Các biện pháp này đã khiến đồng Rúp của Nga tụt xuống mức thấp nhất kể từ khi cuộc chiến bắt đầu và buộc Ngân hàng Trung ương Nga phải nâng lãi suất lên mức kỷ lục trên 20%.
Sau ngày 20/1, việc duy trì hay nới lỏng các lệnh trừng phạt sẽ phụ thuộc hoàn toàn vào Tổng thống đắc cử Donald Trump. Tuy nhiên, theo quy định, ông Trump sẽ phải thông báo cho Quốc hội Mỹ nếu muốn dỡ bỏ các lệnh trừng phạt này và Quốc hội có quyền bỏ phiếu phản đối.
Nhiều nghị sĩ Đảng Cộng hòa đã kêu gọi Tổng thống Biden áp đặt các lệnh trừng phạt này, do đó khả năng ông Trump đơn phương dỡ bỏ sẽ gặp nhiều trở ngại.
Sự trở lại của ông Trump mang lại hy vọng cho một giải pháp ngoại giao nhằm chấm dứt chiến tranh, nhưng cũng khiến Kiev lo ngại về một thỏa thuận hòa bình nhanh chóng có thể khiến Ukraine phải nhượng bộ một phần lãnh thổ. Một số cố vấn của ông Trump đã đề xuất các kế hoạch cho phép Nga kiểm soát lâu dài một phần lãnh thổ Ukraine.