Lý do khiến điểm chuẩn khối sư phạm dẫn đầu cả nước

Điểm chuẩn ngành sư phạm tăng cũng là một trong những điểm sáng trước yêu cầu nâng cao trình độ năng lực của giáo viên trong thời gian tới.

Ngay sau khi các trường đại học công bố điểm chuẩn trúng tuyển bằng phương thức xét điểm thi tốt nghiệp THPT, điểm chuẩn ngành sư phạm nói chung và Trường Đại học Sư phạm Hà Nội nói riêng được gây nhiều chú ý.

Năm nay, điểm trúng tuyển của Trường Đại học Sư phạm Hà Nội từ 22 đến 29,3. Đây là tổng điểm thi 3 môn, đã gồm điểm ưu tiên (nếu có). Ngành Sư phạm Ngữ văn và Lịch sử có điểm chuẩn 29,3 – đây là số điểm chuẩn cao nhất trong số các trường đã công bố. Theo sau là Sư phạm Địa lý với 29,05 điểm.

Cũng không khó để lý giải tại sao lại có mức điểm chuẩn cao như vậy, bởi với 3 khối ngành trên nhà trường đều phần xét tuyển khối Khoa học xã hội với các môn Ngữ văn, Lịch sử, Địa lý, tiếng Anh.

Đây đều là các môn thi có số điểm dẫn đầu tại kỳ thi tốt nghiệp THPT 2024.

Đơn cử, kết quả phân tích phổ điểm thi tốt nghiệp THPT môn Lịch sử của cả nước năm 2024 cho thấy có 706.229 thí sinh tham gia thi bài thi Lịch sử.

Trong đó điểm trung bình là 6,57 điểm, điểm trung vị là 6,5 điểm. Điểm số có nhiều thí sinh đạt nhất là 6,75 điểm. Năm nay có 2.108 thí sinh đạt điểm 10 tăng mạnh so với 789 thí sinh của năm 2023.

Với môn Địa lý, có 704.701 thí sinh tham gia, trong đó điểm trung bình là 7,19 điểm, điểm trung vị là 7,25 điểm. Điểm số có nhiều thí sinh đạt nhất là 7,25 điểm.

Đối với Ngữ văn, điểm trung bình là 7,23 điểm, điểm số có nhiều thí sinh đạt nhất là 8 điểm tăng 1 điểm so với năm 2023.

Điểm chuẩn tăng là điều đáng mừng

Trước con số này, trao đổi với Người Đưa Tin, PGS.TS Nguyễn Đức Sơn – Hiệu trưởng Trường Đại học Sư phạm Hà Nội đánh giá, nhìn chung điểm chuẩn các ngành của khối sư phạm năm nay đều tăng vì có nhiều lý do.

"Theo số liệu thống kê của Bộ GD&ĐT, năm nay số lượng thí sinh đăng ký vào ngành sư phạm tăng vọt trong khi chỉ tiêu có hạn. Điều này dẫn đến chỉ có những học sinh top trên mới có đủ điều kiện trúng tuyển. Đây là điều đáng mừng", ông Sơn nói.

PGS.TS Nguyễn Đức Sơn – Hiệu trưởng Trường Đại học Sư phạm Hà Nội.

PGS.TS Nguyễn Đức Sơn – Hiệu trưởng Trường Đại học Sư phạm Hà Nội.

Cùng với đó, nhờ sự tác động về mặt chính sách khi sau 4 năm triển khai Nghị định 116 về hỗ trợ tiền đóng học phí, chi phí sinh hoạt đối với sinh viên sư phạm cũng là lý do rất lớn thu hút nhiều em có mong muốn được theo học.

"Riêng đối với Trường Đại học Sư phạm Hà Nội có một điểm đặc thù là nhà trường có khoảng 300 thí sinh là học sinh giỏi quốc gia đăng ký xét tuyển theo hình thức tuyển thẳng, điều này cũng khiến cho càng cạnh tranh về mặt chỉ tiêu và điểm số", PGS.TS Nguyễn Đức Sơn chia sẻ.

Về việc mặc dù có số điểm thi cao nhưng lại không đỗ nguyện vọng 1, ông Nguyễn Đức Sơn cho rằng: "Nếu chúng ta nhìn theo cách so sánh điểm các năm thì sẽ rất khó đánh giá. Nhưng nếu nhìn nhận theo góc độ tuyển sinh, xét từ cao xuống thấp thì khi có nhiều người ở top trên những thí sinh có điểm thấp hơn sẽ bị mất cơ hội. Đó là quy tắc của việc lựa chọn.

Đối với học sinh hiện nay chúng ta có rất nhiều nguyện vọng, không phải tất cả cơ hội đều đóng với các em. Và thí sinh cần phải hiểu chúng ta giỏi nhưng vẫn có thể có người khác giỏi hơn".

Lưu ý cho thí sinh xét tuyển đại học từ năm 2025, PGS.TS Nguyễn Đức Sơn nhấn mạnh các em nên hết sức chú ý những điều chỉnh về mặt chính sách của các cơ sở giáo dục đại học và Bộ GD&ĐT.

"Hiện giờ khó có thể nói chắc chắn những phương thức tuyển sinh nào sẽ có trong năm tới. Tuy vậy về mặt nguyên tắc chúng ta vẫn phải giữ ổn định, phương thức lấy điểm thi tốt nghiệp THPT vẫn sẽ điều chắc chắn", ông Sơn cho hay.

Năng lực giáo viên được đánh giá là một trong những điểm ngẽn của ngành giáo dục.

Năng lực giáo viên được đánh giá là một trong những điểm ngẽn của ngành giáo dục.

Bồi dưỡng giáo viên còn nhiều hạn chế

Dưới góc độ quản lý, việc tăng lên về điểm trúng tuyển đại học cũng là một trong những tín hiệu đáng mừng trước yêu cầu nâng cao chất lượng, chuẩn hóa đội ngũ giáo viên trong thời gian tới, trong khi năng lực hiện tại của thầy cô vẫn còn nhiều hạn chế.

Báo cáo hội nghị tổng kết năm học 2023-2024, triển khai nhiệm vụ năm học 2024-2025 toàn ngành giáo dục diễn ra sáng ngày 19/8, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Phạm Ngọc Thưởng cho biết, tính đến hết năm học 2023-2024, tỉ lệ đạt chuẩn được đào tạo theo Luật Giáo dục 2019 của giáo viên và cán bộ quản lý cơ sở giáo dục mầm non là 89,3%, cấp tiểu học là 89,9%, THCS 93,8%, THPT 99,9%.

So với năm học 2022-2023, tỉ lệ giáo viên đạt chuẩn theo Luật Giáo dục 2019 ở cấp mầm non tăng thêm 1,9%, cấp tiểu học tăng thêm 5,5%, cấp THCS tăng thêm 2,9%.

Tuy nhiên, theo Thứ trưởng Phạm Ngọc Thưởng một bộ phận nhỏ giáo viên và cán bộ quản lý giáo dục ngại đổi mới, chưa nhận thức đúng về tầm quan trọng của công tác bồi dưỡng thường xuyên nên việc bồi dưỡng còn hình thức, đối phó, thời gian dành cho việc tự học, tự bồi dưỡng còn hạn chế.

Chất lượng đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý giáo dục không đồng đều, đặc biệt là ở các vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn, còn khoảng cách lớn so với các vùng thuận lợi.

Nguyễn Hoa Trà

Nguồn Người Đưa Tin: https://nguoiduatin.vn/ly-do-khien-diem-chuan-khoi-su-pham-dan-dau-ca-nuoc-204240819154628089.htm
Zalo