Lý do dự án chuyển đổi 50.000 ha rừng nghèo sang trồng cao su không hiệu quả

Hơn 16.000 ha cao su trong chương trình chuyển đổi rừng nghèo ở Gia Lai bị chết, kém phát triển là do trồng trên đất đá kết von, đất sét úng nước vào mùa mưa.

Ngày 29-9, nguồn tin của PLO cho biết, Sở NN&PTNT tỉnh Gia Lai đã báo cáo UBND tỉnh Gia Lai về tình hình thực hiện chương trình chuyển đổi 50.000 ha rừng nghèo sang trồng cao su trên địa bàn tỉnh, giai đoạn 2008-2011.

Kết quả, đến nay có 16 doanh nghiệp thực hiện 44 dự án trồng cao su với diện tích hơn 25.500 ha nhưng có hơn 16.500 ha cao su đã bị chết, kém phát triển. Nguyên nhân do lập địa rừng khộp biến động mạnh, thổ nhưỡng không phù hợp.

 Dự án trồng cao su của Công ty TNHH Kinh doanh hàng xuất khẩu Quang Đức tại huyện Đức Cơ chết hàng loạt. Ảnh: LK.

Dự án trồng cao su của Công ty TNHH Kinh doanh hàng xuất khẩu Quang Đức tại huyện Đức Cơ chết hàng loạt. Ảnh: LK.

Cụ thể, tầng đất canh tác chỉ có độ sâu khoảng 50 cm, trong khi thành phần cơ giới là đất cát, đất cát pha thịt hoặc tỉ lệ đá kết von; đất pha sét biến tính bí chặt, chỉ đủ điều kiện để rễ cọc phát triển trong 2-3 năm đầu. Đến những năm sau, cây cao su không phát triển được hoặc chết do rễ cọc không phát triển qua tầng đất sét, đất đá và bị úng, không thoát nước vào mùa mưa.

Từ năm 2018, Bộ NN&PTNT đã kiểm tra, đánh giá và báo cáo Thủ tướng Chính phủ cho phép chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên diện tích cao su bị chết, kém phát triển sang trồng cây lâm nghiệp khác hoặc trồng cây nông nghiệp. Tuy nhiên, đến nay hơn năm năm triển khai vẫn chưa có mô hình nào phù hợp để nhân rộng.

Hiện nay, UBND tỉnh tiếp tục chỉ đạo Sở NN&PTNT, Sở KH&ĐT phối các sở, ngành, địa phương và đơn vị liên quan hướng dẫn các doanh nghiệp khẩn trương triển khai thực hiện xây dựng các dự án chuyển đổi cây trồng trên diện tích cao su chết, kém phát triển.

 Công ty TNHH MTV Cao su Trung Nguyên chuyển từ trồng cao su sang cây ăn quả tại huyện Ia Pa nhưng không hiệu quả. Ảnh: LK

Công ty TNHH MTV Cao su Trung Nguyên chuyển từ trồng cao su sang cây ăn quả tại huyện Ia Pa nhưng không hiệu quả. Ảnh: LK

Trao đổi với PLO về tính hiệu quả của dự án, một lãnh đạo Sở NN&PTNT tỉnh Gia Lai, bày tỏ: “Đây là chương trình lớn, liên quan đến chủ trương của Chính phủ trên phạm vi rộng. Hiện chưa có hướng dẫn, chỉ đạo đánh giá toàn diện của Chính phủ”. Thực tế, dự án chưa đạt hiệu quả kinh tế so với mục tiêu ban đầu.

Nói về trách nhiệm trong việc "thẩm định đánh giá tác động môi trường phù hợp trồng cao su nhưng thực tế cao su chết, kém phát triển với diện tích lớn", vị lãnh đạo này cho biết việc này vượt quá thẩm quyền của sở ngành địa phương.

“Việc đánh giá đối tượng rừng, đất lâm nghiệp và tác động môi trường của dự án được chủ đầu tư phối hợp với đơn vị tư vấn thực hiện, cơ quan nhà nước có thẩm quyền kiểm tra, phê duyệt”, Sở NN&PTNT ý kiến.

Khó thu hồi tiền nợ đấu giá gỗ hơn 6,5 tỉ đồng

Theo Sở NN&PTNT tỉnh Gia Lai, liên quan chương trình chuyển đổi rừng nghèo sang trồng cao su, đến nay có 4 doanh nghiệp còn nợ tiền đấu giá gỗ hơn 6,5 tỉ đồng.

Trong đó, Công ty TNHH Minh Thành nợ Ban Quản lý Rừng phòng hộ (QLRPH) Ia Muer hơn 3,6 tỉ đồng; Công ty TNHH Đức Thịnh còn nợ Ban QLRPH Ia Púch hơn 1,8 tỉ đồng; Xí nghiệp Kinh doanh tổng hợp Đức Thiện nợ Ban QLRPH Ia Púch hơn 827 triệu đồng và Công ty TNHH Cường Thịnh Phát nợ Ban QLRPH Ia Tul hơn 196 triệu đồng.

Hiện nay, Chi cục Thi hành án dân sự các địa phương đã chuyển hồ sơ vào sổ theo dõi riêng do người phải thi hành án chưa có điều kiện thi hành.

Mới đây, Thanh tra Chính phủ đã có kết luận và yêu cầu UBND tỉnh Gia Lai chấm dứt hoạt động đối với dự án trồng cao su trên đất rừng nghèo do Công ty CP Tập đoàn Đức Long Gia Lai làm chủ đầu tư với diện tích gần 900 ha đất rừng tại huyện Chư Pưh.

Lý do là chủ đầu tư không thực hiện nghĩa vụ tài chính, không thực hiện dự án, hết thời hạn đầu tư theo quy định. Đến nay, Tập đoàn Đức Long chưa thực hiện nghĩa vụ tài chính với nhà nước số tiền hơn 13,7 tỉ đồng.

LÊ KIẾN

Nguồn PLO: https://plo.vn/ly-do-du-an-chuyen-doi-50000-ha-rung-ngheo-sang-trong-cao-su-khong-hieu-qua-post812501.html
Zalo