Lý do đơn vị xuất bản truyền thống chưa chủ động hợp tác làm sách nói

Đối với các đơn vị làm sách, nhà xuất bản, chủ động hơn trong việc tiếp cận các doanh nghiệp sách nói có thể mở ra nhiều cơ hội mới.

 Giao diện của nền tảng sách nói Fonos. Ảnh: Fonos.

Giao diện của nền tảng sách nói Fonos. Ảnh: Fonos.

Hiện nay, thay vì được đơn vị làm sách, nhà xuất bản tiếp thị các sản phẩm mới ăn khách, các công ty làm audiobooks thường phải chủ động hơn để tìm kiếm bản thảo chất lượng. Trong khi đó, việc xuất bản sách nói có thể đem tới nhiều lợi ích cho cả hai bên.

Để thúc đẩy sự phát triển của sách nói trong hệ sinh thái xuất bản, cần có sự tham gia nhiều hơn từ các bên liên quan. Đặc biệt là các công ty sách, nhà xuất bản làm sách in, ebook - những nơi có một hệ thống khai thác bản thảo hoàn chỉnh.

Lý do đơn vị làm sách chưa thể chủ động

Theo nhận định từ các đơn vị làm sách, so với những năm về trước, thị trường sách nói đang có những tiềm năng lớn trên mọi phương diện. Từ lượng người đăng ký, lượt nghe, các doanh nghiệp tham gia sản xuất cũng có sự gia tăng về cả chất và lượng.

“Thị trường sách nói ngày một mở rộng và cho thấy nhiều tiềm năng đáng kể. Các nền tảng mới ngày càng thích nghi tốt hơn với nhu cầu của người dùng”, bà Ninh Thị Hương, trưởng phòng Nội dung số công ty sách Alpha Books cho biết.

Tuy nhiên, khảo sát một số công ty sách và nhà xuất bản lại cho thấy quá trình làm việc vẫn bắt đầu từ sự chủ động trước của các doanh nghiệp làm sách nói. Họ sẽ đề xuất mua bản thảo, hợp tác theo hình thức chia sẻ lợi nhuận kết hợp với mua bản quyền. Thực trạng có thể dẫn tới một số hạn chế cho sản phẩm sách nói như thiếu hỗ trợ về mặt quảng bá, hỗ trợ về khả năng tiếp cận bản thảo gốc.

 Không gian trải nghiệm sách nói của Voiz FM. Ảnh: Tạp chí Sở hữu trí tuệ.

Không gian trải nghiệm sách nói của Voiz FM. Ảnh: Tạp chí Sở hữu trí tuệ.

“Đội ngũ Voiz FM vẫn phải đi tiếp cận các đối tác bản quyền khi thấy có tác phẩm hay. Gần đây đã có nhiều đơn vị tập trung hơn cho xuất bản điện tử và chủ động giới thiệu tác phẩm mới cho đội ngũ Voiz FM, như First News, PACE, Bách Việt,...”, đại diện đơn vị audiobooks Voiz FM cho biết.

Tình trạng này có thể bắt đầu từ hai nguyên nhân. Đầu tiên là số lượng đối tác xuất bản sách nói trong nước chưa đủ đa dạng để các đơn vị sách lựa chọn. Điều này dẫn đến việc các đơn vị xuất bản truyền thống không có đủ sự lựa chọn đa dạng, đặc biệt khi họ cần tìm kiếm đối tác phù hợp để chuyển thể sách in sang sách nói.

Dù có một số doanh nghiệp tiên phong trong lĩnh vực này, số lượng và quy mô của họ vẫn chưa đủ để tạo ra một mạng lưới hợp tác rộng lớn và vững mạnh. Các nhà xuất bản cũng cảm thấy khó khăn trong việc tìm ra đối tác có đủ năng lực kỹ thuật và kinh nghiệm để đảm bảo chất lượng sách nói đạt tiêu chuẩn.

Nguyên nhân thứ hai đến từ việc nhiều doanh nghiệp chưa thực sự nhận thức rõ tiềm năng của thị trường sách nói, dẫn đến việc họ không mạnh dạn đầu tư và hợp tác. Một số đơn vị sách cũng cảm thấy rằng mức hoa hồng hay các điều khoản hợp tác từ các doanh nghiệp sách nói còn chưa hấp dẫn đủ để tạo động lực tham gia vào thị trường.

Những cơ hội mở ra từ sự chủ động

Đại diện Bách Việt Books cho biết: “Các doanh nghiệp cần chủ động hơn trong việc tìm đến đối tác làm audiobooks, vì mặc dù hiện tại doanh thu từ sách nói chưa cao nhưng đó là xu hướng tất yếu trong tương lai. Hiện nay, đã có rất nhiều đơn vị tham gia vào mảng này và dự kiến sẽ có một thị trường sách audio sôi động trong thời gian tới”.

Bà Ninh Thị Hương cũng cho rằng số lượng người nghe sách nói ngày càng tăng, chủ động trong việc hợp tác làm sách nói có thể giúp các đơn vị sách đa dạng hóa sản phẩm của mình. Từ đó, bạn đọc cũng được hưởng lợi hơn từ một hệ sinh thái xuất bản năng động, đáp ứng các nhu cầu khác nhau.

 Sách nói Bố Già. Ảnh: Voiz FM.

Sách nói Bố Già. Ảnh: Voiz FM.

Đối với doanh nghiệp làm sách nói, sự chủ động của các đơn vị nắm bản quyền hoặc trung gian có thể giúp họ dễ dàng tiếp cận với các ấn phẩm mới nhất. Thay vì phải tự tìm kiếm hay đàm phán, việc các đơn vị làm sách truyền thống đưa ra đề xuất hợp tác sẽ tiết kiệm thời gian và công sức, từ đó giúp doanh nghiệp sách nói có thể nhanh chóng khai thác các đầu sách tiềm năng.

Việc tiếp cận nhanh chóng các tác phẩm mới cũng tạo lợi thế cạnh tranh cho doanh nghiệp làm sách nói trong việc phát hành nội dung đa dạng và bắt kịp xu hướng thị trường. Điều này còn đặc biệt quan trọng trong bối cảnh nhu cầu của người tiêu dùng ngày càng cao về sự đa dạng và tính cập nhật của các sản phẩm sách nói. Sự kết hợp này cũng giúp doanh nghiệp sách nói giảm bớt rủi ro trong việc phải tự mình tìm kiếm bản quyền hoặc chịu áp lực về việc lựa chọn các ấn phẩm phù hợp.

Về phía tác giả, họ cũng có thể được hưởng lợi hơn khi thị trường sách nói phát triển. Sách nói là một hình thức mới mẻ và thuận tiện, đặc biệt hấp dẫn đối với những người bận rộn, không có thời gian đọc sách in. Khi tác phẩm của họ được chuyển thể sang sách nói, tác giả không chỉ gia tăng nguồn thu nhập từ việc bán sách qua nhiều hình thức khác nhau, mà còn nâng cao khả năng tiếp cận đến các nhóm độc giả mới, từ đó tạo ra sự phổ biến và tác động lớn hơn.

Việc các tác giả được biết đến nhiều hơn qua các nền tảng sách nói sẽ giúp tên tuổi của họ lan tỏa, tăng cường cơ hội hợp tác và phát triển sự nghiệp sáng tác. Ngoài ra, với thị trường sách nói đang ngày càng trở nên phổ biến, tác giả cũng có thể hưởng lợi từ các hình thức quyền lợi bổ sung, chẳng hạn thù lao bản quyền phát sinh từ việc phân phối nội dung qua nhiều kênh khác nhau.

Nhìn chung, sự chủ động hợp tác giữa các đơn vị làm sách truyền thống và doanh nghiệp sách nói mang lại nhiều giá trị, không chỉ giúp doanh nghiệp sách nói dễ dàng tiếp cận ấn phẩm mới mà còn mở ra cơ hội cho tác giả. Sự kết hợp này không chỉ thúc đẩy sự phát triển của ngành sách nói mà còn tạo điều kiện cho cả tác giả và doanh nghiệp sách truyền thống khai thác tối đa giá trị từ tác phẩm, tiếp cận rộng rãi hơn đối với thị trường và độc giả.

Đức Huy

Nguồn Znews: https://znews.vn/ly-do-don-vi-xuat-ban-truyen-thong-chua-chu-dong-hop-tac-lam-sach-noi-post1499054.html
Zalo