Lý do đề xuất ngừng ký hợp đồng với xe máy công nghệ chạy xăng tại TP HCM
Đề xuất này nằm trong Đề án chuyển đổi 400.000 xe máy công nghệ chạy xăng sang xe điện, dự kiến áp dụng từ tháng 1-2026.
Thạc sĩ Lê Thanh Hải, Giám đốc Trung tâm Tư vấn ứng dụng kinh tế (Viện Nghiên cứu Phát triển TP HCM) vừa cho biết Viện này đã hoàn thành dự thảo cuối cùng của Đề án chuyển đổi 400.000 xe máy công nghệ chạy xăng sang chạy điện.
Đề án dự kiến trình UBND TP HCM trong tuần này để thành phố lấy ý kiến các đơn vị liên quan, hoàn thiện đề xuất chính sách. Mục tiêu đến tháng 12-2029, 100% phương tiện 2 bánh dùng cho dịch vụ giao hàng và gọi xe công nghệ phải là xe điện.
Bước đi quan trọng
Theo ông Hải, việc triển khai Đề án chuyển đổi 400.000 xe máy công nghệ chạy xăng sang xe điện nhằm thực hiện mục tiêu của Đề án kiểm soát khí thải do Sở Xây dựng (Sở Giao thông Vận tải cũ) chủ trì, cũng như đáp ứng các chỉ tiêu giảm phát thải khí nhà kính theo lộ trình của Chính phủ và UBND TP HCM.
Giai đoạn thiết kế đề cương Đề án có sự phối hợp chặt chẽ giữa Sở Xây dựng và Viện Nghiên cứu Phát triển TP HCM. Đối tượng tác động chính sách được xác định là các nhóm xả thải nhiều, do đó Viện Nghiên cứu Phát triển TP và Sở Xây dựng chọn nhóm đối tượng gồm xe công nghệ, taxi và xe buýt để chuyển đổi trước.
Về lý do ưu tiên chuyển đổi xe xăng sang xe điện với nhóm xe máy công nghệ, theo nhóm nghiên cứu thì TP HCM có khoảng 400.000 xe máy chạy xăng đang phục vụ chở khách qua nền tảng công nghệ. Đây là nhóm đối tượng có tần suất di chuyển 80 – 120km mỗi ngày, cao hơn nhiều so với xe máy phục vụ mục đích cá nhân, nên tỉ lệ phát thải ra môi trường cao hơn.
Ngoài ra, việc chuyển đổi xe xăng sang xe điện sẽ giúp tài xế tiết kiệm chi phí nhiên liệu và bảo trì. Trung bình mỗi xe có thể tiết kiệm 1 đến 1,3 triệu đồng/tháng.
Theo nhóm nghiên cứu, việc chuyển đổi 400.000 xe máy của tài xế công nghệ sang xe điện là một bước đi mang tính chiến lược, tác động sâu rộng đến nhiều khía cạnh như nhân lực, chuỗi cung ứng và hạ tầng đô thị. Do đó, cần một hành lang pháp lý rõ ràng, đủ mạnh để đảm bảo trách nhiệm và phối hợp đồng bộ giữa chính quyền, doanh nghiệp vận tải công nghệ, nhà sản xuất và đội ngũ tài xế.

Tài xế chạy xe công nghệ xăng sẽ dần chuyển sang xe điện
Lộ trình chuyển đổi chia 4 giai đoạn: Giai đoạn 1 đến tháng 1-2026 phấn đấu đạt 120.000 xe xăng chuyển sang xe điện; Giai đoạn 2 đến tháng 12-2026 đạt 200.000 xe xăng sang xe điện (50%); Giai đoạn 3 đạt 320.000 xe xăng sang xe điện (đạt 80%) và giai đoạn 4 đạt 400.000 xe xăng sang xe điện (100%).
Để thực hiện mục tiêu từng giai đoạn, nhóm nghiên cứu đề xuất lộ trình chuyển đổi được chia thành các mốc kỹ thuật bắt buộc, có giải pháp khuyến khích rõ ràng vừa bảo vệ quyền lợi tài chính tài xế như thu đổi xe cũ, cho vay xe mới đồng thời thúc đẩy đầu tư hạ tầng sạc.
Cụ thể, từ tháng 1-2026, bắt đầu áp dụng những chính sách ưu đãi đồng thời ngừng ký hợp đồng mới đối với tài xế xe máy xăng có nhu cầu tham gia cung cấp dịch vụ trên các nền tảng gọi xe công nghệ. Các tài xế sử dụng xe xăng đăng ký và được chấp nhận trước ngày 1-1-2026 vẫn hoạt động bình thường và cần có kế hoạch chuyển đổi từ xe xăng sang xe điện.
Từ tháng 1-2027: Hạn chế xe xăng hoạt động trong giờ cao điểm tại các vùng phát thải thấp được Thành phố quy định
Từ tháng 1-2028: Siết chặt chính sách kiểm soát khí thải theo quy định;
Từ tháng 12-2029: Cấm hoàn toàn xe xăng tham gia cung cấp dịch vụ trên các nền tảng gọi xe công nghệ.
Chính sách ưu đãi gì cho tài xế xe công nghệ ?
Để hỗ trợ việc chuyển đổi này, nhóm nghiên cứu đề xuất nhiều chính sách hỗ trợ cho tài xế như đề xuất miễn 100% phí trước bạ và phí đăng ký biển số và thuế giá trị gia tăng cho xe máy điện do tài xế công nghệ khi mua mới trong suốt giai đoạn triển khai Đề án từ tháng 1-2026 đến tháng 12-2029.
Cung cấp khoản vay hỗ trợ mua xe và pin dự phòng cho tài xế xe công nghệ, thời hạn vay linh hoạt từ 24 tháng đến 30 tháng, với lãi suất ưu đãi thấp hơn mặt bằng thị trường thông qua các ngân hàng thương mại hợp tác…
Quy trình xét duyệt vay đơn giản và được số hóa, thực hiện nhanh chóng, có cơ chế bảo lãnh nhằm giảm thiểu thời gian xử lý rủi ro tín dụng cho bên cho vay…

Một tài xế xe công nghệ giao hàng bằng xe điện tại TP HCM
Ngoài chính sách hỗ trợ tài xế mua xe, nhóm nghiên cứu đề xuất cơ chế thu hồi xe cũ chạy xăng. Riêng doanh nghiệp cung ứng xe máy điện được đề xuất hỗ trợ giảm lãi vay 2%, doanh nghiệp được hoàn thuế giá trị gia tăng đầu vào, khuyến khích giảm giá cho người tiêu dùng.
Song song với các chính sách này, TP sẽ mở rộng mạng lưới trạm sạc, trung tâm bảo hành, sữa chữa xe máy điện cũng như xử lý, thu hồi pin hư hỏng, hết hạn sư dụng nhằm đảm bảo xử lý đúng quy trình, tránh gây hại cho môi trường.
Thí điểm trước 6 phường trung tâm TP HCM
Đề án sẽ lựa chọn 6 phường trung tâm thành phố có mật độ tài xế công nghệ cao nhằm tập trung nguồn lực ở khu vực có nhu cầu thực tế lớn nhất. Đồng thời, những khu vực này có hạ tầng logistics phát triển và vấn đề ô nhiễm không khí nghiêm trọng cần được ưu tiên xử lý.