Lý do đề xuất chỉ định chủ tịch tỉnh, xã sau sáp nhập thay vì bầu
Theo Ủy ban Pháp luật và Tư pháp của Quốc hội, lần sắp xếp đơn vị hành chính tới đây có đặc điểm khác biệt, nên cũng cần cơ chế mới chưa từng thực hiện trước đây.

Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Lê Quang Tùng đã chủ trì buổi họp báo chiều 4/5. Ảnh: Quochoi.vn.
Chiều 4/5, Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Lê Quang Tùng đã chủ trì buổi họp báo về dự kiến Chương trình Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XV.
Tại cuộc họp, Phó chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp và Pháp luật Nguyễn Phương Thủy đã có thông tin liên quan đề xuất chỉ định, bổ nhiệm nhân sự đảm nhiệm các chức danh Chủ tịch, Phó chủ tịch HĐND, UBND; Trưởng, Phó đoàn đại biểu Quốc hội; Trưởng các Ban của HĐND và Ủy viên UBND khi thực hiện việc hợp nhất, sáp nhập đơn vị hành chính cấp tỉnh hoặc thành lập mới đơn vị hành chính cấp xã.
Theo đó, bà Thủy cho biết đây là một trong những nội dung sẽ được Quốc hội xem xét và được các cấp có thẩm quyền nghiên cứu, thảo luận.
Trước đó, tại Kết luận 150 của Bộ Chính trị đã nêu rõ yêu cầu trong lần sắp xếp đơn vị hành chính này sẽ thực hiện cơ chế chỉ định, bổ nhiệm người giữ các chức vụ trong UBND, HĐND ở các đơn vị sau sắp xếp thay cho việc bầu theo quy định của Luật Tổ chức chính quyền địa phương.
"Bộ Chính trị cũng nêu rõ việc chỉ định nhân sự không phải đại biểu HĐND làm lãnh đạo HĐND cấp tỉnh, xã", bà Thủy thông tin và cho biết đây là cơ chế trước đó chưa thực hiện. Tuy nhiên, do lần sắp xếp đơn vị hành chính tới đây có những đặc điểm khác biệt so với những lần sắp xếp trước đó, nên cần một cơ chế mới.
Phó chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp và Pháp luật của Quốc hội cho biết trước đây, cả nước đã có 2 đợt sắp xếp đơn vị hành chính vào năm 2019-2021 và 2023-2025. Trong lần sắp xếp tới đây, ngoài việc sáp nhập đơn vị hành chính cấp tỉnh và cấp xã, còn một nội dung quan trọng là không tổ chức đơn vị hành chính cấp huyện.
"Các cơ quan thuộc chính quyền địa phương cấp huyện cũng sẽ kết thúc hoạt động cùng thời điểm sáp nhập tỉnh, xã", bà nói.
Do đó, để đáp ứng yêu cầu về bố trí, sắp xếp cán bộ, đặc biệt là cán bộ công chức đang công tác ở cấp huyện cũng như để khai thác tối đa nguồn nhân lực hiện có, Bộ Chính trị đã có chỉ đạo thực hiện cơ chế chỉ định, bổ nhiệm đối với người giữ chức vụ lãnh đạo UBND, HĐND tại các đơn vị thực hiện sắp xếp.
Tuy nhiên, bà Thủy cũng nhấn mạnh việc chỉ định, bổ nhiệm này sẽ chỉ thực hiện trong năm 2025, tương ứng với lần sắp xếp đơn vị hành chính tỉnh, xã quy mô lớn này. Trong những năm sau đó, việc chọn chức danh lãnh đạo địa phương sẽ diễn ra bình thường theo quy định hiện nay, tức là HĐND sẽ bầu các chức danh của UBND, HĐND.
"Nội dung này cũng sẽ được ghi nhận trong Nghị quyết sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp 2013 tại quy định chuyển tiếp, để làm cơ sở pháp lý cho việc thực hiện", Phó chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật và Tư pháp nhấn mạnh.
Theo kết luận của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc chuẩn bị các hồ sơ liên quan đến việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp 2013.
Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị Chính phủ, bộ, ngành liên quan trong quá trình nghiên cứu, đề xuất phương án sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp và luật, nghị quyết có liên quan đến việc sắp xếp bộ máy kết hợp phương án xử lý để thể chế hóa quy định về một số chức danh.
Trong đó, khi thực hiện việc hợp nhất, sáp nhập đơn vị hành chính cấp tỉnh hoặc thành lập mới đơn vị hành chính cấp xã, các địa phương không bầu cử chức danh chủ tịch, phó chủ tịch HĐND, UBND; trưởng, phó đoàn đại biểu Quốc hội; Trưởng các ban của HĐND và Ủy viên UBND.
Thay vào đó, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Thủ tướng, Thường trực HĐND cấp tỉnh, cấp xã căn cứ thông báo của cấp ủy có thẩm quyền quản lý cán bộ, tiến hành chỉ định, bổ nhiệm nhân sự đảm nhiệm các chức danh này. Trường hợp đặc biệt, Thường vụ Quốc hội cho phép chỉ định nhân sự không phải là đại biểu HĐND giữ các chức danh lãnh đạo HĐND cấp tỉnh, cấp xã mới thành lập.
Trước đó, Nghị quyết 60 của Trung ương ban hành ngày 12/4 cho biết 11 tỉnh, thành sẽ giữ nguyên trạng gồm Hà Nội, Huế, Lai Châu, Điện Biên, Sơn La, Lạng Sơn, Quảng Ninh, Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Cao Bằng. Trong khi 52 địa phương sẽ sáp nhập thành 23 tỉnh, thành. Cả nước sẽ còn 28 tỉnh và 6 thành phố trực thuộc Trung ương.
Chính quyền địa phương sẽ được tổ chức theo 2 cấp gồm cấp tỉnh (tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương) và cấp xã (xã, phường, đặc khu), chấm dứt hoạt động chính quyền cấp huyện. Dự kiến sau sắp xếp cả nước sẽ giảm khoảng 60-70% số lượng đơn vị hành chính cấp xã.