Lý do bánh mì Việt Nam có sức hấp dẫn đến lạ
Sức hút của bánh mì có lẽ không đơn thuần là món ăn ngon mà còn là giá trị của văn hóa ẩm thực Việt.
Với sự quy tụ 120 gian hàng, 105 món ăn kèm bánh mì…, lễ hội bánh mì (diễn ra tại Nhà Văn hóa Thanh Niên TP.HCM) đã và đang trở thành nơi thu hút sự quan tâm, chú ý của người dân và du khách. Qua sự kiện này cho thấy bánh mì Việt Nam có sức hút đến kỳ lạ. Sức hút của bánh mì có lẽ không đơn thuần là ăn uống mà còn là giá trị của văn hóa ẩm thực Việt.
Người Việt chắc rất quen với những hình ảnh vào mỗi buổi sáng sớm, cạnh chiếc xe bánh mì nho nhỏ, có hàng chục người, cả sinh viên, cả công nhân viên chức, thậm chí cả doanh nhân xếp hàng mua bánh mì làm quà ăn sáng.
Người mua như bị hấp dẫn bởi cô bán bánh mì tay thoăn thoắt vừa làm mấy con trứng ốp la, vừa cắt những miếng chả lụa thơm, nóng; vừa nhanh tay mổ bụng, nhồi nhân ổ bánh mì theo yêu cầu của từng vị khách.
Sức hấp dẫn của bánh mì có lẽ tùy thuộc vào góc nhìn mỗi người. Với số đông, bánh mì Việt hấp dẫn ở chỗ “không giống nhau”. Bởi nhắc đến bánh mì là mỗi nơi mỗi khác, thể hiện sự đa dạng, phong phú cả về hương vị, hình dáng, kích thước. Điều này có liên quan đến sự thích ứng, linh hoạt theo khẩu vị của từng người và đâu đó vẫn truyền tải đặc trưng của từng vùng, miền trên cả nước.
Nếu bạn ra Bắc có thể thưởng thức bánh mì chả mực ở Quảng Ninh, bánh mì cay Hải Phòng; bánh mì chả cốm, nem khoai ở Hà Nội…Xuôi vào Cố Đô bạn lại được thưởng thức vị bánh mì Tràng Tiền với phong cách rất Huế; hay tới Nam Trung bộ để thưởng thức bánh mì chả cá Nha Trang, Quy Nhơn, Phú Yên…
Còn tới TP.HCM thì rõ rồi, bạn có thể thưởng thức bất tận các kiểu bánh mì. Từ hẻm lớn, hẻm nhỏ cho tới những con đường nội thành, ngoại thành...không đâu là thiếu xe bánh mì với đầy đủ loại nhân thịt nướng, chả lụa, ốp la…Sang chảnh hơn thì có những tiệm bánh mì mang thương hiệu, tên tuổi nức tiếng hàng mấy chục năm qua…Có ai từng đi qua chợ Củ Chi và bị “hớp hồn” bởi những ổ bánh mì “siêu to khổng lồ” có thể nhét vài cây chả lụa?
Sơ sơ thì từ Bắc vào Nam đã đếm không hết cái “không giống nhau” của bánh mì. Với đặc trưng “không giống nhau”, bánh mì Việt định hình phong cách “thích thì chiều”, tức là khách thích ăn kiểu nào thì bánh mì chiều kiểu đó. Chả thế mà ở lễ hội bánh mì đang giới thiệu tới 105 món ăn kèm với bánh mì, đủ thấy món ăn này phong phú, đa dạng tới mức nào.
Đấy là bánh mì trong đời sống ẩm thực hằng ngày của người dân Việt. Còn những câu chuyện “cuộc phiêu lưu của những chiếc bánh mì” ra thế giới cũng nhiều tới mức không đếm xuể. Tìm kiếm trên Google về từ khóa “Bánh mì Việt ở nước ngoài” thì có tới hơn 39 triệu kết quả trong vòng 0,46 giây.
Thử tìm kiếm kiếm từ khóa “The World’s best street foods” (những món ăn đường phố ngon nhất thế giới) có ngay 2,37 tỉ kết quả và trong 5 kết quả đầu tiên đều có xướng tên “Bánh mì Việt Nam”.
Tóm lại, hai từ “Bánh mì” đi vào đời sống, tâm thức của người Việt với những cách rất riêng nhưng có mẫu số chung là chứa đựng sự tinh túy và truyền tải cảm hứng sáng tạo bất tận của ẩm thực Việt Nam.
Do vậy, với những người khi đến tham quan và thưởng thức bánh mì tại lễ hội bánh mì ở TP.HCM có lẽ không chỉ đơn thuần là ăn uống, trải nghiệm mà còn mang một niềm tự hào, hạnh phúc về nền ẩm thực vô cùng phong phú của người Việt.
Cùng với Áo dài, Phở, Bánh mì Việt Nam đã được ghi nhận với danh từ riêng trong Từ điển tiếng Anh Oxford phổ biến trên toàn thế giới (năm 2011). Theo đó, vào ngày 24-3-2020, nhân kỷ niệm 9 năm ngày từ "banh mi" được đưa vào từ điển Oxford, Bánh mì Việt Nam xuất hiện trên trang chủ Google ở hơn 10 quốc gia trên thế giới.