Luyện giỏi, rèn nghiêm, giữ chắc địa bàn chiến lược miền Trung - Tây Nguyên-Bài 3: Huấn luyện dã ngoại kết hợp làm dân vận (Tiếp theo và hết)
Thấm nhuần lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh: 'Việc dân vận rất quan trọng. Dân vận kém thì việc gì cũng kém. Dân vận khéo thì việc gì cũng thành công', những năm qua, các cơ quan, đơn vị thuộc Quân khu 5 thường xuyên phối hợp với cấp ủy, chính quyền địa phương thực hiện công tác dân vận (CTDV) bằng những biện pháp sáng tạo, góp phần củng cố mối quan hệ đoàn kết quân-dân, rèn luyện phong cách người quân nhân cách mạng.
Nắm chắc tình hình, kế hoạch cụ thể
Theo Đại tá Lương Đình Chung, Phó chính ủy Quân khu 5, miền Trung-Tây Nguyên là địa bàn có vị trí chiến lược quan trọng cả về chính trị, kinh tế và quốc phòng, an ninh. Đây là vùng đất có những lợi thế, tiềm năng phát triển kinh tế, nhưng cũng là nơi các thế lực thù địch thường lợi dụng tiến hành những hoạt động chống phá, gây mất ổn định về an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội.
Đứng chân trên địa bàn có ý nghĩa quan trọng như vậy, các cơ quan, đơn vị thuộc LLVT Quân khu 5 luôn xác định cùng với việc thực hiện tốt nhiệm vụ chính trị trung tâm là nâng cao chất lượng huấn luyện, khả năng sẵn sàng chiến đấu, còn phải làm tốt CTDV. Để thực hiện CTDV hiệu quả, các cơ quan, đơn vị đã vận dụng nhiều hình thức như kết nghĩa, phối hợp hoạt động với các đoàn thể địa phương, cơ sở; cử các tổ, đội công tác tham gia xây dựng cơ sở xã, phường; huấn luyện dã ngoại kết hợp với làm CTDV...
Để hoàn thành tốt nhiệm vụ, các đơn vị tiến hành khảo sát, nắm chắc tình hình, đặc điểm, những thuận lợi, khó khăn của địa bàn, trên cơ sở đó xác định chương trình, kế hoạch tiến hành CTDV cụ thể, thiết thực. Bám sát kế hoạch huấn luyện dã ngoại kết hợp với làm CTDV đã được cấp trên phê duyệt, các đơn vị triển khai xây dựng kế hoạch huấn luyện, kế hoạch làm CTDV và tổ chức lực lượng cán bộ đi trinh sát nắm chắc tình hình, đặc điểm địa bàn, những thuận lợi, khó khăn của địa phương và nhân dân...
Quá trình khảo sát tình hình, kế hoạch CTDV trong thời gian huấn luyện dã ngoại của các đơn vị được xây dựng cụ thể, tỉ mỉ, tập trung giải quyết, tháo gỡ những khó khăn, bức xúc về kinh tế-xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh đang đặt ra ở từng địa phương.
Hằng năm, các đơn vị tổ chức cho bộ đội hành quân huấn luyện dã ngoại kết hợp làm CTDV với thời gian từ 1 đến 2 tháng. Sau khi kết thúc nội dung huấn luyện, các đơn vị chuyển sang nội dung làm CTDV. Theo đó, cán bộ, chiến sĩ các đơn vị trực tiếp đến từng buôn làng tuyên truyền, vận động để nhân dân thấu hiểu đường lối phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc; chính sách dân tộc, tôn giáo nhất quán của Đảng, Nhà nước... Các đơn vị làm tốt chức năng tham mưu, đề xuất những chủ trương, biện pháp xây dựng, củng cố, nâng cao hiệu quả hoạt động của hệ thống chính trị cơ sở; trọng tâm là nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của tổ chức đảng, năng lực điều hành của chính quyền và hiệu quả hoạt động của đoàn thể chính trị-xã hội tại địa phương.
Là người trực tiếp theo dõi hoạt động CTDV, theo Đại tá Đỗ Thanh Xuân, Phó chủ nhiệm Chính trị Quân khu 5, trong thực hiện nhiệm vụ hành quân huấn luyện dã ngoại kết hợp với làm CTDV, ngoài việc bảo đảm cơ sở vật chất, kinh phí cho huấn luyện, cấp trên cần nghiên cứu, bổ sung cơ sở vật chất bảo đảm cho các lực lượng làm CTDV, nhất là nghiên cứu cải tiến nâng cao chất lượng các loại trang bị hậu cần, phục vụ ăn, ở cho bộ đội; đồng thời, cần có nguồn kinh phí nhất định để các đơn vị thực hiện thăm hỏi, tặng quà, mua sắm dụng cụ, phương tiện thể thao, văn hóa, văn nghệ giúp các cơ sở đẩy mạnh phong trào xây dựng môi trường văn hóa mới lành mạnh ở các thôn, bản...
Lan tỏa từ quân ra dân
Trung tướng Trịnh Đình Thạch, Bí thư Đảng ủy, Chính ủy Quân khu 5, khẳng định: “Với mục tiêu "Hướng về vùng gian khó, xây dựng “thế trận lòng dân” vững chắc, những năm qua, các cơ quan, đơn vị thuộc LLVT Quân khu 5 phối hợp chặt chẽ với cấp ủy, chính quyền địa phương triển khai đồng bộ, hiệu quả các mô hình “an sinh xã hội” hướng đến đồng bào vùng gian khó, vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số để tạo sự lan tỏa từ quân ra dân, thực hiện thành công mục tiêu “an dân, nắm dân, giành và giữ dân”, Đảng ủy, Bộ tư lệnh Quân khu đã có nhiều chủ trương, biện pháp sáng tạo, phù hợp, trong đó nổi bật là các chủ trương tham gia “xóa hộ đói, giảm hộ nghèo”, xây dựng “hũ gạo vì người nghèo”, xây dựng các mô hình điểm về “xây dựng nông thôn mới” được các cơ quan, đơn vị triển khai đạt hiệu quả thiết thực, góp phần giữ vững ổn định chính trị trên địa bàn...”.
Khảo sát thực tế tại Đà Nẵng, Quảng Nam, Kon Tum, Gia Lai... chúng tôi nhận thấy, đảng ủy, bộ CHQS các tỉnh đã chỉ đạo những cơ quan, đơn vị thuộc LLVT triển khai thực hiện nghiêm các chủ trương của Quân khu, trong đó tập trung hướng đến đồng bào vùng gian khó, vùng đồng bào DTTS, tôn giáo. Hằng năm, các cơ quan, đơn vị tích cực, chủ động phối hợp với cấp ủy, chính quyền, các ban, ngành, đoàn thể địa phương làm tốt công tác lựa chọn, xác định đối tượng và các nội dung giải pháp để xóa đói, giảm nghèo.
Việc hỗ trợ được thực hiện bằng cách chuyển giao kỹ thuật, hướng dẫn các hộ đói nghèo tái định cư, chuyển đổi cơ cấu vật nuôi, cây trồng; kết hợp vừa tuyên truyền vừa “cầm tay chỉ việc”, “4 bám, 4 cùng” với đồng bào. Các mô hình, điển hình do Quân khu khởi xướng đều được cấp ủy, chính quyền địa phương nhân rộng và học tập làm theo, chứ không theo kiểu “bộ đội đến thì phong trào lên, bộ đội đi thì phong trào xuống”.
Mô hình “Nuôi bò nhóm hộ, tặng vật nuôi” của Đoàn Kinh tế-Quốc phòng 207 được hội phụ nữ các huyện Nam Giang, Tây Giang (Quảng Nam) nhân rộng. Mô hình “Hũ gạo vì người nghèo”, “Trao sinh kế” cũng đã được các tỉnh Đắk Lắk, Gia Lai, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên, Ninh Thuận... vận dụng hiệu quả, tạo thành phong trào quần chúng rộng rãi, huy động cả hệ thống chính trị cùng tham gia với tính xã hội hóa cao.
Bằng cách làm sáng tạo, hiệu quả, trong 5 năm qua, các cơ quan, đơn vị thuộc LLVT Quân khu 5 đã huy động hàng trăm nghìn lượt cán bộ, chiến sĩ giúp nhân dân; hỗ trợ hơn 20 tỷ đồng xóa hơn 500 hộ đói nghèo; xây dựng 2.343 căn nhà tình nghĩa tặng gia đình người có công, hộ nghèo. Đến nay, 36/36 đầu mối trực thuộc Quân khu 5 đã giúp đỡ 3.278 hộ (986 hộ đói, 2.292 hộ nghèo); trong đó có 763 hộ hoàn vốn và làm ăn có lãi, 1.842 hộ thoát nghèo bền vững, giúp cho nhiều xã giảm được tỷ lệ và hoàn thành tiêu chí giảm nghèo.