Lưu ý về nghi thức cúng trong mùa Vu lan, tháng cô hồn

Lễ Vu lan của Phật giáo trùng với dịp rằm tháng 7 xá tội vong nhân theo phong tục Á Đông. Theo quan niệm dân gian, tháng 7 âm lịch là tháng mà trời đất, âm dương có thể gặp gỡ nhau, nên từ xưa người Việt thường làm lễ cúng chúng sinh.

Nguồn gốc lễ Vu lan

Lễ Vu lan xuất phát từ sự tích Phật giáo được ghi lại trong kinh Vu lan bồn. Theo kinh Vu lan bồn, lễ Vu lan có từ thời Đức Phật. Ngài dạy phương thức báo hiếu cho cha mẹ ở đời này và nhiều đời khác.

Người đầu tiên tiếp nhận chính là Tôn giả Mục Kiền Liên - một trong 10 vị đệ tử xuất chúng của Đức Phật.

Lễ Vu lan trùng với ngày rằm tháng 7 xá tội vong nhân theo phong tục Á Đông.

Lễ Vu lan trùng với ngày rằm tháng 7 xá tội vong nhân theo phong tục Á Đông.

Kinh Vu lan bồn ghi lại rằng khi Bồ Tát Mục Kiền Liên tu thành chính quả, tưởng nhớ mẫu thân nên dùng tuệ nhãn kiếm tìm khắp nơi trong trời đất, liền thấy mẹ mình đang ở trong loài ngạ quỷ, bị đói khát hành hạ rất khổ sở. Thương mẹ, ngài đã vận thần thông xuống cõi ngạ quỷ dâng bát cơm đầy cho mẹ nhưng không được.

Theo lời Đức Phật dạy, Tôn giả Mục Kiền Liên cung thỉnh chư tăng, sắm sửa lễ cúng vào ngày rằm tháng 7 âm lịch. Sau đó, người mẹ được giải thoát. Trong dịp này Đức Phật cũng dạy chúng sanh ai muốn báo hiếu cho cha mẹ cũng theo cách này mà làm. Đó là khởi nguồn của lễ Vu lan.

Lễ Vu lan trùng hợp với ngày rằm tháng 7 xá tội vong nhân theo phong tục Á Đông. Theo quan niệm dân gian, tháng 7 âm lịch là tháng mà trời đất, âm dương có thể gặp gỡ nhau, nên từ xưa người Việt thường làm lễ cúng chúng sinh.

Mâm cúng chúng sinh gồm cháo loãng, các loại bỏng ngô, bỏng gạo, khoai lang, ngô luộc, bánh kẹo, trái cây...

Mâm cúng chúng sinh gồm cháo loãng, các loại bỏng ngô, bỏng gạo, khoai lang, ngô luộc, bánh kẹo, trái cây...

Lễ cúng chúng sinh là một nghi thức tâm linh phổ biến ở Việt Nam. Đây được coi như tín ngưỡng phản ánh quan niệm về thế giới quan của người Việt từ xa xưa.

TS. Trần Hữu Sơn - Viện trưởng Viện Nghiên cứu Văn hóa dân gian ứng dụng - lý giải theo quan niệm khi con người chết đi, có những người trở về thế giới tổ tiên, sau đó được con cháu thờ cúng hằng năm.

"Tuy nhiên, cũng có những người gặp tai nạn mà qua đời, chết bất đắc kỳ tử, chết đường chết chợ, không được con cháu chăm sóc nên phải bơ vơ. Người Việt cổ quan niệm, tháng 7 là tháng mà trời đất, âm dương có thể gặp gỡ nhau, nên phải làm lễ cúng chúng sinh cho những linh hồn không có nơi nương tựa".

Nghi thức cúng xưa và nay

Tùy theo điều kiện của từng gia đình, dịp lễ Vu lan về cơ bản có thể cúng làm ba lễ gồm cúng Phật, cúng gia tiên và cúng chúng sinh.

Trong cuốn Hội hè lễ tết người Việt, GS.TS, nhà sử học Nguyễn Văn Huyên mô tả những nghi thức cúng rằm tháng 7 của người Việt hồi đầu thế kỷ 20 không khác nhiều so với bây giờ.

Các gia đình bày lên ban thờ gia tiên quần áo, đồ đạc và “những thoi vàng, bạc” bằng giấy, bên cạnh mâm cúng gia tiên. Nhà nào thờ Phật thì cúng chay hoặc hoa quả, các loại đồ chay.

Vào buổi tối hoặc từ khi trời xẩm tối, sau khi cúng gia tiên, các gia đình đặt mâm cơm cúng các linh hồn bị bỏ rơi, hay còn gọi là các vong theo quan niệm dân gian.

Mâm cúng chúng sinh gồm cháo loãng, các loại bỏng ngô, bỏng gạo, khoai lang, ngô luộc, bánh kẹo, trái cây, quần áo chúng sinh và không thể thiếu gạo, muối, chén rượu hoặc chai rượu trắng nhỏ.

Trước kia cháo loãng được đổ vào những chiếc phễu bằng lá đa, gài ở mâm cúng, hoặc gài ở các gốc cây ngoài đường, trong chùa.

Nhà nghiên cứu Phan Cẩm Thượng phân tích trong tháng 7 âm lịch, các lễ tế trong gia đình thường là lễ cúng đàn Mông sơn thí thực của Phật giáo. Còn tại các chùa làng, người ta thường đọc bài Văn tế thập loại chúng sinh của Nguyễn Du, đọc thành 5 giọng kim, mộc, thủy, hỏa, thổ.

Dịp lễ Vu lan, khi đến chùa các phật tử sẽ được cài lên áo một bông hoa hồng.

Dịp lễ Vu lan, khi đến chùa các phật tử sẽ được cài lên áo một bông hoa hồng.

Ngoài ra, trong dịp lễ Vu lan, khi đến chùa các Phật tử sẽ được cài lên áo một bông hoa hồng. Màu đỏ tượng trưng cho người còn mẹ và màu trắng cho ai đã mất mẹ.

Với những ai may mắn cài bông hồng đỏ trên ngực áo, được nhắc nhở hãy cố gắng hết lòng vâng lời, hiếu kính, lễ phép với cha mẹ. Người cài hoa trắng sẽ thấy như một sự nhắc nhở không bao giờ quên ơn cha mẹ, đồng thời giữ nền nếp gia phong, anh em hòa thuận.

Ngày nay, đại lễ Vu lan được hiểu với ý nghĩa rộng hơn - kêu gọi ý thức xã hội về tinh thần đền ơn đáp nghĩa của Đức Phật, khuyến khích con người tri ân, đền ơn bốn nguồn ân đức. Đó là ân cha mẹ sinh thành, ân người thầy, ân chúng sinh và ân Tổ quốc - các bậc tiền bối đã dựng xây đất nước, các anh hùng liệt sĩ.

Ngày 15/6, Trưởng lão Hòa thượng Thích Thiện Nhơn - Phó Pháp chủ Hội đồng chứng minh, Chủ tịch Hội đồng trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam ấn ký ban hành thông bạch về việc tổ chức Đại lễ Vu lan báo hiếu Phật lịch 2568, dương lịch 2024.

Trong thông bạch, Trưởng lão Hòa thượng Thích Thiện Nhơn lưu ý khâu tổ chức mua sắm lễ, tránh thu tiền mua lễ mang hình thức dịch vụ tâm linh và các nghi lễ không phù hợp với chính pháp, nghi lễ truyền thống. Giáo hội yêu cầu không đốt vàng mã, khuyến khích mọi người thực hiện các việc làm từ thiện thiết thực cứu giúp người có hoàn cảnh khó khăn.

Thu An

Nguồn Tiền Phong: https://tienphong.vn/luu-y-ve-nghi-thuc-cung-trong-mua-vu-lan-thang-co-hon-post1660655.tpo
Zalo