Lưu ý 'vàng' cho học sinh tham dự kỳ thi tốt nghiệp Trung học phổ thông 2025

Phó Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng Nguyễn Ngọc Hà Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) cho biết, ngày 3/4/2025, Bộ GD&ĐT sẽ tổ chức Hội nghị tập huấn Quy chế và nghiệp vụ tổ chức thi tốt nghiệp Trung học phổ thông (THPT) năm 2025.

 Thí sinh trong Ngày hội tư vấn TS 2025 tại Hà Nội. (Ảnh minh họa: N.Tran)

Thí sinh trong Ngày hội tư vấn TS 2025 tại Hà Nội. (Ảnh minh họa: N.Tran)

Tăng gấp đôi mã đề thi

Theo Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Phạm Ngọc Thưởng, kỳ thi tốt nghiệp THPT năm nay, tuyển sinh đầu cấp và thi tốt nghiệp đều thực hiện theo Chương trình Giáo dục phổ thông (GDPT) 2018.

Trong đó, về nội dung ôn tập chủ yếu tập trung ở lớp 12, theo yêu cầu cần đạt trong chương trình GDPT 2018 để học sinh yên tâm học tập và các thầy cô giáo chủ động giảng dạy, ôn tập phù hợp cho học sinh. Cấp độ tư duy là 40% mức biết, 30% mức hiểu và 30% mức vận dụng. Theo Phó Cục trưởng Nguyễn Ngọc Hà, Quy chế thi tốt nghiệp THPT 2025 cũng đã nêu rất rõ, phần tính điểm tốt nghiệp gồm 50% điểm thi tốt nghiệp và 50% điểm tính từ quá trình 3 năm học tập của các em học sinh. Đây là sự thay đổi cơ bản so với các kỳ thi trước đây, phù hợp với Chương trình GDPT 2018, nhiều năng lực, phẩm chất của học sinh được phát triển trong quá trình học tập. Do vậy, thầy cô cần ôn tập cho học sinh tăng cường liên hệ, vận dụng kiến thức, kĩ năng với thực tế, thực tiễn, đặc biệt là với những nội dung phân hóa nhằm đánh giá đúng năng lực của học sinh.

Về một số điểm mới trong công tác tổ chức thi tốt nghiệp THPT 2025, Phó Cục trưởng Nguyễn Ngọc Hà cho biết, Bộ GD&ĐT luôn dành sự thuận lợi nhất cho các thí sinh. Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2025 chỉ tổ chức 3 buổi thi và buổi thứ 3 sẽ thi cả 2 môn tự chọn. Các thí sinh được sắp xếp ở một phòng thi duy nhất, không phải di chuyển phòng thi. Việc thu bài sẽ theo phòng mà không cần phân loại theo môn. Giữ nguyên 24 thí sinh/phòng thi, 1 phòng thi có thể sắp xếp tối đa tới 5 môn. Để bảo đảm yếu tố an ninh, thay vì chỉ có 24 mã đề cho 24 học sinh trong 1 phòng thi như trước đây, kỳ thi năm nay nâng số mã đề lên thành 48 mã cho 2 khung thời gian của buổi thi thứ 3.

Kỳ thi năm nay tổ chức đồng thời cho các em học sinh thi theo chương trình GDPT 2006 (các em chưa tốt nghiệp, hoặc thi để lấy điểm xét tuyển sinh đại học) và học sinh thi theo Chương trình GDPT 2018. Vì thế, các địa phương tuân thủ quy định tổ chức các điểm thi khác nhau cho các chương trình khác nhau. Để tránh sai sót, cần bố trí 1 số điểm thi riêng cho học sinh thi theo Chương trình 2006.

Hiện nay, nhiều địa phương đã tổ chức thi thử tốt nghiệp THPT, theo Phó Cục trưởng Nguyễn Ngọc Hà, việc tổ chức cần cố gắng giống với cách tổ chức kỳ thi chính thức, từ cấu trúc định dạng và mức độ đề thi, thời gian tổ chức thi, sắp xếp phòng thi… Nhấn mạnh yêu cầu tất cả vì học sinh, tuyệt đối không buông lỏng công tác bồi dưỡng, phụ đạo đối với 3 đối tượng học sinh trong Thông tư 29 quy định, Thứ trưởng Phạm Ngọc Thưởng đề nghị các Sở GD&ĐT tổ chức thi thử tốt nghiệp, đánh giá thật, chấm đúng kết quả, đúng năng lực học sinh để rút kinh nghiệm tổ chức kỳ thi.

Việc quy đổi cần thực hiện một cách khách quan

Về điểm mới trong công tác tuyển sinh năm 2025, Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học Nguyễn Anh Dũng cho biết: Thông tư số 06/2025/TT-BGD&ĐT ngày 19/3/2025 sửa đổi, bổ sung một số điều trong Quy chế tuyển sinh đại học, tuyển sinh cao đẳng quy định: Không còn xét tuyển sớm; phải dùng kết quả học tập của cả năm lớp 12 để xét tuyển; công khai quy tắc quy đổi tương đương điểm trúng tuyển; không giới hạn số tổ hợp xét tuyển; Sử dụng chứng chỉ ngoại ngữ phù hợp để quy đổi thành điểm môn ngoại ngữ trong xét tuyển; tổng điểm cộng không vượt quá 10% mức điểm tối đa của thang điểm xét tuyển…

Trưởng Ban đào tạo và công tác sinh viên Đại học Quốc gia Hà Nội Nguyễn Anh Tuấn cho biết: Trong Thông tư mới có các quy định về việc quy đổi. Theo quy định, việc quy đổi cần thực hiện một cách khách quan, công bằng, cần có cơ sở dữ liệu để thực hiện. Do đó, Đại học Quốc gia Hà Nội đề xuất Bộ GD&ĐT cần cung cấp các dữ liệu để thực hiện việc đối sánh ở cấp phổ thông, ở các cơ sở giáo dục để có kết quả khách quan, công bằng cho các thí sinh; đồng thời, Bộ GD&ĐT có hướng dẫn sớm để các cơ sở giáo dục áp dụng hiệu quả.

Theo dự kiến kế hoạch tuyển sinh năm 2025, Bộ GD&ĐT sẽ công bố ngưỡng bảo đảm chất lượng đầu vào với khối ngành đào tạo giáo viên, sức khỏe ngày 21/7; từ 13/8- 17h ngày 20/8 tổ chức xử lý nguyện vọng xét tuyển. Kế hoạch tuyển sinh với các cơ sở đào tạo, từ ngày 15/6- 22/8 hoàn thành cập nhật thông tin tuyển sinh vào hệ thống; hoàn thành công tác xét tuyển thẳng cập nhật lên hệ thống; tải dữ liệu, thông tin xét tuyển, tổ chức xét tuyển; hoàn thành thông báo thí sinh trúng tuyển đợt 1. Từ tháng 9 đến tháng 12/2025, xét tuyển bổ sung.

Từ ngày 21/4 - 20/7 hoàn thành việc rà soát, cập nhật cơ sở dữ liệu ưu tiên theo khu vực, đối tượng; xác nhận khu vực ưu tiên, đối tượng ưu tiên cho thí sinh; hoàn thành nhập và rà soát kết quả điểm học tập, THPT trên cơ sở dữ liệu; cấp tài khoản bổ sung cho các thí sinh (đã tốt nghiệp THPT, trung cấp) chưa có tài khoản đăng ký xét tuyển. Với thí sinh, từ trước ngày 15/7 - tháng 9/2025 thực hành đăng ký nguyện vọng xét tuyển; đăng ký, điều chỉnh nguyện vọng; nộp lệ phí xét tuyển trực tuyến; hoàn thành xác nhận nhập học trực tuyến đợt 1; đăng ký xét tuyển các đợt tiếp theo.

Uyên Na

Nguồn Pháp Luật VN: https://baophapluat.vn/luu-y-vang-cho-hoc-sinh-tham-du-ky-thi-tot-nghiep-trung-hoc-pho-thong-2025-post543962.html
Zalo