Lưu ý tới tác động của bầu cử Mỹ trong dự toán ngân sách nhà nước 2025
Góp ý cho Dự thảo Dự toán Ngân sách Nhà nước 2025, các chuyên gia cho rằng, cần hết sức lưu ý tới tác động của bầu cử Mỹ, do thương mại thế giới dự báo sẽ có biến động lớn khi chính quyền Trump thực hiện chính sách bảo hộ thương mại mạnh mẽ.
Nhiệm vụ ngân sách nhà nước 2024 được thực hiện tích cực
Ngày 12/11, tại Hà Nội, Trung tâm Phát triển và Hội nhập (CDI) tổ chức tọa đàm “Góp ý cho Dự thảo Dự toán Ngân sách nhà nước (NSNN) 2025”.
Chia sẻ về tình hình thực hiện nhiệm vụ NSNN năm 2024, ông Nguyễn Minh Tân - Phó Vụ trưởng Vụ NSNN (Bộ Tài chính) cho biết, 2024 là năm khá đặc biệt với nhiều thuận lợi và khó khăn đan xen, nhưng khó khăn thách thức nhiều hơn.
Thực hiện quy định của Luật NSNN 2015, ngày 25/10/2024, Bộ Tài chính đã công khai “Báo cáo công khai dự toán ngân sách nhà nước năm 2025 Chính phủ trình Quốc hội”. Đồng thời, khuyến khích các tổ chức, cá nhân tham gia đóng góp ý kiến cho dự thảo.
Ước thực hiện NSNN năm 2024, tổng thu đạt 1.873,3 nghìn tỷ đồng, tăng 10% so với dự toán. Tỷ lệ huy động vào NSNN đạt khoảng 16,5% GDP. Riêng thu thuế, phí đạt 13,1%.
Tổng chi NSNN là 2.281,7 nghìn tỷ đồng, tăng 7,7% so với dự toán. Bội chi NSNN bằng khoảng 3,4% GDP. Dự kiến đến ngày 31/12/2024, dư nợ công khoảng 36-37%.
Về tình hình thực hiện các chính sách tài khóa hỗ trợ nền kinh tế, ông Tân cho biết, trong năm 2024, Chính phủ tiếp tục thực hiện các chính sách gia hạn, miễn, giảm thuế, phí, lệ phí và tiền thuê đất cho doanh nghiệp. Dự kiến quy mô các gói chính sách này khoảng 189,6 nghìn tỷ đồng.
Cụ thể, giảm 2% thuế GTGT (từ 10% xuống 8%); giảm thuế bảo vệ môi trường đối với mặt hàng xăng dầu, mỡ nhờn; gia hạn thời hạn nộp thuế GTGT, thuế TNDN, thuế Tiêu thụ đặc biệt, giảm 50% lệ phí trước bạ đối với ô tô sản xuất hoặc láp ráp trong nước 3 tháng (từ tháng 9-11/2024); giảm phí và lệ phí từ 10-50%.....
Đến hết tháng 9/2024, đã giảm, gia hạn khoảng 116,4 nghìn tỷ đồng. Trong đó, giảm khoảng 68,7 nghìn tỷ đồng; gia hạn khoảng 47,7 nghìn tỷ đồng.
Theo ông Tân, những hỗ trợ về mặt tài khóa trên đã đem đến tác động tích cực cho phục hồi và phát triển của kinh tế, được người dân, cộng đồng doanh nghiệp và các tổ chức đánh giá cao.
“Các tổ chức quốc tế khi đến làm việc tại Việt Nam đều cho rằng, Việt Nam đã rất mạnh dạn áp dụng chính sách tài khóa hỗ trợ nền kinh tế và cách làm của Việt Nam phù hợp với điều kiện thực tế của Việt Nam” - ông Tân cho biết.
Thay đổi cơ cấu chi tiêu theo hướng tích cực hơn
Thông tin về dự kiến dự toán NSNN 2025, Phó Vụ trưởng Vụ NSNN Nguyễn Minh Tân chia sẻ, Chính phủ dự kiến chỉ tiêu kinh tế vĩ mô 2025: Tăng trưởng kinh tế khoảng 6,5-7%; Giá dầu thô 75-80 USD/thùng; Tốc độ tăng chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân khoảng 4,5%; Tăng trưởng kim ngạch xuất khẩu khoảng 6%.
Trên cơ sở đó, dự toán thu cân đối NSNN năm 2025 là 1.966,8 nghìn tỷ đồng, tăng khoảng 15,6% so với dự toán năm 2024 và tăng 5% so với ước thực hiện năm 2024. Tỷ lệ huy động vào NSNN vào khoảng 16%, trong đó thu thừ thuế, phí khoảng 12,8% GDP.
Dự kiến chi NSNN là 2.548,9 tỷ đồng. Trong đó, chi thường xuyên chiếm 61%, chi đầu tư phát triển 31% (tương đương 790,7 nghìn tỷ đồng, tăng 16,7% so với dự toán 2024), chi trả nợ lãi 4,3% (khoảng 110,5 nghìn tỷ đồng, giảm 1% so với dự toán năm 2024) và chi các khoản còn lại là 3,7%. Bội chi NSNN theo dự toán là 471,5 nghìn tỷ đồng, bằng khoảng 3,8% GDP.
Đánh giá về dự thảo dự toán NSNN năm 2025, PGS. TS Vũ Sỹ Cường = Học viện Tài chính đã chỉ ra nhiều ưu điểm của dự thảo.
Theo ông, dự thảo dự toán NSNN 2025 đã đánh giá và định hướng cơ bản về thay đổi thu chi NSNN, có bối cảnh kinh tế xã hội 2024-2025; thuyết minh về thay đổi các khoản thu chính; có chi tiết về bổ sung có mục tiêu cho ngân sách địa phương; có đánh giá và so sánh với ước thực hiện năm 2024; có dự toán chi trả lãi và trả nợ gốc; có giải pháp thực hiện dự toán.
Một ưu điểm nữa được PGS. TS Vũ Sỹ Cường nhấn mạnh là việc thay đổi cơ cấu chi tiêu theo hướng tích cực hơn, giảm tỷ lệ chi thường xuyên, tăng tỷ lệ chi đầu tư.
Góp ý cho dự thảo dự toán NSNN 2025, vị chuyên gia của Học viện Tài chính lưu ý, cần bổ sung đến bối cảnh quốc tế mới khi bầu cử ở Mỹ đã có kết quả. Việc chính quyền Trump thực thi chính sách tăng thuế quan với hàng hóa nhập khẩu như trong cam kết tranh cử sẽ gây ra nhiều ảnh hưởng tiêu cực cho Việt Nam, ảnh hưởng tới thu ngân sách từ xuất nhập khẩu.
Thêm ý kiến về vấn đề này, ông Phạm Văn Long - Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Kinh tế và Chiến lược Việt Nam (VESS) cho rằng, mức dự toán thu NSNN năm 2025 tăng khoảng 15,6% so với năm 2024 như trong dự thảo là hợp lý.
“Theo dự thảo dự toán NSNN, dự toán tăng thu 2025 chủ yếu là đến từ xuất nhập khẩu. Tuy nhiên, cần rất cẩn trọng khi ông Trump sẽ nhậm chức Tổng thống Mỹ vào tháng 1/2025, sẽ tiếp tục chính sách bảo hộ thương mại, dự kiến sẽ tăng thuế với hàng hóa nước ngoài nhập khẩu vào Mỹ. Cùng với đó là căng thẳng địa chính trị Nga- Ukraine, Trung Đông vẫn đang tiếp diễn. Điều này sẽ ảnh hưởng tới nguồn thu từ xuất nhập khẩu của Việt Nam. Vì vậy, cần có các kịch bản khác nhau cho dự toán thu NSNN 2025”- ông Long nêu quan điểm.
Theo Dự thảo dự toán NSNN 2025, đến cuối năm 2025, các chỉ tiêu về nợ công trong phạm vi được duyệt bao gồm: nợ công dưới ngưỡng 60% GDP, nợ chính phủ và nợ nước ngoài dưới 50% GDP.