Lưu ý quan trọng với học sinh trước thay đổi đề thi vào lớp 10 môn Toán

Cô Nguyễn Thị Oanh, Trường THCS-THPT Phenikaa đưa ra lưu ý quan trọng với học sinh Hà Nội trước thay đổi trong đề thi vào lớp 10 môn Toán.

Học sinh Trường THCS-THPT Phenikaa.

Học sinh Trường THCS-THPT Phenikaa.

5 lưu ý với học sinh

Theo đó, 5 vấn đề cần lưu ý được cô Nguyễn Thị Oanh đưa ra đó là: nắm vững kiến thức cơ bản, luyện tập kỹ năng tư duy logic và sáng tạo, làm quen với cấu trúc đề thi mới, chú trọng đến các bài toán thực tế, tự tin và bình tĩnh khi làm bài, rèn luyện kỹ năng trình bày bài thi.

Cụ thể, đề thi năm nay có xu hướng kiểm tra sâu về kiến thức cơ bản của chương trình Toán THCS, đặc biệt là lớp 9. Học sinh cần ôn tập kỹ các chủ đề trọng tâm như xác suất thống kê, phương trình, rút gọn biểu thức kèm các câu hỏi phụ, hình học và giải bài toán thực tế.

Đề thi có thể yêu cầu học sinh vận dụng kiến thức vào các tình huống mới lạ hoặc những dạng bài toán có tính sáng tạo cao. Do đó, học sinh cần rèn luyện kỹ năng tư duy logic, khả năng phân tích và giải quyết vấn đề một cách sáng tạo.

Đề minh họa cho thấy cấu trúc đề thi đã có một số thay đổi, bao gồm các dạng bài tập mới về xác suất thống kê, các bài toán thực tế hoặc cách đặt câu hỏi khác biệt so với các năm trước. Học sinh nên làm quen với cấu trúc này bằng cách luyện đề, chú ý đến thời gian làm bài và phân bổ thời gian hợp lý cho từng phần của đề.

Các bài toán thực tế thường đòi hỏi học sinh phải hiểu và áp dụng toán học vào những tình huống đời sống. Các em cần luyện tập cách đọc hiểu đề bài, rút ra các dữ kiện quan trọng và xây dựng mô hình toán học để giải quyết vấn đề.

Trong quá trình thi, học sinh cần giữ bình tĩnh, đọc kỹ đề bài và tránh mắc các lỗi không đáng có như chép đề sai, thiếu kết luận, tính toán nhầm,... Các em nên bắt đầu từ các câu hỏi dễ để tạo động lực và tiết kiệm thời gian cho các câu khó hơn.

Về kỹ năng trình bày, một bài thi được trình bày rõ ràng, mạch lạc sẽ giúp giám khảo dễ dàng theo dõi quá trình tư duy và đánh giá kết quả một cách công bằng. Học sinh nên chú ý trình bày các bước giải bài một cách logic, cẩn thận và không bỏ qua bất kỳ bước nào dù là nhỏ nhất.

Đặc biệt, khi thay đổi sách giáo khoa thì chương trình cũng có nhiều sự thay đổi dẫn đến cách trình bày bài toán cũng khác so với chương trình cũ. Do đó, các em nếu tham khảo sách tài liệu cũng cần chú ý đến vấn đề này.

Nhà trường, giáo viên nên làm gì?

Giúp học sinh nhanh tiếp cận với đề thi đổi mới, nhà trường, giáo viên cần tổ chức các buổi ôn luyện, phân tích chi tiết đề minh họa. Giáo viên khối 9 phân tích kỹ lưỡng cấu trúc đề thi, các dạng câu hỏi và mức độ khó của đề minh họa. Việc này giúp học sinh hiểu rõ yêu cầu của từng phần trong đề thi và biết cách phân bổ thời gian hợp lý.

Nhà trường đồng thời tổ chức các buổi ôn luyện chuyên sâu dựa trên đề minh họa mà Sở GD&ĐT Hà Nội đã công bố. Các buổi này được tổ chức theo từng chủ đề cụ thể trong đề thi trong quá trình dạy, giúp học sinh nắm vững từng dạng bài tập.

Giáo viên nghiên cứu, phát triển đề thi minh họa. Nhà trường tổ chức các bài kiểm tra định kỳ với cấu trúc và nội dung giống đề thi minh họa để học sinh quen với cách làm bài trong điều kiện thời gian có hạn. Qua các bài kiểm tra này, giáo viên sẽ đánh giá được điểm mạnh, điểm cần cải thiện của từng học sinh để có phương án hỗ trợ kịp thời.

Cùng với đó, học sinh cần được hướng dẫn các chiến lược làm bài thi, như cách đọc hiểu đề, cách phân bổ thời gian làm, soát lại bài và cách xử lý những câu. Các buổi học lồng ghép rèn luyện các kỹ năng cần thiết như tư duy logic, phân tích, giải quyết vấn đề và kỹ năng làm bài trắc nghiệm/ tự luận cũng rất cần thiết, giúp học sinh rèn luyện kỹ năng.

Hải Bình

Nguồn GD&TĐ: https://giaoducthoidai.vn/luu-y-quan-trong-voi-hoc-sinh-truoc-thay-doi-de-thi-vao-lop-10-mon-toan-post699833.html
Zalo