Lưu ý khi ăn loại gạo được cho là bổ dưỡng
Gạo lứt có nhiều giá trị dinh dưỡng nhưng cũng chứa lượng asen cao hơn đáng kể so với gạo trắng.
Gạo lứt từ lâu đã được xem là một lựa chọn tốt hơn so với gạo trắng, nhờ vào hàm lượng chất xơ, vitamin và chất chống oxy hóa cao. Loại gạo này thường xuyên được khuyến khích trong các chế độ ăn uống lành mạnh, đặc biệt đối với những người ăn kiêng, ăn chay hoặc mong muốn kiểm soát cân nặng.
Tuy nhiên, một số nghiên cứu cho thấy gạo lứt có thể chứa hàm lượng asen cao hơn đáng kể so với gạo trắng - điều này khiến không ít người tiêu dùng phải cân nhắc.
Asen là một nguyên tố tồn tại tự nhiên trong đất và nước, nhưng dạng asen vô cơ - được xem là nguy hiểm hơn - có thể gây ra nhiều vấn đề sức khỏe nghiêm trọng nếu tích tụ lâu dài trong cơ thể. Gạo, đặc biệt là gạo trồng ở các khu vực có nguồn nước bị ô nhiễm, có thể hấp thụ asen từ môi trường. Điều đáng lưu ý là gạo lứt giữ lại lớp vỏ cám bên ngoài - nơi tập trung phần lớn asen - trong khi lớp này bị loại bỏ trong quá trình xay xát gạo trắng.

Mỗi loại gạo đều có ưu - nhược điểm riêng, nên ăn điều độ. Ảnh minh họa: Pexels
Theo New York Post, một nghiên cứu gần đây đã phân tích các mẫu gạo thương mại và phát hiện rằng gạo lứt chứa lượng asen cao hơn gạo trắng tới 24% và lượng asen vô cơ cao hơn tới 40%. Các nhà khoa học cảnh báo tiêu thụ asen kéo dài có thể gây ra các vấn đề về da, tiêu hóa, tăng nguy cơ mắc bệnh tiểu đường, bệnh tim mạch và thậm chí là ung thư. Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) nhấn mạnh tiếp xúc với asen trong giai đoạn đầu đời có thể ảnh hưởng đến sự phát triển nhận thức và tăng tỷ lệ tử vong ở thanh thiếu niên.
Đặc biệt, trẻ em dưới 5 tuổi là nhóm có nguy cơ cao vì có thể ăn nhiều thực phẩm hơn so với trọng lượng cơ thể, dẫn đến mức độ hấp thụ asen tương đối cao. Do đó, việc giới hạn lượng gạo lứt trong khẩu phần ăn cho trẻ nhỏ là điều nên cân nhắc.
Tuy vậy, không cần phải loại bỏ hoàn toàn gạo lứt khỏi chế độ ăn. Theo Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ (FDA), người tiêu dùng có thể giảm nguy cơ tiếp xúc với asen bằng cách vo gạo thật kỹ trước khi nấu, sử dụng nhiều nước hơn khi nấu. Quan trọng nhất là ăn đa dạng các loại ngũ cốc khác.
Ngoài ra, FDA đưa ra khuyến cáo trẻ sơ sinh và phụ nữ mang thai hạn chế tiêu thụ gạo lứt do có bằng chứng liên quan đến ảnh hưởng của asen vô cơ đối với sự phát triển não bộ và nguy cơ ung thư.
Nhìn chung, gạo lứt vẫn có nhiều lợi ích dinh dưỡng và có thể là một phần trong chế độ ăn lành mạnh, miễn là bạn tiêu thụ với mức độ hợp lý và kết hợp với các loại thực phẩm đa dạng khác. Việc lựa chọn nguồn gạo chất lượng, áp dụng phương pháp nấu đúng cách và lưu ý đối với nhóm đối tượng nhạy cảm sẽ giúp bạn tận dụng được lợi ích của gạo lứt mà vẫn đảm bảo an toàn sức khỏe.