Lưu thông an toàn trong mùa mưa bão
Hiện các tỉnh phía Bắc đã và đang chịu những thiệt hại nặng nề do ảnh hưởng của hoàn lưu bão số 3 gây mưa lớn, sạt lở đất, lũ quét,... Người tham gia giao thông trên đường phải đối mặt với nhiều nguy cơ mất an toàn giao thông.
Nhiều nguy cơ mất an toàn
Từ ngày 6/9, những ảnh hưởng của cơn bão số 3 (bão YAGI) đã khiến nhiều địa phương khu vực phía Bắc có mưa lớn và gió giật mạnh.
Bão số 3 được đánh giá ở mức “siêu bão” với những tác động mạnh nhưng nhờ sự chủ động của người dân, các ban ngành chức năng nên thiệt hại về người được cố gắng giảm xuống mức thấp nhất.
Tuy nhiên sau đó là những tác động của hoàn lưu bão gây mưa lớn tại nhiều địa phương kèm theo đó là lũ quét, sạt lở đất và thậm chí là sập cầu để lại thiệt hại lớn về người và của.
Khoảng 10h ngày 9/9, cầu Phong Châu tại Km18+300 Quốc lộ 32C kết nối 2 huyện Tam Nông, Lâm Thao của tỉnh Phú Thọ bị sập, cuốn trôi trụ T7 và 2 nhịp dàn chính. Nhiều người rơi xuống sông mất tích.
Sau khi sự việc xảy ra, Cục Đường bộ Việt Nam đã có báo cáo gửi Bộ Giao thông Vận tải (GTVT). Về công tác quản lý, bảo trì, hàng năm cầu và tuyến Quốc lộ 32C đều được lập kế hoạch bảo trì, giao vốn thực hiện bảo trì và được Sở GTVT (là chủ đầu tư) tổ chức lựa chọn nhà thầu thực hiện bảo trì theo kế hoạch giao.
Năm 2010, tiến hành sửa chữa lan can cầu, mặt cầu, khe co giãn. Năm 2013, cầu được thay dầm nhịp bê tông cốt thép, thay khe co giãn bằng loại khe răng lược; thảm lại mặt cầu. Năm 2018, cầu được xử lý trụ chống va xô. Năm 2019, đơn vị quản lý xử lý xói lở trụ T6, T7 và năm 2023 thực hiện sửa chữa sơn kết cấu nhịp dầm thép, khe co giãn.
“Đến thời điểm xảy ra sự cố cầu Phong Châu, Cục Đường bộ Việt Nam không nhận được báo cáo về dấu hiệu không bảo đảm an toàn đối với công trình cầu”, báo cáo của Cục Đường bộ Việt Nam nêu.
Còn theo Sở GTVT Phú Thọ, kết quả kiểm định cầu Phong Châu năm 2019 đánh giá cho thấy cầu khai thác được với tải trọng HL93. Cầu không phải cắm biển hạn chế tải trọng xe qua.
Do ảnh hưởng của cơn bão số 3 gây mưa lũ, nước sông Hồng dâng cao, lưu tốc dòng chảy xiết đã làm thay đổi địa hình, địa mạo dưới lòng sông khu vực cầu Phong Châu kéo đổ trụ T7 làm sập 2 nhịp dàn chính của cầu là nhịp 6 và nhịp 7.
Tháng 8/2022, cử tri tỉnh Phú Thọ đã kiến nghị Bộ GTVT nghiên cứu, đầu tư nâng cấp hoặc xây dựng hai cây cầu mới nhằm thay thế cầu Phong Châu và cầu Tứ Mỹ trên địa bàn tỉnh.
Trả lời kiến nghị của cử tri, Bộ GTVT cho biết, nguồn vốn đầu tư công được phân bổ, Bộ phải bố trí cho nhiều dự án trong giai đoạn 2021 - 2025. Đồng thời ghi nhận kiến nghị và sẽ quan tâm ưu tiên đầu tư khi cân đối được nguồn lực.
Những kết luận cuối cùng về nguyên nhân, thiệt hại và bài học kinh nghiệm từ sự cố sập cầu Phong Châu (tỉnh Phú Thọ) sẽ được rút ra. Mỗi người tham gia giao thông cũng cần nâng cao kiến thức khi di chuyển qua những tuyến đường đèo dốc, nguy cơ sạt lở, cầu yếu,...
Chủ động các biện pháp ứng phó
Trao đổi với PV, đại diện một Trung tâm đào tạo và sát hạch lái xe tại Hà Nội cho biết, lái xe qua cầu đòi hỏi sự cẩn trọng và kỹ năng xử lý khác biệt so với khi lái trên đường phẳng. Ngoài việc tuân thủ Luật Giao thông đường bộ, người lái xe cần tuân theo hướng dẫn của nhân viên chốt trực (nếu có). Khi qua cầu hẹp và không phẳng, người lái nên gài số thấp, giữ đều ga và đi chậm qua cầu. Điều quan trọng là không đi sát rìa cầu, tránh tăng ga đột ngột, không đổi số hoặc phanh gấp trên cầu để hạn chế rủi ro mất lái.
Với những cầu có bề mặt gồ ghề cần xử lý cẩn thận khi xe vượt qua điểm tiếp giáp giữa cầu và mặt đường. Khi qua các loại cầu đặc biệt như cầu phao hay cầu cáp, cần chú ý mức độ rung động của cầu.
Đặc biệt là cần quan sát và tuân thủ biển báo khi qua cầu. Các biển báo sẽ cung cấp thông tin cần thiết như trọng tải tối đa, tốc độ cho phép và hướng dẫn cách di chuyển an toàn. Người lái xe cần tuân thủ nghiêm ngặt các chỉ dẫn này để đảm bảo an toàn cho bản thân và những người cùng lưu thông.
Sự cẩn trọng và tuân thủ quy định khi lái xe qua cầu không chỉ bảo vệ an toàn cho cá nhân mà còn góp phần hạn chế những tai nạn đáng tiếc có thể xảy ra, như vụ sập cầu Phong Châu vừa qua, vị này lưu ý.
Bên cạnh đó, nhiều ý kiến cũng cho rằng công tác bảo trì cần được chú trọng, nâng cao chất lượng hơn nữa. Tập trung xử lý những vị trí xung yếu, mất an toàn giao thông, vị trí nguy cơ cao xảy ra sạt lở, cầu yếu.
Được biết Bộ GTVT đã phê duyệt kế hoạch bảo trì kết cấu hạ tầng giao thông năm 2024 đối với hệ thống Quốc lộ, đường thủy nội địa, hàng hải, đường sắt, hàng không và các cục quản lý chuyên ngành triển khai thực hiện theo quy định nhằm quản lý, bảo trì hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông, đảm bảo giao thông an toàn, thông suốt trên cả 5 lĩnh vực.
Đồng thời chỉ đạo các đơn vị tổ chức vận hành khai thác và bảo trì kết cấu hạ tầng giao thông nhằm bảo vệ kết cấu công trình và đảm bảo an toàn giao thông. Trong đó đặc biệt chú ý về công tác xử lý điểm đen, điểm mất an toàn giao thông, các vị trí đường ngang giao với đường sắt,...
Tổng kinh phí bảo trì kết cấu hạ tầng giao thông năm 2024 của ngành GTVT khoảng 20 nghìn tỷ đồng, qua 6 tháng đầu năm đã giải ngân được khoảng 4,8 nghìn tỷ đồng (đạt 25% kế hoạch).
Bước vào mùa mưa bão và trước diễn biến bất thường của thời tiết diễn biến, người tham gia giao thông phải đối diện với tình trạng khó quan sát, mặt đường trơn trượt, ma sát kém dễ dẫn đến các tình huống mất an toàn.
Cùng với đó là hạ tầng giao thông xuống cấp khi thường xuyên bị ngập nước, bề mặt một số tuyến đường hư hỏng, xuất hiện các “ổ voi”, “ổ gà”... Vì vậy, việc trang bị những kỹ năng khi tham gia giao thông là rất cần thiết.