Lưu luyến phút chia tay ngày 1-1-1997
Ngày 1-1-2025, tròn 28 năm tái lập tỉnh, cùng BPO lắng đọng với những thông tin giá trị, bài viết giàu cảm xúc và ý nghĩa trong số báo đầu tiên Báo Bình Phước phát hành ngày 1-1-1997.
Nhà báo Hoàng Lâm là Tổng biên tập đầu tiên của Báo Bình Phước. Ông đã “về với thế giới của người hiền”, nhưng ấn tượng về ông, một nhà báo có ngòi bút vô cùng sắc bén, một phong thái ung dung tự tại, một kho tàng kiến thức phong phú… còn mãi với thời gian.
Ngày 1-1-1997, trước thời điểm internet xuất hiện tại Việt Nam 11 tháng, những gì nhà báo Hoàng Lâm cũng như các nhà báo khác viết ra, thật vô cùng giá trị.
LƯU LUYẾN PHÚT CHIA TAY
Tùy bút HOÀNG LÂM
Lịch sử luôn chảy xuôi theo một dòng. Trên dòng thời gian đó, các chứng nhân lần lượt ghi những dấu ấn của từng thế hệ, làm cho ngày tháng lấp lánh như dòng thác bạc trào dâng bất tận.
Hôm nay, 1-1-1997, nhân dân các dân tộc và lực lượng vũ trang trong tỉnh Bình Phước lật sang trang mới, viết những chữ đầu, dòng đầu cuốn sử vàng của tỉnh mình trong niềm vui và bộn bề nỗi lo toan: vừa kế thừa, vừa phát huy những thành tựu của tỉnh Sông Bé đã đạt được trong hơn hai mươi năm qua. Lấy đó làm hành trang để đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa một tỉnh trung du, miền núi.
Thật “vạn sự khởi đầu nan”. Đã có nhiều khó khăn trước khi tách tỉnh. Đã có không ít khó khăn trong và sau khi tách tỉnh mà mỗi người chúng ta đã nắm bắt được, hay chí ít cũng đã dự đoán được. Và, tất nhiên, hàng loạt khó khăn mới sẽ nảy sinh ngoài dự lường của chúng ta. Đó là lẽ đương nhiên của quá trình vận động, phát triển. Khi chúng ta bắt đầu, chúng ta đã hoàn toàn làm chủ cuộc hành trình, định hướng cho nó sẽ đi về đâu. Khi chúng ta bắt đầu, chúng ta hoàn toàn hiểu rằng, chúng ta đã có những gì, cần có thêm những gì để vững tin đưa cuộc hành trình tới mục tiêu đã định.
Vì độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội, chúng ta đã phải hy sinh xương máu mấy mươi năm. Vì độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội - mục tiêu đó tự nó trở thành chất kết dính keo sơn hội nhập tất cả đồng bào ta thành một khối đại đoàn kết toàn dân, sức mạnh vô song làm nên những trang sử hào hùng chống giặc ngoại xâm, xây dựng đất nước. Và, hôm nay, sức mạnh đó đã và đang được phát huy vào công cuộc đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa, hướng tới mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, văn minh”.
Hơn hai mươi mốt năm qua, với niềm tự hào là “một nước nhỏ mà đã đánh thắng hai đế quốc to là Pháp và Mỹ”, chúng ta đã ngày đêm trăn trở tìm con đường đúng nhất, ngắn nhất, nhanh nhất, vững vàng nhất cho sự nghiệp xây dựng “đất nước ta đàng hoàng hơn, to đẹp hơn” như lòng Bác Hồ hằng mong đợi, dân ta hằng ước mơ. Cũng có khi nóng lòng vì một mục tiêu tốt đẹp, nhân văn, chúng ta đã sai lầm, vấp váp. “Giậu ngã, bìm leo”, kẻ thù hí hửng. Chúng không chỉ bằng lời thóa mạ, mà bằng cả hành động xiết chặt thòng lọng bao vây kinh tế, chính trị, đối ngoại của ta; bằng cả cuộc chiến tranh vũ trang ở hai đầu biên giới; bằng diễn biến hòa bình… Nhưng từ trong vấp ngã, ta đã nên khôn. Ngay lúc cực kỳ khó khăn, bạn bè cùng lý tưởng mấy mươi năm bỗng chốc tan đàn xẻ nghé, mỗi ngả mỗi người… Thật là “họa vô đơn chí”. Lịch sử thật kỳ lạ. Mỗi khi Tổ quốc và dân tộc được đặt vào tình thế “nghìn cân treo sợi tóc” thì người Việt Nam lại cực kỳ tỉnh táo, vươn sức Phù Đổng “rũ bùn đứng dậy, sáng lòa”. Đảng ta khởi xướng và lãnh đạo dân ta thực hiện công cuộc đổi mới toàn diện đất nước ta và những thành tựu đã đạt được, một lần nữa chứng minh sự kỳ diệu về phẩm chất người Việt Nam ta.
Bằng sức mạnh cả nước, mới hôm nào chúng ta “vượt qua Sông Bé oai hùng về Phước Long xây chiến thắng”. Hôm nay chúng ta, cũng bằng sức mạnh đó quyết vượt qua đói nghèo để xây dựng đất nước Lạc Hồng “sánh vai các cường quốc năm châu”. Hơn hai mươi mốt năm qua, cùng với Bình Dương, tỉnh Bình Phước chúng ta đã góp sức góp tài làm cho Sông Bé thay da đổi thịt với một tốc độ mà không phải tỉnh nào cũng có được. Từ nội lực, bằng nội lực, Sông Bé vững vàng định hướng (về nguyên tắc) và sẵn sàng trải chiếu hoa (cởi mở về chính sách) mời gọi các nhà đầu tư, khai thác có hiệu quả các tiềm năng kinh tế của tỉnh nhà. Chỉ trong 5 năm thực hiện nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ V (1991-1995), Sông Bé đã đạt được những thành tựu to lớn về kinh tế - xã hội, an ninh - quốc phòng. Các khu công nghiệp tập trung ở các huyện phía Nam đã thu hút gần 1 tỷ Mỹ kim vốn đầu tư nước ngoài; vùng cây công nghiệp, ăn trái quy mô chục ngàn, trăm ngàn héc-ta ở các huyện phía Bắc đã tạo tiền đề, địa bàn đứng chân cho công nghiệp chế biến phát triển… Từ năm 1995, Sông Bé đã trở thành một thành viên câu lạc bộ 500 tỷ. Năm 1996, thu ngân sách ước hơn 820 tỷ đồng. Tốc độ tăng trưởng về kinh tế trong 5 năm qua gấp 2 lần bình quân chung cả nước. Sông Bé cũng là một trong những tỉnh có sự đầu tư khá lớn công sức, tiền của vào giải quyết các vấn đề xã hội, và cũng đã đạt những thành tựu đáng phấn khởi. Nổi bật nhất, sâu lắng nhất vẫn là phong trào đền ơn đáp nghĩa của toàn Đảng, toàn dân đối với các liệt sĩ, bà mẹ Việt Nam anh hùng… Những gì Sông Bé đã làm đối với các anh chị, các mẹ, dù còn nhiều khiếm khuyết, một lần nữa tô đẹp thêm truyền thống tốt đẹp “uống nước nhớ nguồn” của dân tộc Việt Nam ta…
Kể sao hết được những việc ta đã làm, cái ta đã có, chỉ biết rằng, vì cả nước, cùng cả nước, những ngày qua Sông Bé thật xứng đáng.
Hôm nay, một mốc thời gian không bao giờ quên của mỗi người dân Sông Bé: Một Sông Bé tách thành hai tỉnh Bình Dương - Bình Phước.
Vì sự phát triển, vì tương lai, hôm nay ta sẵn sàng đón nhận sự chia phôi. Với những đặc điểm về đất đai, tài nguyên, nguồn lực… mỗi tỉnh sẽ định được bước đi thích hợp hơn trong quá trình xây dựng và phát triển một cơ cấu kinh tế hướng tới công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Mỗi tỉnh sẽ có được quỹ thời gian lớn gấp nhiều lần độ dài ngày tháng để xem xét sâu hơn, cụ thể và chính xác hơn độ bền vững, sức lan tỏa của những cái mình đã có, cái mình cần có để không rơi vào tình trạng “bị tụt hậu quá xa”. Phải bắt đầu từ đâu, đột phá từ khâu nào, bước đi ra sao, mục tiêu và lực lượng cần huy động cho mỗi chặng trong cả cuộc hành trình… luôn là đòi hỏi, buộc đảng bộ và mỗi cán bộ đảng viên phải lao vào tìm câu giải đáp ngay trong thực tiễn.
Hôm nay, chia tay với đồng chí, đồng bào Bình Dương, chúng ta ghi nhận tất cả những gì cả tỉnh đã làm cho miền núi, vùng đồng bào dân tộc thiểu số hơn hai mươi mốt năm qua. Sự chia vùng, chia tỉnh, chia tay làm cho chúng ta nhớ về nhau hơn. Vì, một lẽ thủy chung được đắp xây bằng xương trắng máu đào trong mấy mươi năm giành độc lập tự do; vì, một lẽ cùng vắt tim óc, sức lực cho hơn hai thập kỷ xây dựng quê hương - chúng ta là một. Xưa đã thế. Nay càng như thế. Với tình cảm “mình với ta tuy hai mà một”. Với sự nghiệp phát triển, để nhân lên sức mạnh hướng tới tương lai với nhịp độ lớn, thì “ta với mình, tuy một mà hai”.
Thế là, kể từ hôm nay - ngày 1 tháng 1 năm 1997, mỗi tỉnh chúng ta, trước hết phải tự giải quyết những công việc của mình. Mỗi đảng bộ vừa vinh dự vừa phải chịu trách nhiệm về tất thảy đời sống chính trị, đời sống kinh tế, văn hóa xã hội, an ninh quốc phòng của địa phương mình. Sự hợp tác rộng hay hẹp, mạnh hay yếu, hiệu quả cao hay thấp, đều xuất phát từ nội lực. Đã không ít quỹ thời gian trước đây, Đảng bộ Sông Bé dành cho việc tìm kiếm các giải pháp, xây dựng các chương trình để đẩy mạnh công nghiệp hóa nông nghiệp và phát triển nông thôn, nhất là phát triển kinh tế - xã hội ở các huyện miền núi, vùng đồng bào các dân tộc thiểu số. Đã làm được nhiều. Nhưng việc còn dang dở cũng nhiều. Từ nay, nhiệm vụ đó thuộc về trách nhiệm của Đảng bộ Bình Phước chúng ta. Từ thuận lợi, khó khăn, chúng ta đã có thêm những bài học kinh nghiệm, bổ ích để tiếp bước chặng đường hướng tới tương lai. “Thiên thời, địa lợi, nhân hòa” - ta đã có và sẽ có. Đó chính là tâm niệm của mỗi chúng ta. Và, đó cũng là nguồn gốc mọi thành công của chúng ta.
1-1-1997