Lưu giữ nét đẹp truyền thống

Song song với các hoạt động chăm lo cho thiếu nhi đón tết Trung thu 2024 ấm áp, ý nghĩa thì việc gìn giữ, trao truyền nét văn hóa độc đáo của tết Trung thu truyền thống tới thiếu nhi Bình Phước cũng được tổ chức Đội trong tỉnh chú trọng.

Từ hội thi làm lồng đèn...

Từ bao đời nay, chiếc lồng đèn vẫn luôn là món đồ chơi không thể thiếu trong ngày tết Trung thu, gắn bó với nhiều thế hệ và soi sáng tâm hồn trẻ thơ trong những đêm hội trăng rằm. Trung thu sẽ trở nên ý nghĩa hơn khi các em thiếu nhi được tự tay làm ra những chiếc lồng đèn. Xuất phát từ ý nghĩa này, mỗi năm vào dịp trung thu, Nhà thiếu nhi cùng Phòng GD&ĐT thị xã Chơn Thành triển khai tổ chức hội thi “Làm lồng đèn trung thu” đến các liên đội trên địa bàn.

Hội thi “Làm lồng đèn trung thu” được duy trì 15 năm nay. Trung thu năm 2024, chúng tôi phát động đến tất cả 15 liên đội trên địa bàn thị xã và khuyến khích các liên đội triển khai đến học sinh toàn trường. Mục đích là để học sinh có cơ hội phát huy khả năng sáng tạo và hiểu hơn về tết Trung thu. Qua đó, góp phần duy trì, gìn giữ và bảo tồn nét đẹp, giá trị của tết Trung thu truyền thống nói chung, hoạt động làm lồng đèn nói riêng.

Phó Bí thư Thị đoàn, Chủ tịch Hội đồng Ðội thị xã Chơn Thành
TRỊNH THỊ BÌNH

Sau gần 1 tháng triển khai, hội thi “Làm lồng đèn trung thu” trên địa bàn thị xã Chơn Thành năm 2024, đã có hơn 500 lồng đèn của các cấp cơ sở gửi dự thi. Trong đó, gần 150 lồng đèn được chọn dự thi cấp thị. Dưới sự hướng dẫn, hỗ trợ của phụ huynh và giáo viên, thiếu nhi Chơn Thành đã làm ra những chiếc lồng đèn đẹp với nhiều kiểu dáng độc đáo bằng nguyên vật liệu đơn giản từ tre, giấy kiếng, dây kẽm...

Hội thi “Làm lồng đèn trung thu” thị xã Chơn Thành năm 2024 nhận được sự tham gia tích cực của học sinh trên địa bàn

“Điều cốt lõi qua mỗi sản phẩm dự thi chính là giá trị giáo dục. Với chiếc lồng đèn do tự tay mình làm ra, những ký ức tuổi thơ về tết Trung thu sẽ được lưu giữ một cách chân thật và hồn nhiên trong tâm trí các em” - Phó Bí thư Thị đoàn, Chủ tịch Hội đồng Đội thị xã Chơn Thành Trịnh Thị Bình nhấn mạnh.

…đến tiết học trải nghiệm sáng tạo

Bên cạnh các hội thi “Làm lồng đèn trung thu”, những tiết học trải nghiệm sáng tạo được một số liên đội trong tỉnh triển khai để tăng hiệu quả giáo dục, lưu giữ bản sắc văn hóa tết Trung thu truyền thống cho thế hệ mai sau.

Những chiếc lồng đèn trung thu đủ sắc màu được làm nên từ đôi bàn tay khéo léo của học sinh Trường tiểu học Tân Hòa, huyện Đồng Phú

Những chiếc lồng đèn trung thu đủ sắc màu được làm nên từ đôi bàn tay khéo léo của học sinh Trường tiểu học Tân Hòa, huyện Đồng Phú

Trong các tiết sinh hoạt trải nghiệm, Liên đội Trường TH&THCS Trần Văn Ơn, xã Bom Bo, huyện Bù Đăng luôn lồng ghép giáo dục truyền thống, lịch sử, bản sắc văn hóa dân tộc cho học sinh, đội viên toàn liên đội. Với mong muốn mang đến không khí trung thu vui vẻ, ý nghĩa và hướng về cội nguồn, tết Trung thu năm 2024, liên đội trường tổ chức hoạt động trải nghiệm sáng tạo làm lồng đèn từ phế liệu và đã nhận được sự tham gia tích cực của học sinh. Từ sách, báo cũ, vỏ lon, chai nhựa, tre, nứa, giấy kiếng… các em đã làm ra những chiếc lồng đèn trung thu. Mỗi chiếc lồng đèn tuy mộc mạc nhưng là sản phẩm đặc biệt trong ký ức tuổi thơ các em.

Hoạt động trải nghiệm sáng tạo làm lồng đèn trung thu được nhiều liên đội trên địa bàn tỉnh tổ chức trong mùa trung thu 2024

Hoạt động trải nghiệm sáng tạo làm lồng đèn trung thu được nhiều liên đội trên địa bàn tỉnh tổ chức trong mùa trung thu 2024

Em Nguyễn Kiều Vy, học sinh lớp 6A, Trường TH&THCS Trần Văn Ơn chia sẻ: Khi liên đội trường triển khai làm lồng đèn trung thu, chúng em rất háo hức, cùng đi tìm vật liệu, chia sẻ cách làm để có thể tạo ra chiếc lồng đèn thật đẹp. Theo em, đây là hoạt động rất thiết thực, ý nghĩa và quan trọng là bản thân tự tay làm ra chiếc lồng đèn của mình. Những mùa trung thu sau, em sẽ tự làm lồng đèn để đón trăng cùng bạn bè.

“Mỗi năm vào dịp tết Trung thu, liên đội trường tổ chức hoạt động trải nghiệm sáng tạo, với chủ đề trung thu đến với học sinh trường. Có năm liên đội tổ chức cho các em thi mâm ngũ quả, năm thì thi làm lồng đèn, trang trí tết Trung thu. Ngoài giáo dục kỹ năng sống, ý thức tiết kiệm, chúng tôi mong muốn các em hiểu ý nghĩa tết Trung thu, kế thừa và lưu giữ nét đẹp văn hóa này” - cô Thiều Thị Thảo, Tổng phụ trách Đội Trường TH&THCS Trần Văn Ơn chia sẻ.

Phần thi trang trí mâm cỗ ngày tết Trung thu cũng là một trong những nội dung được các cơ sở Đội trong tỉnh tổ chức nhằm giáo dục, gắn kết tình cảm gia đình

Phần thi trang trí mâm cỗ ngày tết Trung thu cũng là một trong những nội dung được các cơ sở Đội trong tỉnh tổ chức nhằm giáo dục, gắn kết tình cảm gia đình

Anh Trương Văn Kiên, phụ huynh học sinh Trường tiểu học Lộc Điền A, xã Lộc Điền, huyện Lộc Ninh mong muốn những hội thi làm lồng đèn, trang trí mâm cỗ ngày tết Trung thu dành cho thiếu nhi nên được tổ chức thường xuyên hằng năm. Bởi những hoạt động này không chỉ mang đến niềm vui, giúp các em cảm nhận sâu sắc hơn ý nghĩa tết Trung thu mà còn đưa thiếu nhi về với tết Trung thu truyền thống. Những cảm xúc, kỷ niệm con trẻ được trải qua thuở ấu thơ sẽ đọng mãi trong ký ức, là hành trang để các em vững bước vào đời.

Hồng Phương

Nguồn Bình Phước: https://baobinhphuoc.com.vn/news/19/162938/luu-giu-net-dep-truyen-thong
Zalo