Lượng vũ khí khổng lồ ở Ukraine sẽ được xử lý như nào nếu chiến sự kết thúc?
Khi tiến trình hòa đàm vẫn đang tiếp tục được đẩy mạnh, giới quan sát và các quan chức Ukraine đang lo ngại về nguy cơ phổ biến vũ khí trên khắp nước này trong giai đoạn hậu xung đột.
Một cuộc chiến hoàn toàn mới
Ông Nicolas Florquin, nhà nghiên cứu cấp cao kiêm trưởng bộ phận dữ liệu và phân tích của tổ chức nghiên cứu độc lập Small Arms Survey đặt trụ sở tại Geneva, cảnh báo: “Sau chiến tranh, Ukraine không chỉ phải lo tái thiết hạ tầng hay đưa người tị nạn hồi hương, mà còn đối diện với bài toán nan giải là xử lý khối lượng khổng lồ vũ khí và đạn dược – phần bị bỏ lại, phần thất lạc trong chiến sự, và phần được dân thường cất giấu trong suốt thời gian xung đột".
Trước thời gian diễn ra xung đột Nga–Ukraine, việc sở hữu súng ở Ukraine bị giới hạn nghiêm ngặt và chỉ dành cho người được cấp phép. Nhưng tình hình đã thay đổi đột ngột vào ngày 24/2/2022, khi thiết quân luật được ban bố. Chỉ tính riêng tại thủ đô Kiev, trong những ngày đầu giao tranh, hơn 25.000 khẩu súng trường tự động cùng khoảng 10 triệu viên đạn đã được phân phát cho dân thường. Theo lời Bộ trưởng Nội vụ khi đó là ông Denis Monastyrsky, đây là biện pháp khẩn cấp nhằm tổ chức các nhóm tự vệ tức thời.
Ba năm trôi qua, dòng chảy vũ khí vẫn tiếp tục đổ vào Ukraine, thông qua các gói viện trợ và hợp đồng mua sắm quân sự. Ông Florquin nhấn mạnh rằng việc xác định con số chính xác gần như không thể thực hiện được do nhiều dữ liệu vẫn chưa được công khai và sự thiếu nhất quán trong quá trình kiểm kê số lượng vũ khí được viện trợ.

Những thanh niên tham gia cuộc tổng động viên tại thủ đô Kiev, Ukraine đầu năm 2022. Ảnh: Le Monde
Tuy nhiên, cho đến nay, những lo ngại về làn sóng tội phạm vũ trang hoặc dòng chảy vũ khí vượt ra ngoài biên giới vẫn chưa được xác thực. Một nghiên cứu gần đây của Small Arms Survey cho thấy khả năng tiếp cận vũ khí trong các hộ gia đình dân sự ở Ukraine thực tế đã giảm kể từ năm 2022.
“Cuộc chiến tại tiền tuyến đang đóng vai trò như một nam châm thu hút phần lớn vũ khí, vì chúng cần thiết cho chiến sự, nên không số vũ khí này không dễ bị tuồn ra bên ngoài", ông Florquin lý giải. Chuyên gia này cũng nhấn mạnh rằng các nỗ lực chủ động của chính quyền Ukraine, bao gồm hoạt động truy quét và thu giữ vũ khí, đang góp phần đáng kể vào việc kiềm chế sự lan rộng của vũ khí ngoài vòng kiểm soát.
“Tuy nhiên, điều thách thức nhất sẽ đến vào lúc hiệu ứng nam châm đó biến mất khi xung đột hạ nhiệt và các loại vũ khí không còn nơi "tiêu thụ". Lúc đó, việc thu hồi và kiểm soát vũ khí sẽ là một cuộc chiến hoàn toàn mới", ông Florquin nói.
Một bước tiến gần hơn đến thay đổi
Bộ trưởng Nội vụ Ihor Klymenko từng tuyên bố vào năm ngoái rằng người dân Ukraine hiện có thể sở hữu từ một đến năm triệu khẩu súng – một con số phản ánh rõ sự mở rộng chưa từng có của quyền tiếp cận vũ khí trong bối cảnh giao tranh.
Từ khi xung đột với Nga bùng nổ, Ukraine đã bắt đầu áp dụng một loạt biện pháp kiểm soát súng mới. Trên thực tế, các cuộc thảo luận về vấn đề này với Liên minh châu Âu đã được khởi động từ trước thời điểm diễn ra giao tranh, như một phần trong những cải cách cần thiết để tiến gần hơn đến tư cách thành viên EU.
“Nếu xét về cách chính quyền hành động hiện nay, có thể thấy rõ họ đang được dẫn dắt phần lớn bởi các yêu cầu từ các đối tác quốc tế đặc biệt là Liên minh châu Âu", bà Viktoriia Voronina, Giám đốc điều hành Trung tâm Nghiên cứu An ninh (CENSS) tại Kiev, nhận định. “Đối với EU, kiểm soát vũ khí là một trong những ưu tiên hàng đầu".
Theo bà Voronina, mối đe dọa từ buôn bán vũ khí bất hợp pháp giờ đây chủ yếu mang tính nội địa: “Nếu súng được tìm thấy trên sân chơi, thì nó cũng có thể xuất hiện trong phòng khách".
Một bước tiến quan trọng là việc ra mắt hệ thống đăng ký thống nhất cho người sở hữu súng vào tháng 6/2023 – dù hiện tại, việc đăng ký vẫn là tự nguyện. Khảo sát của Small Arms Survey ghi nhận mức độ nhận thức về hệ thống đăng ký này đã tăng lên kể từ khi được đưa vào sử dụng. Tuy vậy, sau một năm triển khai, hơn 1/3 hộ gia đình sở hữu vũ khí thừa nhận họ vẫn chưa đăng ký quyền sử dụng bất kỳ khẩu súng nào.
Thêm vào đó, một trung tâm điều phối liên ngành mới đã được thành lập nhằm đối phó với tình trạng buôn bán bất hợp pháp vũ khí, linh kiện và đạn dược. Dưới sự chủ trì của Bộ Nội vụ, trung tâm này đã tổ chức cuộc họp đầu tiên vào tháng 2/2025 và hoạt động như một cơ quan tư vấn về kiểm soát súng đạn. Bà Voronina nhận định, mặc dù không có quyền đưa ra quyết định cuối cùng nhưng các hoạt động của trung tâm này đang giúp cho việc phối hợp thực hiện chính sách kiểm soát vũ khí giữa các cơ quan nhà nước trở nên hiệu quả hơn so với trước đây.
Ở thời điểm hiện tại, Ukraine vẫn chưa thông qua bất kỳ đạo luật cụ thể nào về việc kiểm soát vũ khí hậu xung đột. Một dự thảo luật quy định rõ quyền sở hữu và sử dụng một số loại vũ khí cho công dân đã được Quốc hội nước này thông qua lần đầu ngay trước khi xung đột diễn ra, nhưng vẫn chưa vượt qua lần bỏ phiếu thứ hai để dự thảo này chính thức có hiệu lực.
Qua các nhóm thảo luận do CENSS tổ chức, bà Voronina nhận thấy quan điểm về kiểm soát vũ khí ở Ukraine rất khác biệt tùy theo vùng miền. Ở Kharkov – khu vực gần tiền tuyến, người dân có xu hướng ủng hộ việc chỉ quân đội mới được mang vũ khí. Trong khi đó, tại miền trung Ukraine, nhiều người lại tin rằng họ có quyền sở hữu vũ khí để tự vệ.
“Sẽ rất khó để chúng tôi có thể xác lập một lập trường thống nhất toàn quốc về cách tiếp cận kiểm soát vũ khí", chuyên gia này cho biết.
Theo bà Voronina, điều đáng mừng hiện nay là các lực lượng thực thi pháp luật của Ukraine vẫn đang nỗ lực giữ cho dòng chảy vũ khí ở yên trong biên giới Ukraine. Tuy nhiên, chuyên gia Florquin từ Small Arms Survey lại nhận định rằng, những hệ lụy nghiêm trọng nhất từ tình trạng phổ biến súng đạn không nằm ở việc chúng bị tuồn ra nước ngoài, mà lại xuất hiện ngay giữa xã hội Ukraine.
Sự hiện diện ngày càng thường xuyên của vũ khí "nóng" trong các vụ va chạm giữa dân thường, cướp bóc và bạo lực gia đình tại Ukraine là một hồi chuông cảnh báo, buộc chính phủ nước này phải nhanh chóng tìm ra giải pháp nếu không muốn vướng vào một cuộc chiến mới ngay sau khi vừa bước chân ra khỏi xung đột với Nga.