Lương tối thiểu tăng bình quân gần 6% mỗi năm

Trong giai đoạn 2016 - 2024, lương tối thiểu được định kỳ điều chỉnh với tốc độ tăng bình quân 5,96%/năm; tiền lương bình quân của lao động làm công hưởng lương cũng tăng bình quân 6,57%/năm. Qua đó, giúp đời sống của người lao động được cải thiện...

Đời sống người lao động được cải thiện khi lương tối thiểu được điều chỉnh hằng năm. Ảnh minh họa: Mạnh Dũng.

Đời sống người lao động được cải thiện khi lương tối thiểu được điều chỉnh hằng năm. Ảnh minh họa: Mạnh Dũng.

Thông tin về việc thực hiện các chính sách tiền lương, quan hệ lao động, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội cho biết trong năm 2024, các cơ chế, chính sách về lao động, tiền lương tiếp tục được xây dựng, hoàn thiện, trong đó tập trung vào thể chế hóa các nội dung cải cách chính sách tiền lương trong doanh nghiệp.

Đơn cử như điều chỉnh mức lương tối thiểu tăng bình quân 6%; xây dựng chính sách tiền lương trong doanh nghiệp Nhà nước theo tinh thần Nghị quyết số 27-NQ/TW về cải cách chính sách tiền lương.

Năm 2024, tiền lương, thu nhập của người lao động tăng, thu nhập bình quân của người lao động hưởng lương đạt khoảng 8,5 triệu đồng/tháng, tăng 1,9 triệu đồng so với năm 2020, đời sống của người lao động có sự cải thiện.

Bộ cũng triển khai các giải pháp xây dựng và phát triển quan hệ lao động hài hòa, ổn định, trong đó tập trung hướng dẫn các địa phương xây dựng Đề án phát triển quan hệ lao động theo yêu cầu của Quốc hội và chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.

Thúc đẩy các hoạt động hỗ trợ đối thoại, thương lượng tập thể; chủ động nắm bắt tình hình, kịp thời giải quyết những tranh chấp lao động, đình công phát sinh, góp phần giữ ổn định an ninh, trật tự, an toàn xã hội.

Theo đó, tình hình quan hệ lao động trong các doanh nghiệp năm 2024 cơ bản giữ được sự hài hòa và ổn định, số cuộc đình công giảm. Năm 2024, cả nước xảy ra 49 cuộc đình công.

Nhìn lại chặng đường gần 10 năm (giai đoạn 2016 – 2024), Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội cho biết các chủ trương, đường lối của Đảng về quan hệ lao động và tiền lương ngày càng được hoàn thiện.

Hệ thống chính sách, pháp luật về quan hệ lao động và tiền lương được sửa đổi, bổ sung ngày càng đồng bộ, đáp ứng yêu cầu thực tiễn, trong đó đặc biệt là Bộ luật Lao động 2019 và các văn bản hướng dẫn thi hành đã thể chế hóa đầy đủ các quan điểm chỉ đạo của Đảng và tiệm cận với các tiêu chuẩn lao động quốc tế, cam kết quốc tế mà Việt Nam tham gia.

Từ đó, tạo cơ sở pháp lý quan trọng để thực hiện đúng các nguyên tắc của quan hệ lao động trong kinh tế thị trường, bảo đảm hài hòa quyền, lợi ích cho các bên.

Quan hệ lao động, tiền lương ghi nhận nhiều phát triển vượt bậc; tình hình quan hệ lao động trong các doanh nghiệp có nhiều chuyển biến tích cực. Các hoạt động đối thoại, thương lượng, ký kết thỏa ước lao động tập thể dần đi vào thực chất hơn.

Các thiết chế giải quyết tranh chấp lao động được củng cố, kiện toàn; cơ chế giải quyết tranh chấp lao động tập thể, đình công từng bước được chuyển đổi, số cuộc tranh chấp lao động tập thể và đình công giảm dần.

Đáng chú ý, trong giai đoạn này, lương tối thiểu được định kỳ điều chỉnh với tốc độ tăng bình quân 5,96%/năm, tiền lương bình quân của lao động làm công hưởng lương tăng bình quân 6,57%/năm; đời sống của người lao động ngày càng được cải thiện.

Trong năm 2025, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội cho biết ngành sẽ tiếp tục hoàn thiện thể chế trong lĩnh vực quan hệ lao động và tiền lương đáp ứng yêu cầu của cơ chế thị trường, hội nhập quốc tế.

Trong đó, tiếp tục cải cách tiền lương trong khu vực sản xuất, kinh doanh theo tinh thần Nghị quyết số 27-NQ/TW; tập trung triển khai các nhiệm vụ, giải pháp về xây dựng quan hệ lao động hài hòa, ổn định và tiến bộ trong tình hình mới theo tinh thần Chỉ thị số 37-CT/TW.

Cùng với đó, hướng dẫn, hỗ trợ các bên triển khai thực hiện có hiệu quả các chính sách lao động, tiền lương, đối thoại, thương lượng, ký kết thỏa ước lao động tập thể thực chất; kiện toàn hệ thống giải quyết tranh chấp lao động.

Đặc biệt, hướng dẫn, đôn đốc, hỗ trợ các địa phương xây dựng và triển khai Đề án phát triển quan hệ lao động, bảo đảm 100% địa phương hoàn thành xây dựng Đề án vào năm 2025 theo Nghị quyết của Quốc hội và chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.

Ngoài ra, tăng cường công tác theo dõi, giám sát, kiểm tra thực hiện pháp luật lao động, tiền lương và quan hệ lao động tại một số địa phương, doanh nghiệp Nhà nước, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI), doanh nghiệp hoạt động cho thuê lại lao động tại một số tỉnh, thành phố trọng điểm...

Thu Hằng

Nguồn VnEconomy: https://vneconomy.vn/luong-toi-thieu-tang-binh-quan-gan-6-moi-nam.htm
Zalo