Lương tăng, giá cả hàng hóa cũng tăng theo
Từ ngày 1-7, Chính phủ đã điều chỉnh mức lương cơ sở từ 1,8 triệu đồng/tháng lên 2,34 triệu đồng/tháng. Bên cạnh niềm vui lương tăng, nhiều người tiêu dùng lo giá cả các loại hàng hóa 'té nước theo mưa' mà tăng giá theo.
Thực tế nhiều năm nay, phản ứng thông thường của thị trường là lương tăng thì giá cũng tăng theo. Để tránh “điệp khúc” này tái diễn, cần nâng cao hiệu quả các chương trình về bình ổn thị trường, đảm bảo nguồn cung ứng hàng hóa…
Nhiều mặt hàng giữ giá cao
Theo Cục Thống kê Đồng Nai, trong tháng 8 vừa qua, trong số 11 nhóm hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng chính, có 6 nhóm hàng tăng giá. Nhóm hàng hóa có chỉ số giá tăng cao nhất là nhóm giáo dục (tăng 0,7% so với tháng 7) do chuẩn bị bước vào năm học mới nên các mặt hàng sách, vở, dụng cụ học tập và dịch vụ giáo dục tăng giá. Ngoài ra, nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống tăng 0,14%, thiết bị và đồ dùng gia đình tăng 0,1%...
Ghi nhận tại nhiều chợ trên địa bàn tỉnh, giá thịt heo ba rọi có giá từ 120-145 ngàn đồng/kg, thịt heo nạc từ 90-120 ngàn đồng/kg, thịt bò phi-lê từ 280-320 ngàn đồng/kg, thịt gà công nghiệp từ 45-60 ngàn đồng/kg, cá diêu hồng từ 60-75 ngàn đồng/kg, tôm từ 180-220 ngàn đồng/kg… Nhiều loại gạo, rau xanh, trứng gia cầm có xu hướng tăng từ 5-10% so với tháng 7-2024. Bên cạnh đó, giá các loại dầu ăn, đường, thực phẩm khô cũng có xu hướng tăng trong những tháng gần đây.
Chính phủ đã quyết liệt chỉ đạo các bộ, ngành, cơ quan liên quan thực hiện đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp để kiểm soát lạm phát, bình ổn giá cả hàng hóa thị trường, nhằm bảo đảm giá trị thực của tiền lương mới khi cải cách tiền lương theo Nghị quyết số 27-NQ/TW… Bên cạnh đó, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 85/2024/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều của Luật Giá, trong đó có quy định cụ thể về việc thực hiện bình ổn giá.
Theo bà Dương Thị Liễu, tiểu thương kinh doanh các loại rau củ quả ở chợ Tân Hiệp (thành phố Biên Hòa), hơn một tháng trở lại đây, giá một số loại nông sản như: khổ qua, súp lơ, rau cải, bí xanh… có xu hướng tăng do những tác động bởi tình hình thời tiết. Trong đó, bí xanh tăng 3-4 ngàn đồng/kg, hiện ở mức 15 ngàn đồng/kg; khổ qua tăng 7-8 ngàn đồng/kg, lên mức 20 ngàn đồng/kg; đặc biệt, súp lơ hiện có giá 50 ngàn đồng/kg, tăng 10-15 ngàn đồng/kg so với tháng 7-2024…
Ngoài ra, từ đầu tháng 9-2024, giá gas bán lẻ trong nước tăng khoảng 7 ngàn đồng/kg so với tháng 8. Như vậy, giá gas bán lẻ có lần thứ 2 liên tiếp tăng giá và lần tăng giá thứ 5 trong năm 2024. Sau khi điều chỉnh, giá các loại gas phổ biến từ 445-468 ngàn đồng/bình 12kg, tùy từng thương hiệu.
Chị Nguyễn Thu Trang (ngụ phường Tân Tiến, thành phố Biên Hòa) cho biết, hiện nay, tại các khu chợ trên địa bàn thành phố, giá cả hàng hóa đều rục rịch tăng. Các mặt hàng tăng giá thường tập trung vào những mặt hàng thiết yếu như: lương thực, thực phẩm, rau củ quả... Cụ thể, gạo ST24 tăng 10-20 ngàn đồng/bao 10kg, thịt heo tăng 10-20 ngàn đồng/kg so với trước khi lương tối thiểu vùng tăng. Ngoài ra, thời gian gần đây, do ảnh hưởng của tình hình bão lũ từ miền Bắc và vào mùa mưa ở miền Nam, giá các loại rau, trái cây có xu hướng tăng nhẹ.
“Mặc dù lương tăng từ ngày 1-7 vừa qua nhưng tôi thấy giá cả hàng hóa, chi phí sinh hoạt hàng ngày cũng “âm thầm” tăng theo lương lúc nào không hay. Mỗi ngày tăng vài ngàn đồng/sản phẩm, tuy nhiên tiêu dùng hàng ngày nhiều món thì cộng lên cũng tiêu tốn khá nhiều, như vậy cũng đâu vào đấy, không có khác biệt” - chị Thu Trang bộc bạch.
Người tiêu dùng thắt chặt chi tiêu
Trước bối cảnh giá cả nhiều mặt hàng có xu hướng tăng, nhiều người tiêu dùng phải thắt chặt chi tiêu, tính toán phương án mua sắm phù hợp.
Chị Ngọc Hoa (ngụ phường Tân Hiệp, thành phố Biên Hòa) chia sẻ, thời gian qua, khi giá một số loại thực phẩm, hàng tiêu dùng có xu hướng tăng, chị thường xuyên phải đắn đo cân nhắc mua món này hay bớt món kia để đảm bảo cân đối theo khả năng chi tiêu cho gia đình.
“Khi đi chợ, tôi thường chọn mua ở những sạp quen, có niêm yết giá rõ ràng. Ngoài ra, dịp cuối tuần, tôi còn đến siêu thị để chọn mua các mặt hàng đang khuyến mãi, các sản phẩm được giảm giá khi mua số lượng lớn… để tiết kiệm chi phí” - chị Ngọc Hoa cho biết.
Trưởng ban Quản lý chợ Tân Biên (thành phố Biên Hòa) Hoàng Văn Đức chia sẻ, nguồn cung hàng hóa tại chợ hiện nay ổn định. Tuy nhiên, sức mua tại chợ giảm khoảng 30% so với cùng kỳ những năm trước do người tiêu dùng ngày càng thắt chặt chi tiêu, cân đối lại nhu cầu tiêu dùng cho phù hợp trong bối cảnh tình hình kinh tế gặp nhiều khó khăn.
Để góp phần ổn định giá cả hàng hóa, trong thời gian qua, các sở, ngành, đơn vị liên quan đã triển khai nhiều giải pháp nhằm đảm bảo bình ổn thị trường đối với những hàng hóa, dịch vụ thiết yếu, thường xuyên theo dõi, kịp thời có giải pháp bảo đảm cân đối cung - cầu trong nước; tránh tình trạng thiếu hàng, “găm hàng”, đầu cơ, tăng giá bất hợp lý…
Các siêu thị, trung tâm thương mại, chuỗi cửa hàng tiện lợi trong tỉnh thường xuyên triển khai các chương trình ưu đãi, khuyến mãi, đảm bảo nguồn hàng cung ứng cho người tiêu dùng, nhất là đối với các mặt hàng thiết yếu, các loại nông sản, thực phẩm. Tương tự, các chợ truyền thống đã đẩy mạnh triển khai việc tuyên truyền cho các tiểu thương về việc đảm bảo niêm yết giá, cân đối nguồn cung ứng…