Lượng ô tô tiêu thụ trở lại đà giảm tháng 'ngâu'

Sau thời gian ngắn khởi sắc, tháng 'ngâu' (tháng 7 âm lịch) chứng kiến lượng ô tô tiêu thụ giảm mạnh, một phần do sức mua đã giải phóng đáng kể trước thềm đợt giảm lệ phí trước bạ dành cho xe lắp ráp trong nước.

Việc nhiều mẫu xe mới trình làng trong giai đoạn này được kỳ vọng sẽ trở thành một động lực kích cầu thị trường ô tô. Ảnh: Hoàng Linh

Việc nhiều mẫu xe mới trình làng trong giai đoạn này được kỳ vọng sẽ trở thành một động lực kích cầu thị trường ô tô. Ảnh: Hoàng Linh

Số liệu công bố ngày 13-9 của Hiệp hội các nhà sản xuất ô tô Việt Nam (VAMA) cho thấy, tháng vừa qua, toàn thị trường tiêu thụ 25.196 ô tô. Mức này cao hơn 12% so với cùng kỳ năm 2023, nhưng giảm tới 13% so với tháng 7-2024. Ở nhóm nhà sản xuất không thuộc VAMA, TC MOTOR cùng ngày cho biết, đã tiêu thụ 4.679 xe Hyundai trong tháng 8-2024, cũng giảm mạnh so với con số 5.329 xe của tháng 7.

Một trong những nguyên nhân khiến lượng ô tô tiêu thụ trong tháng 8 suy giảm là tâm lý đợi chờ đợt giảm lệ phí trước bạ đối với xe lắp ráp trong nước. Nhiều đại lý ô tô cho biết, sau nhiều tháng chờ đợi, xu hướng chấp nhận mua xe và ra biển để sử dụng đã tăng cao đột biến trong tháng 7, một phần để né nhận xe trong tháng “Ngâu”. Việc sức mua của thị trường được giải phóng từ trước như vậy đã khiến tháng 8 trở thành “vùng trũng”.

Nhìn về phía trước, nhiều chuyên gia trong ngành nhận định, đợt giảm lệ phí trước bạ 50% đối với ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước kể từ ngày 1-9 đến hết 30-11-2024 có thể tạo ra động lực lớn, kích thích nhu cầu tiêu dùng ô tô.

Tuy nhiên, các ý kiến cũng cho rằng, cần lường trước rủi ro đối với thị trường xe khi cơn bão số 3 (Yagi) vừa qua gây thiệt hại đáng kể về kinh tế và hạ tầng giao thông. Đây chắc chắn sẽ là áp lực lớn lên thị trường ô tô vốn đã có dấu hiệu giảm tốc.

Trong bối cảnh đó, để bảo đảm sức tăng trưởng ổn định, các nhà sản xuất được dự báo sẽ duy trì các biện pháp kích cầu, ưu đãi. Động thái này cũng nhằm bảo đảm tính cạnh tranh cho các dòng xe nhập khẩu trong thời gian ưu đãi lệ phí trước bạ được áp dụng cho xe lắp ráp trong nước.

Sedan cỡ D MG7 lần đầu có mặt tại Việt Nam, với giá từ 739 triệu đồng (1.5T Luxury) cho tới 1,018 tỷ đồng (2.0T Premium). Ảnh: Hoàng Linh

Sedan cỡ D MG7 lần đầu có mặt tại Việt Nam, với giá từ 739 triệu đồng (1.5T Luxury) cho tới 1,018 tỷ đồng (2.0T Premium). Ảnh: Hoàng Linh

Chiến lược này thực tế đã bắt đầu được hiện thực hóa. Trong tháng 9, Toyota triển khai ưu đãi tương đương 50% lệ phí trước bạ với Vios, Veloz Cross, Avanza Premio và Yaris Cross từ nay tới hết 31-8. Toàn bộ xe Toyota cũng được hưởng lãi suất chỉ 4,99%/năm trong tháng này.

Về phần mình, tới hết 30-9, Honda cũng áp dụng mức ưu đãi tương đương 50% lệ phí trước bạ với BR-V, trong đó riêng BR-V được kèm theo 1 năm bảo hiểm thân vỏ. Sedan Accord cũng được hỗ trợ tới 220 triệu đồng tiền mặt.

Ở nhóm xe châu Âu, Mercedes-Benz giảm giá mạnh cho E-Class, với phiên bản E180 FL hiện 1,889 tỷ đồng (giảm 130 triệu đồng), E200 Exclusive FL hiện 2,223 tỷ đồng (giảm 160 triệu đồng), E300 AMG hiện 2,889 tỷ đồng (giảm 250 triệu đồng). Một số dòng xe hiệu suất cao AMG cũng được ưu đãi, đáng chú ý là C 43 AMG giảm giá 361 triệu đồng so với mức niêm yết (hiện còn 2,96 tỷ đồng).

Tương tự, Volkswagen trong tháng 9 giảm giá Teramont còn 1,998 tỷ đồng, dù bổ sung gói bệ bước cao cấp, chức năng phanh hãm tự động (Autohold) và chế độ mở cốp rảnh tay. Teramont X và Touareg cũng được giảm giá tương đương 50% lệ phí trước bạ, kèm một số quyền lợi khác.

Các hãng xe thời gian này cũng tập trung ra mắt thêm xe ở phân khúc mới kết hợp "lên đời" các mẫu sản phẩm ăn khách mang tính chiến lược. Chỉ trong một thời gian ngắn, thị trường trong nước đón nhận nhiều gương mặt mới thuộc mọi phân khúc, từ bán tải như Mitsubishi Triton 2024, xe đa dụng (MPV) như Suzuki XL7 Hybrid, crossover như Ford Territory Sport, cho tới sedan như MG 7...

Hoàng Linh

Nguồn Hà Nội Mới: https://hanoimoi.vn/luong-o-to-tieu-thu-tro-lai-da-giam-thang-ngau-678078.html
Zalo