Luồng, nứa, vầu chết khô - nguy cơ cháy rừng cao mùa nắng nóng

Thời gian vừa qua trên địa bàn huyện Quan Sơn xuất hiện tình trạng luồng, nứa, vầu bị chết khô (hay còn gọi là bị khuy). Đặc biệt có những khu vực rừng bị khuy trên diện tích rộng, ảnh hưởng tới đời sống kinh tế của người dân trên địa bàn huyện và tiềm ẩn rất lớn nguy cơ gây cháy rừng khi thời tiết đang vào cao điểm mùa nắng nóng.

Rừng luồng tại xã Na Mèo (Quan Sơn) bị chết khô, tiềm ẩn nguy cơ cháy rừng cao.

Rừng luồng tại xã Na Mèo (Quan Sơn) bị chết khô, tiềm ẩn nguy cơ cháy rừng cao.

Vào thời điểm giữa tháng 4/2025, chúng tôi có mặt tại xã Na Mèo - một trong những xã có diện tích rừng luồng, nứa, vầu bị khuy lớn với diện tích 1.727ha. Ông Lương Văn Huân, Chủ tịch UBND xã Na Mèo, cho biết: Diện tích luồng, nứa, vầu bị khuy không chỉ ảnh hưởng đến thu nhập của người dân mà tiềm ẩn nguy cơ cháy rừng. Trước thực trạng này, xã Na Mèo đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền nhằm nâng cao ý thức, trách nhiệm của người dân, chủ rừng trong công tác bảo vệ rừng (BVR), phòng cháy, chữa cháy rừng (PCCCR). Tại những bản có nguy cơ cháy rừng cao, xã đã phối hợp với lực lượng chức năng tăng cường tuần tra, canh gác lửa rừng, kiểm soát người ra vào những khu rừng có nguy cơ cháy cao. Chuẩn bị đầy đủ, sẵn sàng lực lượng, phương tiện, hậu cần chữa cháy rừng theo đúng phương châm “bốn tại chỗ”.

Ông Ngân Văn Thêu, bản Sa Ná, chia sẻ: "Gia đình tôi có 15ha rừng luồng, nứa, vầu, trong đó có 8ha bị khuy. Được cán bộ xã tuyên truyền các biện pháp PCCCR, gia đình tôi phân công các thành viên thay nhau kiểm tra diện tích rừng luồng, nứa, vầu bị khuy. Qua đó, góp phần BVR của địa phương, đặc biệt trong những ngày nắng nóng, nhiệt độ tăng cao".

Không chỉ ở xã Na Mèo, hiện tượng rừng luồng, nứa, vầu bị khuy đang diễn ra ở tất cả các xã, thị trấn trên địa bàn Quan Sơn. Tính đến ngày 19/4, huyện Quan Sơn có 9.341,9ha rừng nứa, vầu, luồng, giang bị khuy, trong đó, các xã có diện tích rừng bị khuy lớn như: Mường Mìn, Na Mèo, Sơn Điện, thị trấn Sơn Lư... Ông Lê Kim Du, Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm huyện Quan Sơn, cho biết: Thực tế chu kỳ sinh trưởng phát triển cây luồng khoảng trên 30 năm; cây vầu, cây nứa từ 40 đến 45 năm thường ra hoa và chết khô. Quá trình khuy diễn ra khoảng 1 năm, sau đó cây phục hồi, tái sinh chu kỳ phát triển mới. Việc rừng tre nứa bị khuy không chỉ ảnh hưởng đến đời sống của người dân mà còn tiềm ẩn nguy cơ cháy rừng cao trong mùa nắng nóng. Hiện, Hạt Kiểm lâm huyện Quan Sơn đã chỉ đạo kiểm lâm viên địa bàn tham mưu cho UBND các xã, thị trấn rà soát, bổ sung phương án tác chiến chữa cháy rừng. Tổ chức trực chỉ huy, trực gác ở những khu vực trọng yếu tại thời điểm có nguy cơ cháy rừng cao. Tuyên truyền cho Nhân dân trên địa bàn tiếp tục thực hiện tốt công tác BVR, PCCCR; không sử dụng lửa trong rừng, không xử lý thực bì canh tác nông nghiệp gần rừng khi chưa đảm bảo an toàn về PCCCR. Cắm biển báo cấm lửa tại các khu vực trọng yếu, các xã Na Mèo, Mường Mìn, Sơn Điện hướng dẫn chủ rừng thực hiện các biện pháp lâm sinh để bảo vệ và phát triển rừng trên địa bàn. Đồng thời, đơn vị đã đề nghị UBND huyện Quan Sơn báo cáo cấp thẩm quyền hỗ trợ các hộ dân trong việc khôi phục, phát triển rừng luồng, nứa, vầu trên địa bàn.

Hiện nay, trên địa bàn huyện Quan Sơn thời tiết diễn biến phức tạp, nắng nóng, khô hạn kéo dài, cộng với gió Lào hoạt động mạnh. Toàn huyện có trên 82.000ha rừng được xác định là vùng trọng điểm dễ xảy ra cháy rừng của tỉnh Thanh Hóa. Trong đó, các xã trọng điểm gồm: Na Mèo, Mường Mìn, Sơn Thủy, Sơn Hà, Trung Xuân, Tam Thanh, Tam Lư, Sơn Điện có hơn 11.000ha rừng tiềm ẩn nguy cơ cháy rừng cao, trong đó có 9.341,9ha vật liệu dễ cháy như nứa, vầu, luồng, giang... chết khô và cây le, lau lách, thực bì rất dày. Một bộ phận người dân thường vào rừng bẫy bắt và khai thác lâm sản, gây áp lực cho an ninh rừng. Ngoài ra, nhu cầu sử dụng gỗ gia dụng, nhất là gỗ làm nhà rất lớn; tập quán lạc hậu, phát nương làm rẫy của đồng bào, nhất là đồng bào Mông; tình trạng đốt ong lấy mật khá phổ biến... là những nguyên nhân chính gây cháy rừng trong những ngày nắng nóng.

Lực lượng chức năng cùng với người dân kiểm tra rừng luồng tại xã Sơn Hà (Quan Sơn).

Lực lượng chức năng cùng với người dân kiểm tra rừng luồng tại xã Sơn Hà (Quan Sơn).

Ông Hà Văn Toản, Trưởng Phòng Nông nghiệp và Môi trường, UBND huyện Quan Sơn, cho biết: Huyện ủy, UBND huyện, các xã, thị trấn, các ngành chức năng, chủ rừng và người dân huyện Quan Sơn xác định rừng không chỉ là nguồn tài nguyên quý, có giá trị lớn về sinh thái, môi trường, góp phần quan trọng phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm an ninh - quốc phòng mà còn góp phần thiết thực tạo thêm việc làm tại chỗ, nâng cao thu nhập cho đồng bào nên đã chủ động thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp BVR. Để giữ rừng trong mùa nắng nóng, Huyện ủy, UBND huyện, Ban Chỉ đạo thực hiện chương trình phát triển lâm nghiệp bền vững huyện Quan Sơn ban hành đầy đủ, kịp thời văn bản chỉ đạo cấp ủy, chính quyền cơ sở, các ban, ngành, cơ quan, đơn vị trên địa bàn thực hiện Kết luận số 61-KL/TW ngày 17/8/2023 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 13-CT/TW ngày 12/1/2017 của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng; các văn bản chỉ đạo của Chính phủ, của tỉnh về công tác bảo vệ và phát triển rừng, PCCCR nhằm huy động cả hệ thống chính trị cùng vào cuộc giữ rừng. Phối hợp với các đơn vị liên quan tổ chức hội nghị tập huấn tuyên truyền, phổ biến pháp luật về lâm nghiệp gắn với phát động cộng đồng dân cư xây dựng mô hình quản lý nguồn lửa đảm bảo an toàn trong và ven rừng. Kiểm tra công tác BVR, PCCCR tại các chủ rừng Nhà nước, UBND cấp xã. Qua đó, hướng dẫn, đôn đốc cấp xã, chủ rừng nâng cao vai trò, trách nhiệm trong công tác quản lý Nhà nước về lâm nghiệp, chú trọng thực hiện công tác BVR, PCCCR; làm rõ trách nhiệm và yêu cầu chủ rừng Nhà nước phải tổ chức lực lượng thường xuyên kiểm tra an ninh rừng, lập kế hoạch mua sắm máy, thiết bị, dụng cụ phục vụ PCCCR... Tham mưu cho chính quyền các xã kiện toàn, xây dựng các tổ liên gia tự quản BVR ở cơ sở, đặc biệt chú trọng vùng trọng điểm có nguy cơ mất an ninh rừng. Phối hợp với các cơ quan chức năng quản lý diện tích đất quy hoạch canh tác nương rẫy tại 3 bản đồng bào Mông thuộc các xã Na Mèo và Sơn Thủy.

Với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị và Nhân dân chung sức giữ rừng, hiện nay an ninh rừng trên địa bàn huyện Quan Sơn cơ bản ổn định, kiểm soát được tình hình cháy rừng, phá rừng trái pháp luật. Tài nguyên rừng được quản lý, bảo vệ bền vững, không những phát huy tốt tính năng phòng hộ, bảo vệ tính đa dạng sinh học, tạo cảnh quan môi trường mà còn tạo nguồn sinh thủy cho vùng thượng nguồn sông Lò, sông Luồng, cấp nước, giữ nước, điều tiết nước và bảo vệ các công trình thủy lợi trong vùng, góp phần bảo tồn giá trị tài nguyên thiên nhiên, bảo vệ “lá phổi xanh” cho vùng biên giới Quan Sơn với nước bạn Lào.

Bài và ảnh: Nguyễn Cường

Nguồn Thanh Hóa: http://baothanhhoa.vn/luong-nua-vau-chet-kho-nguy-co-chay-rung-cao-mua-nang-nong-246234.htm
Zalo