Lương nhà giáo được xếp cao nhất: Hợp lý!

Nhiều bạn đọc ủng hộ đề xuất giáo viên được tăng một bậc khi xếp lương lần đầu, đây là sự thay đổi kịp thời của ngành giáo dục.

Mới đây, báo Pháp Luật TP.HCM có bài viết “Dự thảo Luật Nhà giáo: Giáo viên được tăng 1 bậc khi xếp lương lần đầu”về việc dự thảo Luật Nhà giáo. Dự thảo thiết kế 10 chính sách về xây dựng và phát triển đội ngũ nhà giáo với nhiều ưu đãi.

Liên quan đến tiền lương và phụ cấp đối với nhà giáo, Điều 25 dự thảo quy định nhà giáo ở cơ sở giáo dục công lập hưởng lương cơ bản theo bảng lương nhà giáo được xếp cao nhất trong hệ thống thang bậc lương hành chính sự nghiệp. Ngoài ra, nhà giáo còn được hưởng phụ cấp ưu đãi nghề và các phụ cấp khác tùy theo tính chất công việc, theo vùng.

Đặc biệt, dự luật Nhà giáo mới nhất đề xuất giáo viên (GV) tuyển dụng, xếp lương lần đầu được xếp tăng một bậc lương trong hệ thống thang bậc lương hành chính sự nghiệp.

Lương cao đi kèm trách nhiệm cao

Nói về vấn đề trên, bạn đọc Hữu Thịnh viết: “Theo thống kê, hơn 7.000 GV nghỉ việc, chuyển việc từ tháng 8-2023 đến tháng 4-2024. Đây là con số đáng báo động. Trong bối cảnh nhân sự ra đi phần nhiều vì lương thấp thì đề xuất này là sự thay đổi kịp thời của ngành giáo dục nhằm động viên GV, giữ chân người tài. Tuy nhiên, khi tăng lương cũng phải đòi hỏi thêm trách nhiệm, nâng cao chuyên môn nghiệp vụ để đáp ứng chất lượng giảng dạy. Bên cạnh đó, cơ quan chức năng cần quản lý chặt chẽ việc dạy thêm, học thêm; không để xảy ra tình trạng hời hợt trên lớp để bắt học sinh đăng ký học thêm, kiếm thêm thu nhập ngoài giờ”.

 Nhiều bạn đọc ủng hộ đề xuất lương nhà giáo được xếp cao nhất trong hệ thống thang bậc lương hành chính sự nghiệp. Ảnh: THẢO HIỀN

Nhiều bạn đọc ủng hộ đề xuất lương nhà giáo được xếp cao nhất trong hệ thống thang bậc lương hành chính sự nghiệp. Ảnh: THẢO HIỀN

Cùng quan điểm, bạn đọc Hoàng Ngân bày tỏ: “Giáo dục là quốc sách hàng đầu, muốn đất nước phát triển bền vững thì phải đặc biệt quan tâm đến giáo dục. Do đó, lương GV phải được điều chỉnh sớm để các thầy cô yên tâm giảng dạy. Bên cạnh đó nên bỏ việc dạy thêm, học thêm; nhà trường chỉ nên phụ đạo cho các em quá yếu kém, đồng thời thu phí để bồi dưỡng các GV đứng lớp phụ đạo các em này”.

“Tăng lương thì hợp lý nhưng nếu tăng cao nhất thì cũng phải đảm bảo kèm theo chất lượng dạy tốt nhất. Tôi thấy việc “tăng lương cao nhất” nên áp dụng đối với các trường hợp GV công tác tại điểm trường miền núi, hải đảo, vùng sâu, vùng xa thì hợp lý hơn” - bạn đọc Mai Phạm nêu ý kiến.

Nâng cao trách nhiệm của nhà giáo

Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đặt ra yêu cầu cho đội ngũ viên chức làm công tác giảng dạy phải có vốn tri thức dày dặn và kỹ năng tích hợp để có thể hội nhập trước khi truyền đạt, hướng dẫn cho người học.

Do đó, Nhà nước phải xây dựng những sách lược ở tầm vĩ mô. Trong những sách lược ấy, Nhà nước cần tập trung vào việc hỗ trợ GV có năng lực nghề nghiệp vững vàng, có kỹ năng xử lý, giải quyết các tình huống sư phạm; nâng cao năng lực ứng xử sư phạm, đạo đức của nhà giáo.

Ông TRẦN ANH TUẤN, Phó Chủ tịch Hội Giáo dục nghề nghiệp TP.HCM

Ghi nhận đúng mức công sức đóng góp của nhà giáo

Ông Trần Anh Tuấn, Phó Chủ tịch Hội Giáo dục nghề nghiệp TP.HCM, cho biết dự thảo Luật Nhà giáo quy định lương GV được xếp cao nhất trong hệ thống thang bậc lương hành chính sự nghiệp, được hưởng các phụ cấp ưu đãi nghề và các phụ cấp khác là phù hợp với vị trí, vai trò của nhà giáo; ghi nhận đúng mức công sức đóng góp của đội ngũ nhà giáo để tôn vinh; đồng thời xóa bỏ suy nghĩ nhắc đến nhà giáo là nhắc đến thu nhập, lương thấp bấy lâu nay.

“Tuy nhiên, chất lượng giáo dục của các trường chưa đồng đều. Dù quy định như thế nào cũng phải hướng đến mục tiêu là đào tạo nguồn nhân lực có chất lượng cho thị trường lao động” - ông Tuấn nhấn mạnh.

Theo ông Tuấn, để có thể đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao thì các chính sách phát triển giáo dục không thể viết một cách riêng lẻ, cô lập mà phải cam kết và nêu lên những vấn đề cốt lõi. Luật Nhà giáo thì phải thể hiện vai trò của các nhà giáo trong xã hội, cần đưa ra các quy định cơ bản về chuẩn mực, đạo đức, kỹ năng nghề nghiệp của nhà giáo.

Cụ thể, cần quy định những điểm cơ bản về chuẩn mực đạo đức, kỹ năng nghề nghiệp trong bối cảnh đòi hỏi sự tăng cường các kỹ năng để bảo đảm thích ứng với sự chuyển đổi nhanh chóng từ thực tiễn.

Cần nghiên cứu và đánh giá kỹ lưỡng

Việc đưa lương GV vào ngạch lương cao là hợp lý. Tuy nhiên, việc tăng lương cần có lộ trình cụ thể sau những nghiên cứu và đánh giá ban đầu để tính toán chi tiết.

Hiện lực lượng GV được chia thành hai nhóm chính: GV công lập và GV tư thục. Đối với GV công lập, hiện họ được hưởng lương theo hệ thống ngạch lương của Nhà nước, trong khi GV tư thục thì được trả lương theo thỏa thuận riêng.

Chúng ta đang thảo luận về việc xây dựng Luật Nhà giáo, vì vậy cần xác định rõ rằng chúng ta đang đề cập đến GV trong khu vực công lập hay là GV ở cả hai hệ thống công lập và tư thục.

Vấn đề này còn nhiều khía cạnh cần phải bàn luận kỹ lưỡng hơn, không chỉ dừng lại ở việc tăng hay không tăng lương, lương cao hay thấp.

PGS-TS NGUYỄN ĐỨC LỘC, Viện trưởng Viện Nghiên cứu đời sống xã hội (Social Life)

THẢO HIỀN - TRẦN MINH

Nguồn PLO: https://plo.vn/luong-nha-giao-duoc-xep-cao-nhat-hop-ly-post814512.html
Zalo