Lương nhà giáo được ưu tiên xếp cao nhất

Tại Kết luận số 91-KL/TW ngày 12/8/2024 của Bộ Chính trị tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 29-NQ/TW và Dự thảo Luật nhà giáo quy định: 'Lương của nhà giáo được ưu tiên xếp cao nhất trong hệ thống thang bậc lương hành chính sự nghiệp và có thêm phụ cấp tùy theo tính chất công việc, theo vùng'.

Tiết chào cờ của học sinh Trường THCS Ban Công (Bá Thước).

Tiết chào cờ của học sinh Trường THCS Ban Công (Bá Thước).

Chủ trương nhằm cải thiện thu nhập nhà giáo, nâng cao vai trò vị thế nhà giáo trong giai đoạn hội nhập và phát triển, phù hợp với xu thế của thế giới.

Đây là một thông tin vui đối với đội ngũ nhà giáo toàn ngành giáo dục, trong đó có cả đội ngũ nhà giáo thuộc các cơ sở giáo dục ngoài công lập và nhất là đội ngũ nhà giáo đang công tác tại vùng khó khăn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số.

13 năm làm việc tại Trường THCS Ban Công (Bá Thước), đến nay lương của cô giáo Nguyễn Thị Thôn hơn 9 triệu đồng. Hiện cô Thôn đang dạy 27 tiết/tuần, thừa so với định mức giáo viên THCS là 8 tiết. Cô cho biết: “Tôi không có thêm nguồn thu nhập nào khác ngoài tiền lương hàng tháng. Ở miền núi, học sinh không có nhu cầu học thêm. Trong khi đó, tiền thừa giờ cũng không được hỗ trợ. Tôi cũng như nhiều giáo viên trong trường rất mừng khi có chủ trương lương nhà giáo được xếp cao nhất”.

Mới đây, sau khi tăng lương cơ sở thì lương cô giáo Vũ Thị Hằng ở Trường Mầm non Hoằng Yến (Hoằng Hóa) được gần 10 triệu đồng. Đây là niềm vui của cô Hằng sau 14 năm công tác ở ngôi trường này. “Giáo viên mầm non làm việc hơn 10 tiếng/ngày, rất vất vả”. Cô Hằng nói. “Lương tăng, người trong nghề tự tin hơn với công việc được giao. Theo chủ trương, lương nhà giáo được ưu tiên xếp bậc cao nhất trong khối hành chính sự nghiệp, lại thêm niềm vui lớn, góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống...”.

Trước đó, khi mức lương thấp, cô giáo Vũ Thị Hằng đã phải làm thêm nghề tay trái. Sau giờ trả trẻ, 17 giờ cô lại đi xe máy lên Chợ đầu mối nông lâm thủy sản Đông Hương (TP Thanh Hóa) cách nhà 25km để mua rau, củ, quả về bán. “Vào 4 giờ sáng hôm sau, tôi lại đi đưa hàng cho các chợ, quán cơm... Khoảng 6h30’ tôi đến trường. Khi đồng lương còn thấp, nghề phụ đã giúp gia đình đỡ khó khăn hơn. Đến nay, tôi vẫn duy trì công việc này”, cô giáo Vũ Thị Hằng cho biết thêm.

Từ ngày 1/7/2024, tăng mức lương cơ sở lên 2,34 triệu đồng/tháng. Đối với giáo viên còn được hưởng phụ cấp ưu đãi, phụ cấp thâm niên. Theo đó, với mức tăng này đã góp phần cải thiện một phần cuộc sống sinh hoạt cho nhà giáo. Tuy nhiên, vẫn còn bộ phận giáo viên dù lương tăng nhưng mức thu nhập vẫn thấp, đặc biệt đối với giáo viên mới vào nghề, giáo viên mầm non hoặc giáo viên không còn thuộc vùng khó khăn theo quy định của Nhà nước...

Nhà giáo sẽ gắn bó và cống hiến nhiều hơn khi đồng lương bảo đảm được cuộc sống. Trong ảnh: Một buổi học của cô và trò Trường Mầm non Hoằng Yến (Hoằng Hóa)

Theo Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phạm Ngọc Thưởng, xây dựng quy định về “Lương của nhà giáo được ưu tiên xếp cao nhất trong hệ thống thang bậc lương hành chính sự nghiệp...” với nhiều lý do. Đó là các chế độ, chính sách đối với nhà giáo như lương, phụ cấp, chế độ thu hút,... chưa thực sự tương xứng với vị thế, vai trò của nhà giáo. Vì vậy, để giáo viên sống được với nghề là khó. Khi lương không bảo đảm đồng nghĩa với việc sẽ khó thu hút người vào ngành sư phạm, đặc biệt người giỏi. “Có thực mới vực được đạo”, khi cuộc sống chật vật vì đồng lương thì khó tránh việc giáo viên phải chia tay nghề... Bài toán đặt ra, làm cách nào để giữ người ở lại với nghề hay làm thế nào nghề “nuôi” được người? Dự thảo Luật nhà giáo quy định: “Lương nhà giáo được ưu tiên xếp cao nhất trong hệ thống thang bậc lương hành chính sự nghiệp...” sẽ là đáp án cho câu hỏi này. Theo đó, với quy định này sẽ giúp nhà giáo gắn bó và cống hiến hơn với nghề...

Tại Thanh Hóa, khu vực 11 huyện miền núi có nhiều nơi không còn thuộc vùng khó khăn theo quy định của Nhà nước, đồng nghĩa đội ngũ nhà giáo khu vực này không còn được hưởng các chính sách ưu đãi như trước đây. Ông Trần Văn Thức, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Thanh Hóa cho biết: “Không còn thuộc vùng khó khăn nhưng thực tế vẫn còn nhiều cái khó. Khó về điều kiện làm việc, sinh sống và công tác, dù đã được cải thiện nhưng chưa đáng kể. Đối với đại đa số nhà giáo, trong những năm gần đây lương và phụ cấp tuy đã được Nhà nước quan tâm nhưng vẫn chưa tương xứng với hoạt động nghề nghiệp của nhà giáo và chưa đáp ứng được nhu cầu. Do vậy, Dự thảo Luật nhà giáo về lương giáo viên được ưu tiên xếp cao nhất rất phù hợp với nguyện vọng của đội ngũ”.

Khi đồng lương của giáo viên ổn định thì chất lượng dạy và học sẽ tốt hơn. Khi có thu nhập tốt, giáo viên không còn “đứng núi này trông núi nọ”. Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội Nguyễn Thị Mai Hoa nhấn mạnh: “Nhà giáo là viên chức nhưng cần phải được coi là viên chức đặc biệt, là người lao động nhưng phải là người lao động làm nghề đặc biệt. Khi chủ trương được cụ thể hóa bằng con số, khi nhà giáo được công nhận là viên chức đặc biệt, không bị điều chỉnh bởi Luật Viên chức, tức là cũng không chịu ảnh hưởng bởi Nghị quyết 27 về tiền lương thì chắc chắn mục tiêu lương nhà giáo cao nhất sẽ sớm trở thành hiện thực”.

Bài và ảnh: Ninh Nghi

Nguồn Thanh Hóa: https://vhds.baothanhhoa.vn/luong-nha-giao-duoc-uu-tien-xep-cao-nhat-33622.htm
Zalo