Lương hưu bình quân đạt 6,2 triệu đồng/tháng
Thống kê đến cuối năm 2024, lương hưu bình quân của người hưởng tại nước ta đạt mức 6,2 triệu đồng/tháng...
![Ảnh minh họa.](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w500_r1/2025_02_10_3_51440316/6fc0210c1542fc1ca553.jpg)
Ảnh minh họa.
Thông tin về mức lương hưu hằng tháng hiện nay, ông Phạm Trường Giang, Vụ trưởng Vụ Bảo hiểm xã hội (Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội), cho biết theo thông lệ quốc tế, lương hưu được so sánh với thu nhập bình quân đầu người.
TỐC ĐỘ GIÀ HÓA DÂN SỐ NHANH TẠO ÁP LỰC LÊN QUỸ HƯU TRÍ
Tại Việt Nam, mức lương hưu bình quân của người hưởng hiện nay (thống kê đến thời điểm tháng 12/2024) là 6,2 triệu đồng/tháng. Như vậy, lương hưu hiện nay bằng khoảng 63,2% GDP.
Lấy ví dụ ở Hàn Quốc, đại diện Vụ Bảo hiểm xã hội cho biết hiện nay mức mức lương hưu bình quân tại Hàn Quốc khoảng 13 triệu đồng/tháng, tương đương 156 triệu đồng/năm. Còn tổng sản phẩm quốc nội (GDP) bình quân đầu người khoảng 36.000 USD, tương đương 864 triệu đồng. Lương hưu bình quân bằng khoảng 18% GDP.
Theo tính toán tài chính năm 2023, quỹ hưu trí quốc gia của Hàn Quốc đạt 1.775 tỷ won, tương ứng hơn 7.000 tỷ USD – đây là quỹ hưu trí đứng thứ 3 thế giới. Nhưng quỹ này được dự báo sẽ thâm hụt từ năm 2041 và cạn kiệt vào năm 2055. Do đó, Chính phủ Hàn Quốc đã trình Quốc hội điều chỉnh tăng tỷ lệ đóng bảo hiểm xã hội của doanh nghiệp lên.
“Đây là vấn đề Việt Nam có thể tham khảo thêm. Thời gian vừa qua, Luật Bảo hiểm xã hội 2024 đã không điều chỉnh tăng trách nhiệm đóng góp của doanh nghiệp và người lao động”, ông Giang nói.
Năm 1995, tỷ lệ hưởng lương hưu ở Hàn Quốc là 50%, tương đương với 40 năm đóng góp. Tuy nhiên, do áp lực cân đối, mỗi năm giảm 0,5%, dẫn tới tỷ lệ dự kiến còn 40% vào năm 2028. Vì tỷ lệ 40% quá thấp, nên hiện nay tỷ lệ hưởng lương hưu đang giữ ở mức 42%.
“Do áp lực cân đối quỹ hưu trí, Hàn Quốc dự kiến tăng dần tỷ lệ đóng vào quỹ này từ 9% lên 13%, song vẫn giữ tỷ lệ hưởng ở mức 42%, tương đương 40 năm đóng góp. Tất cả những thay đổi này là do áp lực của già hóa dân số, số người đóng góp vào sẽ giảm đi và ngược lại số người thụ hưởng tăng lên, làm gia tăng áp lực cho quỹ", ông Giang thông tin.
Theo Vụ trưởng Vụ Bảo hiểm xã hội Phạm Trường Giang, như vậy, lương hưu của Việt Nam không phải là thấp, mà chỉ một bộ phận người lao động về hưu trước năm 1995 chưa cao. Bởi thời điểm đó, lao động có thời gian làm việc ngắn, về hưu sớm.
Hiện Việt Nam cũng là một trong những quốc gia có tốc độ độ già hóa dân số nhanh nhất thế giới. Dự báo trong năm 2025, cứ 6 người trong độ tuổi lao động (15-59 tuổi) thì mới có 1 người ngoài độ tuổi lao động. Song, đến năm 2055, cứ 2 người trong độ tuổi lao động sẽ phải hỗ trợ 1 người ngoài tuổi lao động.
Nếu để duy trì mức hưởng như hiện nay mà không có bất kỳ một cải cách nào thì trong tương lai (dự báo đến năm 2055), muốn duy trì được mức hưởng này chỉ có 2 cách. Đó là thế hệ sau phải đóng bảo hiểm xã hội với mức gấp 3 lần hiện nay (hiện mức đóng vào quỹ hưu trí là 22%). Cách thứ hai là cần có những cải cách để nhóm đang hưởng lương hưu có mức hưởng phù hợp, giảm gánh nặng cho thế hệ tương lai.
QUYỀN LỢI CỦA NGƯỜI HƯỞNG LƯƠNG HƯU GIA TĂNG KHI CÓ LUẬT MỚI
Theo thống kê của Bảo hiểm xã hội Việt Nam, hiện cả nước có gần 3,4 triệu người hưởng lương hưu và trợ cấp bảo hiểm xã hội hằng tháng. Ngoài lương hưu hằng tháng, người đủ điều kiện hưởng lương hưu còn được cấp thẻ bảo hiểm y tế miễn phí.
![Người hưởng nhận lương hưu. Ảnh: Duy Nguyễn.](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w500_r1/2025_02_10_3_51440316/6e4a258611c8f896a1d9.jpg)
Người hưởng nhận lương hưu. Ảnh: Duy Nguyễn.
Từ năm 1995 đến nay, Quốc hội, Chính phủ đã tiến hành 24 lần điều chỉnh lương hưu. Sau nhiều lần điều chỉnh, mức lương của người nghỉ hưu hiện nay đã tăng từ 21 đến 26 lần so với mức lương hưu tại thời điểm năm 1995.
Lần gần nhất, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 75/2024/NĐ-CP ngày 30/6/2024 điều chỉnh lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội và trợ cấp hằng tháng. Theo đó, về điều chỉnh chung, thực hiện điều chỉnh tăng 15% trên mức lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội và trợ cấp hằng tháng của tháng 6/2024.
Đối với người hưởng lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội và trợ cấp hằng tháng trước ngày 1/1/1995, sau khi thực hiện điều chỉnh theo mức điều chỉnh chung nêu trên, nếu mức hưởng dưới 3,2 triệu đồng/tháng, thì được điều chỉnh tăng thêm 300.000 đồng/tháng. Nếu mức hưởng từ 3,2 triệu đồng/tháng đến dưới 3,5 triệu đồng/tháng thì được điều chỉnh lên bằng 3,5 triệu đồng/tháng.
Theo số liệu ước tính của Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội, đã có hơn 3,09 triệu người đang hưởng lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội và trợ cấp hằng tháng được điều chỉnh mức hưởng. Trong đó, số người hưởng từ nguồn ngân sách Nhà nước đảm bảo là hơn 833.000 người, số người hưởng từ nguồn Quỹ Bảo hiểm xã hội đảm bảo là hơn 2,26 triệu người.
Số người hưởng lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội và trợ cấp hằng tháng ở mức thấp dưới 3,5 triệu đồng được điều chỉnh là hơn 190.000 người.
Theo đại diện Vụ Bảo hiểm xã hội (Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội), Luật Bảo hiểm xã hội năm 2024, có hiệu lực từ ngày 1/7/2025 tới đã gia tăng cơ hội, quyền lợi hưởng lương hưu cho người lao động, thông qua việc giảm điều kiện về số năm đóng bảo hiểm xã hội tối thiểu để được hưởng lương hưu từ 20 năm xuống 15 năm.
Quy định này nhằm tạo cơ hội cho các đối tượng bắt đầu tham gia bảo hiểm xã hội muộn (những người 45-47 tuổi mới bắt đầu tham gia), hoặc tham gia không liên tục, hoặc làm công việc đặc thù có thời gian làm nghề ngắn, dẫn đến khi đến tuổi nghỉ hưu vẫn không tích lũy đủ 20 năm đóng bảo hiểm xã hội cũng có cơ hội được hưởng lương hưu hằng tháng và được bảo đảm bảo hiểm y tế.
Luật mới cũng khuyến khích người lao động bảo lưu thời gian đóng để hưởng lương hưu thay vì nhận bảo hiểm xã hội một lần thông qua các sửa đổi, bổ sung theo hướng gia tăng quyền lợi, tăng tính hấp dẫn.
Bên cạnh đó, Luật mới cũng bổ sung chương riêng về bảo hiểm hưu trí bổ sung, tạo điều kiện cho người sử dụng lao động và người lao động có thêm sự lựa chọn tham gia đóng góp để được hưởng mức lương hưu cao hơn.
Ngoài ra, Luật cũng quy định "mức tham chiếu" dùng để tính mức đóng, mức hưởng một số chế độ bảo hiểm xã hội và do Chính phủ quyết định. Khi chưa bãi bỏ mức lương cơ sở, thì mức tham chiếu quy định tại Luật Bảo hiểm xã hội năm 2024 bằng mức lương cơ sở.
Tại thời điểm mức lương cơ sở bị bãi bỏ, thì mức tham chiếu không thấp hơn mức lương cơ sở tại thời điểm đó. Mức tham chiếu được điều chỉnh trên cơ sở mức tăng của chỉ số giá tiêu dùng, tăng trưởng kinh tế, phù hợp với khả năng của ngân sách nhà nước và Quỹ Bảo hiểm xã hội.