Lười đẻ vì lợi ích sinh con ngày càng ít, nhiều gánh nặng
GS Nguyễn Đình Cử cho rằng, một trong những nguyên nhân khiến giới trẻ lười đẻ là vì lợi ích từ việc sinh con ngày càng ít nhưng gánh nặng lại quá nhiều.
Mức sinh của Việt Nam xuống thấp đến mức báo động, giới trẻ ngày càng lười đẻ. Theo Bộ Y tế, mức sinh của Việt Nam đang có xu hướng giảm nhanh, xuống dưới mức sinh thay thế. Nếu năm 2021 đạt mức sinh thay thế là 2,11 con/phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ thì năm 2022 giảm xuống còn 2,01 con và năm 2023 chỉ còn 1,96 con. Đặc biệt có nhiều vùng giảm xuống dưới 1,6 con/phụ nữ ở độ tuổi sinh đẻ.
Chia sẻ với phóng viên báo Dân Việt, GS Nguyễn Đình Cử, nguyên Viện trưởng Viện Dân số và các vấn đề xã hội (Đại học Kinh tế Quốc dân, Hà Nội) cho biết, cuộc sống nhiều áp lực, việc nuôi dạy một đứa trẻ ngày càng có nhiều gánh nặng khiến giới trẻ lập gia đình muộn và sinh 1 con, thậm chí không sinh con.
PV: Bộ Y tế đang có đề xuất bỏ quy định "mỗi cặp vợ chồng chỉ sinh 1-2 con" và trao quyền tự quyết định số con cho các cặp vợ chồng, GS nhận định thế nào về điều này?
GS Nguyễn Đình Cử: Trong xu thế giảm sinh như hiện nay thì đề xuất này là điều cần thiết. Chúng ta đã đạt được mức sinh thay thế trong gần 20 năm qua và hiện nay đang có xu hướng giảm sinh mà như hiện nay là chưa đạt 2 con/phụ nữ ở độ tuổi sinh đẻ.
Thế hệ bước vào độ tuổi sinh sản cao nhất hiện là những người dưới 35 tuổi. Đây là thế hệ sinh ra sau đổi mới (từ sau năm 1986), trong thời kỳ chính sách kế hoạch hóa gia đình ở Việt Nam rất mạnh. Nhưng họ cũng trưởng thành trong thời đại 4.0, Internet, hội nhập, nhiều thông tin, thế hệ đó không có nhu cầu sinh nhiều con.
Nếu chúng ta không có các giải pháp để ngăn chặn tình trạng này thì hậu quả là tốc độ già hóa tăng lên, thiếu hụt lao động, xã hội nhiều người già, ít người trẻ với nhiều gánh nặng về an sinh xã hội...
Đã có nhiều bài học của các nước có mức giảm sinh sâu như Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc...
Nếu không có các giải pháp để "kích sinh", Việt Nam sẽ giống như các nước này, đến lúc dân số chỉ giảm chứ không tăng...
Theo GS, trước đây có quy định "Đảng viên không được sinh con thứ 3", ai sinh con thứ 3, thứ 4 sẽ bị kỷ luật. Nếu thay đổi điều này có thể giúp mức sinh tăng lên?
- Cũng đã đến lúc thay đổi quy định này. Tuy nhiên, điều này cũng tác động không nhiều để nâng cao mức sinh. Vì vấn đề Đảng viên hay không Đảng viên thì các gánh nặng, lo lắng về việc sinh nhiều con là như nhau.
Thậm chí, theo các điều tra, người có học vấn cao, kinh tế dư dả lại càng sinh ít con. Đối với họ, việc sinh con nuôi dạy con không chỉ dừng lại ở "có cơm ăn, áo mặc, được đi học" mà phải ăn ngon, mặc đẹp, đi chơi có chất lượng, học trường quốc tế, đi du học...
Ngoài ra, một số nơi có các giải pháp khen thưởng 1-2 triệu đồng cho người sinh đủ 2 con ở tuổi 35 cũng chỉ mang tính chất "động viên" chứ không tác động mạnh đến nhu cầu sinh con của mọi người. Họ phải nuôi con tốn tiền tỷ, 1-2 triệu không thấm vào đâu.
Theo GS, yếu tố nào khiến giới trẻ ngày càng lười đẻ, vì "các cụ" ngày xưa khổ hơn chúng ta rất nhiều nhưng vẫn sinh nhiều con, còn ngày nay giới trẻ càng sướng càng không muốn đẻ?
- Tôi cho rằng hành vi sinh sản đang chuyển từ hành vi mang tính bản năng, tự nhiên sang hành vi có tính toán, đầu tư về chi phí, lợi ích. Khái niệm chi phí này bao gồm cả vật chất và tinh thần.
Ngày xưa, các cụ đẻ nhiều vì muốn có "của để dành", làm nơi nương tựa khi về già, còn nay an sinh xã hội tốt, mọi người có lương lưu, có tích lũy, không có con hay ít con thì tuổi già vẫn đầy đủ.
Còn ngày nay, cho dù kinh tế khá hơn nhưng chi phí nuôi dạy con so với thu nhập là quá lớn. Trong chi phí vật chất, theo cuộc điều tra tiến hành vào năm 2019 tại các tỉnh phía Nam mà chúng tôi tiến hành, 91% người được hỏi cho rằng chi phí vật chất để nuôi con là "cao và rất cao", gồm chi phí nhà ở, học hành, cuộc sống, y tế...
Ngoài ra, việc nuôi dạy con khiến mọi người quá hao phí tinh thần. Nhiều người chia sẻ với tôi là việc nuôi dạy con quá mệt mỏi, áp lực.
Mọi người lo lắng từ khi chuẩn bị sinh con, mang thai đến khi sinh con, nuôi con nhỏ, cho con ăn học... Lúc chưa sinh thì lo con dị tật, sinh con thì lo con ốm đau, con lớn thì lo chạy trường, chạy lớp cho con, lo cho con đi nước ngoài ăn học cho bằng bạn bằng bè.
Con lớn còn lo bị sa đà vào các thói hư tật xấu, nghiện ngập, đàn đúm. Con già hơn 1 chút lại sợ con không xin được việc làm, lo con thất nghiệp, thua lỗ...
Những nỗi lo về tinh thần này khiến nhiều người sợ hãi không dám đẻ. Những lợi ích từ việc sinh con ít hoặc "qua nhanh" còn gánh nặng kinh tế, tinh thần lại quá nhiều.
Vậy theo GS, cần phải làm gì để có thể "nhấc" mức sinh hiện nay lên cao, "chữa bệnh" lười đẻ của giới trẻ?
- Theo tôi cần đa dạng hóa các hình thức hỗ trợ của nhà nước, cộng đồng với các gia đình trẻ, ví dụ giảm thuế thu nhập cá nhân, hoặc miễn giảm các khoản đóng góp cho các quỹ cộng đồng cho các cặp vợ chồng đang nuôi con nhỏ.
Hiện nay, mỗi hộ gia đình hàng năm phải đóng góp nhiều khoản quỹ cộng động, tới 5-7 quỹ, đây cũng là khoản tiền không nhỏ.
Ngoài ra, cần chia sẻ với các cặp vợ chồng trẻ khi phải chăm sóc bố mẹ già. "Một nách" mà phải vừa chăm lo cho cha mẹ, vừa nuôi dạy 2 con thực sự là gánh nặng quá lớn...
Đồng thời, tập trung uyên truyền cho giới trẻ về giá trị của gia đình, về điều cần thiết khi có đứa con dựa vào lúc về già. Vì khi chúng ta 60-70, có những vấn đề chưa phải tiền đã giải quyết được.
An sinh xã hội của nước ta vẫn chưa tốt, việc chăm sóc người già vẫn phải dựa vào con cháu là chủ yếu. Vào nhà dưỡng lão cũng là lựa chọn nhưng tôi biết, chi phí cũng trên dưới 10 triệu đồng/người/tháng, không nhiều người già có được khoản tiền này.
Ngoài ra, những giá trị tinh thần, yêu thương, chia sẻ giữa bố mẹ, con cái, ông bà và các cháu... là điều mà "tiền cũng không mua được"...
Xin trân trọng cảm ơn GS!