LÙI THỜI ĐIỂM TẮT SÓNG 2G

Theo Thông tư 10/2024/TT-BTTTT, thời điểm tắt sóng 2G đã được lùi lại một tháng, đến ngày 15/10/2024.

Ngày 13/9/2024, Bộ Thông tin và Truyền thông đã ban hành Thông tư số 10/2024/TT-BTTTT ngưng hiệu lực thi hành một số nội dung của Thông tư số 03/2024/TT-BTTTT và Thông tư số 04/2024/TT-BTTTT liên quan đến quy hoạch băng tần cho hệ thống thông tin di động mặt đất công cộng IMT.

Với Thông tư này, thời điểm tắt sóng 2G đã được lùi lại một tháng, đến ngày 15/10/2024.

Trước đó, Thông tư số 03/2024/TT-BTTTT và 04/2024/TT-BTTTT đã quy định từ ngày 16/9/2024, các hệ thống thông tin di động theo tiêu chuẩn GSM trên băng tần 1710-1785 MHz, 1805-1880 MHz, 880-915 MHz và 925-960 MHz sẽ ngừng cung cấp dịch vụ cho các thiết bị đầu cuối chỉ hỗ trợ tiêu chuẩn 2G Only. Ngoại lệ được áp dụng cho các thiết bị sử dụng mạng 2G Only cho mục đích truyền nhận dữ liệu giữa các thiết bị (M2M) hoặc tại các khu vực đặc biệt như Trường Sa, Hoàng Sa, và nhà giàn DK.

Chiều cùng ngày, tại buổi họp báo thường kỳ tháng 9/2024, ông Nguyễn Phong Nhã, Phó Cục trưởng Cục Viễn thông, đã giải thích lý do tại sao phải lùi thời hạn tắt sóng 2G.

Theo đó, do ảnh hưởng của thiên tai và bão lũ, nhiều doanh nghiệp viễn thông kiến nghị với Bộ TT&TT lùi thời hạn tắt sóng 2G thêm một tháng để không làm gián đoạn liên lạc, đặc biệt trong bối cảnh vẫn còn khoảng 1,8 triệu thuê bao 2G Only chưa chuyển đổi tính đến ngày 15/9/2024.

Quyết định ngưng thời hạn tắt sóng 2G không làm thay đổi mục tiêu chiến lược của Bộ TT&TT về việc dừng cung cấp dịch vụ 2G, mà chỉ nhằm xử lý tình huống khẩn cấp trước mắt, đảm bảo thông tin liên lạc cho người dân giữa lúc thiên tai diễn biến phức tạp.

Ngoài ra, việc tạm hoãn này cũng sẽ giúp hỗ trợ quá trình chuyển đổi công nghệ, giúp giảm thiểu khó khăn trong việc tắt sóng 2G và đẩy nhanh tiến độ triển khai các công nghệ di động tiên tiến hơn tại Việt Nam.

Thông tư số 10/2024/TT-BTTTT sẽ có hiệu lực từ ngày 16/9/2024. Thời gian tạm ngưng hiệu lực kéo dài đến hết ngày 15/10/2024./.

Xem xét kéo dài thời hạn tắt sóng 2G

Toàn cảnh họp báo thường kỳ tháng 9/2024 của Bộ TT&TT

Toàn cảnh họp báo thường kỳ tháng 9/2024 của Bộ TT&TT

Tại buổi Họp báo thường kỳ tháng 9/2024 dưới sự chủ trì của Thứ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Thanh Lâm, ông Nguyễn Phong Nhã, Phó Cục trưởng Cục Viễn thông, Bộ TT&TT đã thông tin chi tiết về tiến độ tắt sóng 2G và công tác phòng, chống, khắc phục hậu quả sau bão lũ tại các tỉnh, thành phố bị ảnh hưởng bởi cơn bão số 3.

Các giải pháp hỗ trợ chuyển đổi thuê bao 2G Only

Trong giai đoạn chuẩn bị cho việc tắt sóng 2G, các nhà mạng viễn thông đã triển khai hàng loạt giải pháp để hỗ trợ các thuê bao 2G Only chuyển sang sử dụng thiết bị 4G. Cụ thể, các doanh nghiệp viễn thông hỗ trợ tới 100% chi phí mua điện thoại 4G cho các khách hàng đang sử dụng thuê bao 2G Only.

Đặc biệt, các loại điện thoại 4G với phím bấm đã được chuẩn bị để cung cấp miễn phí cho những khách hàng thuộc nhóm đối tượng yếu thế, như người dân tại các vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa.

Bên cạnh việc hỗ trợ thiết bị, các nhà mạng cũng đẩy mạnh truyền thông thông qua nhiều kênh khác nhau như gọi điện trực tiếp, nhắn tin SMS, sử dụng hệ thống thông báo cuộc gọi nhằm cung cấp thông tin về các chương trình hỗ trợ chuyển đổi.

Tại các địa phương, các nhà mạng cũng phối hợp với hệ thống truyền thông cơ sở, đặc biệt là loa phát thanh xã, phường, để tiếp cận trực tiếp đến từng khách hàng, đảm bảo người dân nắm rõ thông tin về việc tắt sóng 2G và lợi ích của việc chuyển đổi sang sử dụng thiết bị 4G.

Đối với các khu vực nông thôn, vùng sâu, vùng xa, các nhà mạng đã tổ chức các chiến dịch chuyển đổi thiết bị tại tất cả các xã, phường, huy động lực lượng nhân viên trực tiếp đến từng nhà của các khách hàng sử dụng thuê bao 2G để tư vấn và hỗ trợ.

Ông Nguyễn Phong Nhã, Phó Cục trưởng Cục Viễn thông trả lời tại họp báo

Ông Nguyễn Phong Nhã, Phó Cục trưởng Cục Viễn thông trả lời tại họp báo

Khó khăn trong quá trình chuyển đổi và tác động của bão số 3

Mặc dù các biện pháp hỗ trợ chuyển đổi được triển khai rộng rãi, nhưng theo phản ánh của các doanh nghiệp viễn thông, vẫn còn một số lượng lớn người dân chưa sẵn sàng thay đổi thiết bị đầu cuối.

Một phần do tâm lý chủ quan, chưa nhận thức được tầm quan trọng của việc chuyển đổi. Điều này đã gây ra nhiều khó khăn cho các nhà mạng trong việc hỗ trợ chuyển đổi, đặc biệt là trong thời gian ngắn trước thời điểm tắt sóng 2G.

Thêm vào đó, ảnh hưởng nặng nề của cơn bão số 3 (bão Yagi) tại các tỉnh phía Bắc cũng là một trở ngại lớn. Bão đã gây ra sạt lở, ngập lụt và làm hư hại nghiêm trọng nhiều công trình hạ tầng kỹ thuật, trong đó có hệ thống viễn thông.

Hậu quả thiên tai không chỉ làm gián đoạn thông tin liên lạc mà còn cản trở quá trình triển khai các chiến dịch hỗ trợ chuyển đổi thiết bị của các doanh nghiệp viễn thông. Nhiều khu vực bị ảnh hưởng nặng nề, như các tỉnh miền núi, vùng sâu, vùng xa, gây khó khăn cho việc tiếp cận khách hàng và cung cấp thiết bị 4G mới.

Ngoài ra, trong số các thuê bao 2G Only chưa kịp chuyển đổi, còn có những đối tượng yếu thế, thuộc các hộ gia đình khó khăn, hoặc sống tại những khu vực khó tiếp cận, khiến cho việc tiếp xúc trực tiếp và hỗ trợ chuyển đổi gặp nhiều thách thức hơn.

Xem xét kéo dài thời hạn tắt sóng 2G

Ngày 10/9/2024, Bộ TT&TT đã họp với các doanh nghiệp viễn thông để lắng nghe và nắm bắt các khó khăn mà doanh nghiệp gặp phải trong quá trình triển khai hỗ trợ chuyển đổi thuê bao 2G Only. Trên cơ sở đó, Bộ TT&TT đang tiến hành thẩm định và xem xét kéo dài thời hạn tắt sóng 2G, căn cứ vào các đề xuất của doanh nghiệp và tình hình thực tế tại các địa phương.

Việc kéo dài thời hạn này không chỉ giúp các nhà mạng có thêm thời gian tập trung nguồn lực khắc phục hậu quả thiên tai, mà còn tạo điều kiện để tiếp tục hỗ trợ chuyển đổi thuê bao 2G Only tại các khu vực khó khăn, đảm bảo mọi người dân đều được tiếp tục sử dụng dịch vụ viễn thông, đặc biệt trong bối cảnh các vùng miền bị ảnh hưởng bởi bão, lũ. Điều này nhằm đảm bảo thông tin liên lạc không bị gián đoạn và quyền lợi của người dân khi chuyển đổi sang thiết bị 4G được bảo vệ.

Triển khai khẩn cấp các biện pháp khắc phục hậu quả bão số 3, đảm bảo thông tin liên lạc tại các vùng bị ảnh hưởng

Ông Nguyễn Phong Nhã cho biết, trước bão, Bộ TT&TT đã nhanh chóng ban hành các văn bản chỉ đạo khẩn cấp, bao gồm Công điện số 05/CĐ-BTTTT và các văn bản 3986/CVT-PTHT, 3997/CVT-PTHT nhằm nhắn tin cảnh báo đến hơn 32 triệu thuê bao về bão số 3. Đồng thời, các công điện 3999/CĐ-CVT và công văn 4000/CVT-PTHT yêu cầu chia sẻ hạ tầng, triển khai roaming và ưu tiên khắc phục sự cố viễn thông, phối hợp khôi phục điện lưới tại các khu vực bị ảnh hưởng. Công điện 06/CĐ-BTTTT cũng đã điều động nguồn lực từ các tỉnh lân cận hỗ trợ cho những khu vực chịu thiệt hại nặng nề nhất.

Bão số 3 đã làm mất liên lạc tại 15 tỉnh, thành phố với 6.285 trạm BTS bị ảnh hưởng do mất điện. Tuy nhiên, để đảm bảo liên lạc được thông suốt, các doanh nghiệp đã khôi phục được 4.012 trạm, còn 2.273 trạm đang tiếp tục được xử lý.

Đồng thời, Bộ TT&TT cũng yêu cầu triển khai các giải pháp như: Roaming tại các khu vực mất liên lạc, cung cấp máy phát điện cho các trạm BTS bị mất điện lưới, điều động nhân lực và thiết bị từ các tỉnh khác để chi viện.

Ngoài ra, hệ thống thông tin chuyên dùng trong phòng chống thiên tai đã được kích hoạt, trang bị điện thoại vệ tinh cho các Ban Chỉ huy PCTT, điều động xe BTS lưu động đến các khu vực quan trọng, và hỗ trợ người dân sạc điện thoại tại các trụ sở, cửa hàng và trạm BTS kiên cố để đảm bảo duy trì liên lạc trong vùng bị ảnh hưởng…/.

Nguồn Chính Phủ: https://xaydungchinhsach.chinhphu.vn/xem-xet-keo-dai-thoi-han-tat-song-2g-119240913164130882.htm
Zalo