Lục Yên động lực thúc đẩy chăn nuôi phát triển

Huyện Lục Yên có phần lớn dân số là đồng bào dân tộc thiểu số và đời sống kinh tế chủ yếu dựa vào sản xuất nông nghiệp. Bởi vậy, thực hiện Nghị quyết số 69/2020/NQ-HĐND (NQ69) ngày 16/12/2020 của HĐND tỉnh về hỗ trợ phát triển sản xuất nông - lâm nghiệp và thủy sản tỉnh Yên Bái giai đoạn 2021 - 2025 đã tạo động lực mạnh mẽ cả về vật chất và tinh thần giúp những người dân còn khó khăn trên địa bàn huyện thêm tự tin, mạnh dạn đầu tư phát triển chăn nuôi tăng thu nhập, cải thiện đời sống.

Cán bộ huyện Lục Yên và xã Khánh Thiện kiểm tra mô hình chăn nuôi dê theo NQ69 của người dân thôn Nà Bó.

Cán bộ huyện Lục Yên và xã Khánh Thiện kiểm tra mô hình chăn nuôi dê theo NQ69 của người dân thôn Nà Bó.

Hộ ông Hoàng Văn Huệ, thôn Làng Thọc, xã Yên Thắng những năm trước đây chỉ chăn nuôi nhỏ lẻ, manh mún nên kinh tế còn gặp nhiều khó khăn. Để từng bước nâng cao thu nhập cho gia đình, cùng với tích cực chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, thâm canh tăng vụ thì năm 2024 với động lực từ chính sách hỗ trợ phát triển chăn nuôi theo NQ69 của HĐND tỉnh, gia đình ông Huệ đã mạnh dạn đầu tư mua thêm con giống và làm chuồng trại theo quy định để đăng ký tham gia mô hình phát triển chăn nuôi trâu, bò theo hướng sản xuất hàng hóa tập trung quy mô từ 10 con trở lên. Qua đó, đã góp phần quan trọng tạo thêm việc làm cho lao động trong gia đình, tăng thêm thu nhập.

Ông Hoàng Văn Huệ phấn khởi chia sẻ: "Cũng nhờ động lực tinh thần và vật chất từ các chính sách hỗ trợ của NQ69 đã tạo đà giúp tôi tự tin, mạnh dạn thực hiện mô hình chăn nuôi trâu, bò bán chăn thả quy mô từ 10 con trở lên. Hiện nay, mô hình chăn nuôi đại gia súc của gia đình tôi đã được nghiệm thu xong và đi vào hoạt động ổn định, không chỉ tạo việc làm liên tục cho lao động trong gia đình để có thêm thu nhập, mà còn là niềm tin, động lực để gia đình tôi vươn lên trong cuộc sống”.

Cũng như hộ ông Huệ, hộ ông Tăng Văn Lượng ở thôn Nà Luông, xã Khánh Thiện cũng nhờ động lực từ các chính sách hỗ trợ của NQ69, đã mạnh dạn vay mượn vốn rồi đầu tư nâng cấp chuồng trại, mua thêm con giống để đăng ký tham gia mô hình chăn nuôi lợn nái quy mô 15 con trở lên/mô hình. Nhờ chú trọng công tác phòng chống dịch bệnh, đói, rét cũng như chăm sóc nên đàn vật nuôi đang phát triển, sinh trưởng tốt, tạo động lực lớn về tinh thần để gia đình tôi yên tâm phát triển, sớm cải thiện thu nhập cho gia đình.

Ông Tăng Văn Lượng chia sẻ: "Trước đây, gia đình tôi có chăn nuôi lợn nhưng chỉ nuôi nhỏ lẻ, tự cung, tự cấp nên hiệu quả kinh tế thấp. Để tăng thêm thu nhập cho gia đình, từ những kiến thức học hỏi được và nhất là những định hướng, động viên của cán bộ ở thôn, xã với lợi thế đất đai, nhân lực lao động của gia đình phù hợp cho phát triển chăn nuôi lợn, tôi đã mạnh dạn đầu tư phát triển mô hình chăn nuôi lợn nái sinh sản với quy mô 15 lợn nái trở lên. Với sự tư vấn, giúp đỡ tích cực về kỹ thuật xây dựng chuồng trại, chọn con giống và phòng dịch bệnh của cán bộ mà mô hình của gia đình tôi đã hoàn thành sớm, được nghiệm thu và đi vào hoạt động ổn định. Hiện, đàn vật nuôi sinh trưởng, phát triển rất tốt”.

Sau gần 4 năm triển khai thực hiện NQ69 đã tạo động lực mạnh mẽ giúp đồng bào các dân tộc trên địa bàn huyện Lục Yên thúc đẩy chăn nuôi phát triển mang lại hiệu quả thiết thực. Đặc biệt, nhiều hộ gia đình, cá nhân, nhất là các hộ còn khó khăn cũng đã mạnh dạn đầu tư phát triển các mô hình chăn nuôi theo hướng sản xuất hàng hóa tập trung; liên kết phát triển sản xuất hàng hóa hoặc đặc sản, hữu cơ, mở rộng quy mô chuồng trại, đàn vật nuôi, chuyển từ chăn nuôi nhỏ lẻ sang chăn nuôi hàng hóa, từng bước vươn lên trong cuộc sống.

Nhờ thực hiện NQ69 đã góp phần thúc đẩy chăn nuôi của huyện phát triển mạnh mẽ, nâng tổng đàn gia súc chính của huyện tính đến hết tháng 10 năm 2024 đạt trên 125.500 con, với đàn trâu hơn 17.600 con, bò trên 1.900 con, lợn trên 106.000 con cùng nhiều gia cầm và vật nuôi khác; sản lượng thịt hơi xuất chuồng đạt trên 8.000 tấn, mang lại nguồn thu không nhỏ cải thiện đời sống nhân dân.

Riêng năm 2024, huyện Lục Yên đã đăng ký thực hiện 107 mô hình theo Nghị quyết 69 và tính đến hết tháng 10 đã hoàn thành 80 mô hình với tổng kinh phí đã giải ngân 2.269 triệu đồng. Số mô hình còn lại, nhân dân đang tiếp tục đẩy nhanh tiến độ thực hiện để ngành chăn nuôi của huyện phát huy tối đa hiệu quả vào thực hiện mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội chung của huyện.

Châu Á

Nguồn Yên Bái: https://baoyenbai.com.vn/12/342122/luc-yen-dong-luc-thuc-day-chan-nuoi-phat-trien.aspx
Zalo