Lục Nam: Năng động chuyển đổi nghề

Đi đôi với phát triển công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp, những năm gần đây, người dân huyện Lục Nam đã năng động chuyển dịch cơ cấu nghề phù hợp. Qua đó góp phần tạo thêm việc làm và thu nhập.

Tạo việc làm ngay tại địa phương

Vừa đến đầu thôn Đồng Chè, xã Trường Giang, chúng tôi đã nghe thấy tiếng máy, tiếng người trò chuyện từ các xưởng chế biến gỗ vang lên. Tại xưởng chế biến gỗ của gia đình anh Vương Đình Phong, hơn chục công nhân đang hăng say lao động. Người tất bật vận chuyển gỗ thô đưa vào máy bóc, người lại đón từng phên gỗ mới bóc trắng tinh để đưa đi phơi.

 Người lao động làm việc tại một xưởng bóc gỗ ở thôn Đồng Chè, xã Trường Giang.

Người lao động làm việc tại một xưởng bóc gỗ ở thôn Đồng Chè, xã Trường Giang.

Anh Phong chia sẻ: “Cách đây 4 năm, tuyến đường qua thôn được đầu tư nâng cấp, tôi mạnh dạn vay mượn bạn bè, người thân mua dây chuyền chế biến gỗ bóc hơn 200 triệu đồng. Từ chế biến gỗ, không chỉ phát triển kinh tế cho gia đình, tôi còn tạo việc làm cho 16 lao động địa phương với thu nhập bình quân hơn 10 triệu đồng/người/tháng”. Nghề trồng rừng, mở xưởng bóc gỗ ở xã Trường Giang đã giúp nhiều hộ gia đình có cuộc sống ngày càng khấm khá. Trên địa bàn xã hiện có 10 cơ sở chế biến, tiêu thụ gỗ keo, tạo việc làm thường xuyên cho hơn 150 lao động.

Còn ở xã Yên Sơn, mấy năm gần đây nhiều hộ có của ăn, của để từ nghề mộc. Toàn xã có 5 xưởng đồ mộc, nhờ sự liên kết, hợp tác trong sản xuất, giúp nhau về vốn nên các xưởng đều có thị trường tiêu thụ thuận lợi. Qua đó, giải quyết việc làm cho hàng chục lao động địa phương với mức thu nhập từ 8 - 10 triệu đồng/người/tháng. Đơn cử như xưởng mộc của gia đình anh Nguyễn Văn Long, thôn Chản Làng thường xuyên có 5 lao động làm việc. Gắn bó với xưởng mộc nhiều năm nay, anh Nguyễn Văn Lâm chia sẻ: “Sau khi học xong phổ thông, tôi chọn học nghề mộc. Hiện tôi có việc làm với mức thu nhập gần 10 triệu đồng/tháng. Làm ngay gần nhà nên rất thuận tiện, tiết kiệm chi phí sinh hoạt”.

Tận dụng lợi thế về đường giao thông thuận lợi cho giao thương hàng hóa, vài năm gần đây, nhiều hộ dân sinh sống trên các trục đường, tuyến phố ở trung tâm các xã, thị trấn trên địa bàn huyện Lục Nam cũng mạnh dạn chuyển đổi từ làm nông nghiệp sang các loại hình dịch vụ. Nổi bật là: Ăn uống, kinh doanh điện tử, cơ khí, buôn bán vật liệu xây dựng, tạp hóa... đáp ứng nhu cầu mua sắm phục vụ sản xuất, tiêu dùng của người dân. Số lượng cơ sở kinh doanh dịch vụ, thương mại trên địa bàn huyện ngày càng tăng, tạo nguồn thu cho ngân sách và giải quyết việc làm.

Quan tâm đào tạo nghề

Đồng chí Đặng Văn Nhàn, Chủ tịch UBND huyện cho biết: Cụ thể hóa Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ XXII, nhiệm kỳ 2020-2025, huyện Lục Nam đã chú trọng và ưu tiên đầu tư cho công tác quy hoạch, nhất là các cụm công nghiệp; khuyến khích doanh nghiệp mở rộng sản xuất, tạo thêm việc làm cho người dân địa phương. Trên địa bàn huyện hiện có hai cụm công nghiệp là Đồi Ngô và Già Khê đã đi vào hoạt động, giải quyết việc làm cho hơn 5 nghìn lao động; 4 cụm công nghiệp đang được giải phóng mặt bằng và đầu tư xây dựng hạ tầng. Toàn huyện có tổng số hơn 600 doanh nghiệp, 135 hợp tác xã và gần 1,7 nghìn hộ kinh doanh cá thể, chủ yếu sản xuất tiểu thủ công nghiệp với các ngành, nghề: Mộc công nghiệp, bóc ván gỗ, cơ khí, gia công hàng may mặc...

Năm 2024, giá trị sản xuất công nghiệp- tiểu thủ công nghiệp của huyện Lục Nam ước đạt hơn 11.200 tỷ đồng; cơ cấu kinh tế chuyển dịch hợp lý, ngành công nghiệp, xây dựng chiếm tỷ trọng hơn 50%; thương mại, dịch vụ hơn 24%.

Cùng với quá trình công nghiệp hóa, UBND huyện tích cực chỉ đạo ngành chức năng xây dựng và triển khai kế hoạch đào tạo, dạy nghề; điều tra rà soát tình hình lao động việc làm. Từ kết quả điều tra, khảo sát nhu cầu việc làm của lao động nông thôn, UBND huyện yêu cầu các xã, thị trấn và các hội đoàn thể ở cơ sở nắm bắt số lượng lao động chưa có việc làm để tổ chức học nghề. Riêng năm 2024, trong số hơn 4 nghìn lao động có việc làm mới đã có gần 3,2 nghìn người làm việc trong nước, còn lại đi xuất khẩu lao động.

Người có việc làm chủ yếu ở các nghề: May mặc, điện tử, xây dựng, cơ khí. Điều này có được là nhờ công tác đào tạo, dạy nghề được các cơ quan chuyên môn của huyện phối hợp tổ chức theo hướng lựa chọn nghề sát với nhu cầu thực tế và đòi hỏi của thị trường, tăng cơ hội việc làm cho người học. Đơn cử như nghề may mặc, hầu hết người học nghề may có việc làm sau khóa học tại các doanh nghiệp thuộc khu, cụm công nghiệp trên địa bàn tỉnh, huyện.

Tìm hiểu tại xã Trường Sơn, từ năm 2023 đến nay, UBND xã đều phối hợp với phòng chức năng của huyện mỗi năm mở từ 2-3 lớp dạy các nghề ngắn hạn cho người lao động. Đồng chí Đồng Thị Bích, Chủ tịch UBND xã chia sẻ: “Sau khi người dân được đào tạo và có chứng chỉ sơ cấp nghề, nhiều hộ mạnh dạn vay vốn mở xưởng cơ khí nhỏ. Hiện trên địa bàn xã có 2 công ty chế biến xuất khẩu lâm sản và may mặc, 7 xưởng cơ khí gia công, tạo việc làm ổn định cho gần 500 lao động địa phương với mức thu nhập bình quân 5,5 triệu đồng/người/tháng”.

Nhờ làm tốt công tác thu hút đầu tư, phát triển công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, nhiều người dân trong huyện có cơ hội chuyển đổi nghề, có việc làm ổn định, tăng thêm thu nhập. Năm 2024, giá trị sản xuất công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp của huyện Lục Nam ước đạt hơn 11.200 tỷ đồng; cơ cấu kinh tế chuyển dịch hợp lý, ngành công nghiệp, xây dựng chiếm tỷ trọng hơn 50%; thương mại, dịch vụ hơn 24%.

Bài, ảnh: Tuệ An

Nguồn Bắc Giang: http://baobacgiang.vn/luc-nam-nang-dong-chuyen-doi-nghe-postid418174.bbg
Zalo