Lục Nam: Nâng chất lượng các tiêu chí huyện nông thôn mới
Xác định xây dựng nông thôn mới (NTM) chỉ có điểm khởi đầu, không có điểm kết thúc, năm 2024, huyện Lục Nam tiếp tục nâng cao chất lượng các tiêu chí với mục tiêu không ngừng cải thiện đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân.
Quyết tâm từ cơ sở
Sau một năm tăng tốc để về đích NTM nâng cao, xã Yên Sơn (Lục Nam) đã hoàn thành 19/19 tiêu chí; hạ tầng KT-XH có những đổi thay đáng kể với 100% đường trục xã, hầu hết đường trục thôn, xóm được bê tông hóa... Ông Nguyễn Văn Truyền, Chủ tịch UBND xã nói: “Từ khi phát động phong trào xây dựng NTM nâng cao, Đảng bộ và nhân dân trong xã chung sức, đồng lòng tham gia. Điển hình như tiêu chí cơ sở vật chất văn hóa, 13/13 thôn có nhà văn hóa bảo đảm theo tiêu chí; các thôn có điểm vui chơi, thể dục thể thao ngoài trời rộng rãi, thoáng mát”.
Được biết, tổng vốn đầu tư từ khi xã Yên Sơn thực hiện xây dựng NTM nâng cao là gần 16 tỷ đồng để xây dựng các công trình. Nhiều công trình, cơ sở hạ tầng được đầu tư nâng cấp, cải tạo, sửa chữa và xây mới như: Trường học, khu thể thao, nhà văn hóa, di tích lịch sử, đường bê tông, kênh mương...
Còn ở thôn Phú Yên 3, xã Tam Dị, để hoàn thiện các tiêu chí thôn NTM kiểu mẫu, Đảng ủy xã Tam Dị đã ban hành nghị quyết chuyên đề, trong đó xác định tạo diện mạo mới theo hướng xanh, sạch, đẹp là nhiệm vụ trọng tâm. Quá trình triển khai phát huy tốt quy chế dân chủ nhằm khơi dậy sức dân. Chủ trương này đã được các hộ đồng tình. Bà Nguyễn Thị Thủy, người dân trong thôn chia sẻ: “Khi thực hiện các công trình, dự án, tôi và bà con trong thôn đều được chính quyền địa phương thông tin, lấy ý kiến. Thông qua các cuộc họp thôn chúng tôi hiểu được ý nghĩa của việc xây dựng thôn NTM kiểu mẫu, từ đó tích cực hưởng ứng. Gia đình tôi đã tự nguyện hiến hơn 50 m2 đất thổ cư để mở rộng đường làng".
Năm 2024, huyện Lục Nam được phân bổ hơn 46,8 tỷ đồng triển khai thực hiện Chương trình MTQG xây dựng NTM. Trong đó, huyện tập trung vào các nhiệm vụ như: Cải tạo, nâng cấp nhà văn hóa, trường học; cải tạo, cứng hoa kênh mương nội đồng; kiên cố hóa đường giao thông kết nối với vùng sản xuất nông nghiệp tập trung; cơ cấu lại ngành nông nghiệp, phát triển kinh tế nông thôn; phát triển hạ tầng giao thông, bảo đảm kết nối nông thôn - đô thị và kết nối các vùng miền; xây dựng xã Yên Sơn đạt chuẩn NTM nâng cao, chỉ đạo xây dựng thôn Vườn (xã Đan Hội) và thôn Phú Yên 3 (xã Tam Dị) đạt thôn NTM kiểu mẫu. Đến nay, xã Yên Sơn và 2 thôn Vườn, Phú Yên 3 đã hoàn thành các tiêu chí xã NTM nâng cao, thôn NTM kiểu mẫu.
Đặt mục tiêu thêm nhiều xã NTM nâng cao, thôn NTM kiểu mẫu
Lũy kế đến hết năm 2024, toàn huyện có 23/23 xã đạt chuẩn xã NTM, 4 xã đạt chuẩn NTM nâng cao, 2 thị trấn đạt chuẩn đô thị văn minh và 19 thôn đạt chuẩn thôn NTM kiểu mẫu. Qua đó góp phần tạo diện mạo nông thôn trên địa bàn huyện ngày càng khang trang; kết cấu hạ tầng được đầu tư đồng bộ, đời sống vật chất và tinh thần của người dân được nâng lên rõ rệt.
Đồng chí Đặng Văn Nhàn, Chủ tịch UBND huyện cho biết: “Để xây dựng NTM đạt kết quả cao hơn nữa, thời gian tới, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân huyện Lục Nam tiếp tục huy động nguồn lực xây dựng NTM nâng cao giai đoạn tiếp theo. Mục tiêu phấn đấu đến hết năm 2025, toàn huyện có 5 xã đạt chuẩn NTM nâng cao; có thêm từ 7-10 thôn đạt chuẩn NTM kiểu mẫu; các xã đã đạt chuẩn tiếp tục nâng cao chất lượng tiêu chí môi trường, tổ chức sản xuất, an ninh trật tự...”.
Đến hết năm 2024, toàn huyện có 23/23 xã đạt chuẩn xã NTM, 4 xã đạt chuẩn NTM nâng cao, 2 thị trấn đạt chuẩn đô thị văn minh và 19 thôn đạt chuẩn thôn NTM kiểu mẫu.
Theo đó, cùng với việc hoàn thiện hệ thống kết cấu hạ tầng, phát triển KT-XH, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của người dân, huyện tiếp tục tập trung nâng cao các tiêu chí liên quan trực tiếp đến chất lượng cuộc sống của người dân như: Chuyển đổi mạnh cơ cấu sản xuất, tăng thu nhập; xây dựng đời sống văn hóa, bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa, di tích, danh lam thắng cảnh hiện hữu; chuyển đổi số… Đặc biệt là thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng phát triển sản xuất quy mô lớn, tập trung gắn với bảo quản, chế biến và tiêu thụ theo chuỗi giá trị.
Qua thực tiễn triển khai xây dựng NTM, kinh nghiệm của địa phương là đề cao vai trò lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền trong việc tổ chức thực hiện các mục tiêu của Chương trình xây dựng NTM; huy động, tiếp nhận và sử dụng hợp lý, có hiệu quả, công khai, minh bạch các nguồn vốn hỗ trợ, đóng góp để đầu tư xây dựng các công trình... Mặt khác, phát huy vai trò của các tổ chức đoàn thể chính trị của huyện trong tuyên truyền, vận động đoàn viên, hội viên tích cực hưởng ứng tham gia thực hiện các tiêu chí về xã NTM nâng cao, thôn NTM kiểu mẫu thông qua các phong trào như: “Nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi, phát triển kinh tế hộ gia đình”; “Năm không, ba sạch”, “Thanh niên chung tay xây dựng NTM”...