Lục Nam: Khai thác tiềm năng, tăng giá trị kinh tế rừng
Khai thác lợi thế, huyện Lục Nam (Bắc Giang) quan tâm đưa giống mới vào trồng, phát triển kinh tế rừng gắn với chế biến gỗ, từ đó tạo việc làm, tăng thu nhập cho người dân.
Giảm nghèo từ trồng rừng
Cùng cán bộ Hạt Kiểm lâm huyện Lục Nam về xã Đông Hưng, chúng tôi không khỏi ngỡ ngàng bởi sự thay đổi ở nơi này. Dọc tuyến đường vào thôn Cai Vàng - thôn khó khăn nhất của xã không còn những ngôi nhà tường đất lụp xụp, thay vào đó là công trình mới, kiên cố.
Theo bà Nguyễn Thị Ngân, Trưởng thôn Cai Vàng, dù có lợi thế phát triển kinh tế rừng với khoảng 2,3 nghìn ha đất lâm nghiệp song do trước đây người dân lựa chọn giống kém, thiếu kinh nghiệm chăm sóc nên giá trị thấp, đạt khoảng 80-100 triệu đồng/ha/chu kỳ 5 năm.
Năm 2017, được Hạt Kiểm lâm huyện hướng dẫn kỹ thuật trồng, chăm sóc và định hướng chuyển sang trồng giống nuôi cấy mô, nhiều người mạnh dạn chuyển đổi sang trồng giống mới và đầu tư kinh phí chăm sóc. Nhờ đó, năng suất gỗ rừng trồng không ngừng tăng lên, hiện đạt 180 m3/ha/chu kỳ 5 năm, tăng 30 m3/ha so với năm 2017. Với giá bán hơn 1 triệu đồng/m3, sau 5 năm người dân trong thôn thu về gần 200 triệu đồng/ha.
“Gần 10 năm trước, đến Cai Vàng mọi người dễ dàng bắt gặp hình ảnh những khu rừng bạch đàn, keo vàng úa, còi cọc, nhiều diện tích vẫn là nương rẫy. Vậy mà giờ đây, các khu rừng đều xanh mướt, không ai nghĩ đến việc bán đất rừng nữa. Cũng nhờ rừng, cả thôn hiện chỉ còn 2 hộ nghèo, trong thôn xuất hiện ngày càng nhiều hộ thu nhập hơn 1 tỷ đồng/năm từ trồng rừng”, bà Ngân phấn khởi.
Với hơn 24,5 nghìn ha rừng và đất lâm nghiệp, trong đó có gần 14,4 nghìn ha rừng trồng, mỗi năm huyện Lục Nam có kế hoạch trồng mới khoảng 1,5 nghìn ha rừng và thường xuyên vượt kế hoạch. Chỉ tính riêng 9 tháng năm 2024, toàn huyện trồng được hơn 1,6 nghìn ha, tăng 11,4% so với cùng kỳ năm 2023 và đạt 107% kế hoạch năm. Cùng với tăng về diện tích, chất lượng rừng trồng cũng được các địa phương, chủ rừng quan tâm.
Tại xã Vô Tranh, nhờ chuyển đổi sang trồng những giống mới được sản xuất bằng hình thức cấy mô như: Keo BV10, AH1; bạch đàn Cự vĩ DH3229… nên giá trị kinh tế rừng không ngừng tăng lên, đạt 35 tỷ đồng/năm (năm 2023). Còn tại xã Lục Sơn, phát triển kinh tế rừng trở thành phong trào tại địa phương, mang lại nguồn thu lớn. Qua thống kê, từ đầu nhiệm kỳ 2020-2025 đến nay, người dân trong xã đã khai thác hơn 700 ha rừng, giá trị ước đạt hơn 50 tỷ đồng. Từ trồng rừng, nhiều hộ có điều kiện cải tạo nhà ở, vươn lên thoát nghèo.
Ông Nguyễn Văn Thể, Chủ tịch UBND xã Lục Sơn nói: “Từ năm 2021 đến nay, tỷ lệ hộ nghèo của xã đều giảm khoảng 4%/năm, hiện còn 7,48%; thu nhập bình quân đầu người đạt hơn 46 triệu đồng/người/năm, vượt mục tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ xã đề ra đến năm 2025. Có được kết quả này, cùng với nguồn lực hỗ trợ của T.Ư, tỉnh và huyện có đóng góp không nhỏ từ trồng rừng kinh tế”.
Quan tâm phát triển công nghiệp chế biến
Cùng với trồng rừng, mỗi năm, các tổ chức, cá nhân trên địa bàn huyện khai thác gần 1,7 nghìn ha với tổng sản lượng gần 250 nghìn m3 gỗ các loại. Để nâng cao hiệu quả kinh tế, tăng giá trị, toàn huyện có 126 cơ sở kinh doanh chế biến lâm sản, trong đó có 16 doanh nghiệp (DN), còn lại là hộ gia đình. Các cơ sở hình thành vừa góp phần tiêu thụ sản phẩm, vừa tạo việc làm, thu nhập ổn định cho gần 2 nghìn lao động địa phương.
Sau nhiều năm chỉ sản xuất than hoa, năm 2020, Công ty TNHH Sản xuất và Thương mại Văn An, thôn Bãi Cả, xã Bình Sơn đầu tư 2,5 tỷ đồng lắp đặt dây chuyền chế biến gỗ và xử lý rác thải từ hoạt động chế biến. Với công nghệ hiện đại, mỗi tháng DN tiêu thụ khoảng 1 nghìn m3 gỗ tròn, doanh thu khoảng 1,5 tỷ đồng/tháng. Hiện DN đang tạo việc làm cho 45 lao động địa phương với mức thu nhập bình quân 8-10 triệu/người/tháng.
Tương tự, sau 4 năm thành lập, hiện xưởng gỗ bóc của Công ty TNHH Bảo An, thôn Trại Ổi, xã Trường Sơn sản xuất 20 m3 ván bóc/ngày, tạo việc làm thường xuyên cho 15 lao động. Chị Ngô Thị Thu (SN 1977), thôn Đồng Quần, xã Vô Tranh - công nhân đang làm việc tại Công ty TNHH Bảo An cho biết: “Cả hai vợ chồng tôi đều làm công nhân tại các xưởng chế biến gỗ, tổng thu nhập khoảng 16-18 triệu đồng/tháng. Từ nguồn thu nhập này, chúng tôi có điều kiện để nuôi dạy các con và cải tạo nhà ở”.
Mặc dù vậy, qua đánh giá, kinh tế rừng của huyện phát triển chưa tương xứng với tiềm năng, việc ứng dụng công nghệ vào các khâu trong quy trình sản xuất chưa được quan tâm; sản xuất và tiêu thụ vẫn mang tính tự phát, thiếu quy hoạch, định hướng phát triển đồng bộ.
Xác định trồng rừng kinh tế là hướng đi tạo bước đột phá, góp phần nâng cao thu nhập, đời sống nhân dân trên địa bàn, cùng với thực hiện hiệu quả Nghị quyết số 26/2023/NQ-HĐND ngày 14/7/2023 của HĐND tỉnh ban hành quy định chính sách hỗ trợ phát triển nông, lâm nghiệp và thủy sản trên địa bàn tỉnh Bắc Giang giai đoạn 2023-2030, huyện Lục Nam ban hành cơ chế hỗ trợ phát triển kinh tế rừng. Cụ thể, ngày 26/8/2021, Ban Thường vụ Huyện ủy ban hành Nghị quyết số 94-NQ/HU về tăng cường công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng giai đoạn 2021-2025. Sau 3 năm thực hiện, đến nay, UBND huyện bố trí gần 1 tỷ đồng thực hiện mô hình trồng rừng thâm canh bằng giống mới được sản xuất theo phương pháp cấy mô như: Bạch đàn mô DH3229, U6…; keo lai mô BV10, BV32, AH1...
Với trách nhiệm của mình, Hạt Kiểm lâm huyện chủ động phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan thực hiện hiệu quả các chính sách khuyến công, khuyến lâm, ưu tiên hỗ trợ DN đầu tư công nghệ hiện đại, tiết kiệm năng lượng, nâng cao chất lượng chế biến lâm sản. Cùng đó, tăng cường hỗ trợ thực hiện các thủ tục đối với DN đến địa bàn đầu tư dây chuyền chế biến gỗ hiện đại, công suất lớn.
Ông Nguyễn Minh Hiền, Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm huyện cho biết: “Để tiếp tục nâng cao giá trị kinh tế rừng, chúng tôi quan tâm quản lý chất lượng cây giống, định hướng cho người trồng rừng những giống cây mới, năng suất, chất lượng cao hơn. Cùng đó, phối hợp với các cơ quan chức năng tăng cường kiểm tra, hướng dẫn các cơ sở chế biến hoạt động đúng quy định, giữ vệ sinh môi trường trong quá trình sản xuất”.
Bài, ảnh: Sỹ Quyết