Lục Nam: Đồng hành với thanh niên lập nghiệp

Đồng hành cùng thanh niên trên con đường khởi nghiệp, lập nghiệp là một trong những nhiệm vụ trọng tâm trong công tác đoàn và phong trào thanh niên. Thời gian qua, Huyện đoàn Lục Nam đã tích cực triển khai hỗ trợ đoàn viên thanh niên (ĐVTN) với nhiều hình thức thiết thực, góp phần phát triển KT-XH địa phương.

Tạo điều kiện vay vốn sản xuất

Xác định thế mạnh từng khu vực để lựa chọn mô hình hỗ trợ phù hợp, có trọng tâm, trọng điểm, thời gian qua, Huyện đoàn Lục Nam đã chỉ đạo các cơ sở đoàn rà soát, lập danh sách thanh niên có nhu cầu khởi nghiệp. Là những người tiên phong trong phong trào phát triển kinh tế ở địa phương, hai anh Nguyễn Văn Thức và Nguyễn Văn Huy cùng ở thôn Chấu (Bảo Đài) hiện đang là chủ trang trại nông sản sạch. Năm 2015, anh Thức và anh Huy thuê hơn 3 nghìn m2 đất làm nhà lưới, nhà màng để trồng dưa chuột và rau xanh.

 Anh Nguyễn Văn Thành, thôn Nghĩa An (xã Nghĩa Phương) chăm sóc đàn dê tại trang trại.

Anh Nguyễn Văn Thành, thôn Nghĩa An (xã Nghĩa Phương) chăm sóc đàn dê tại trang trại.

Tại đây, rau quả được trồng theo tiêu chuẩn VietGAP, ưu tiên an toàn sức khỏe của người tiêu dùng lên hàng đầu. Vì vậy, các sản phẩm luôn được khách hàng tin tưởng, lựa chọn. Nhằm đáp ứng nhu cầu tiêu dùng nông sản sạch ngày càng lớn, hai anh quyết định mở rộng quy mô sản xuất. Nhờ có chương trình ưu đãi hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp, từ năm 2019 đến năm 2021, anh Huy vay tổng số tiền 600 triệu đồng với lãi suất 0,66%/tháng. Có vốn, hai anh mở rộng diện tích sản xuất, đầu tư thêm các thiết bị hiện đại trong nhà lưới như: Giàn tưới tự động, quạt thông gió, cáp treo... Hiện trang trại có khoảng 1 ha trồng dưa lưới cho thu hoạch hơn 20 tấn/vụ.

Trước đây, anh Nguyễn Văn Hiểu ở thôn Phú Yên 2 (Tam Dị) làm nghề cơ khí. Được một người bạn giới thiệu về mô hình nuôi chim cu gáy, năm 2020, anh bắt đầu tìm hiểu và làm chuồng nuôi 300 đôi chim bố mẹ. Để mở rộng mô hình chăn nuôi, đầu năm nay, anh Hiểu được Huyện đoàn hướng dẫn vay 200 triệu đồng từ chương trình tín dụng ưu đãi hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp của Tỉnh đoàn.

Với số tiền này, anh nâng tổng diện tích chuồng từ 150 m2 lên 300 m2, từ đó nuôi hơn 1.300 đôi chim cu gáy bố mẹ và đầu tư hệ thống nước uống tự động. Từ 35-45 ngày, mô hình của anh Hiểu lại cho xuất bán 600 đôi chim thương phẩm; giá bán từ 60-100 nghìn đồng/đôi. Sau khi trừ chi phí, anh lãi khoảng 250 triệu đồng/năm. Nhiều người dân trong vùng, ngoại tỉnh tới thăm mô hình, anh Hiểu đều sẵn lòng chia sẻ kinh nghiệm nuôi chim cu gáy.

Được biết, ngoài 2 trường hợp trên, trên địa bàn huyện còn có hàng chục trường hợp ĐVTN khác được các cấp bộ đoàn quan tâm, hỗ trợ trong chương trình đồng hành với thanh niên khởi nghiệp, lập nghiệp. Các mô hình được hỗ trợ vốn chủ yếu về sản xuất nông nghiệp, chăn nuôi gia súc, gia cầm, làm cơ khí, dịch vụ... Trong đó có những mô hình kinh tế do thanh niên làm chủ đạt hiệu quả cao như: Chăn nuôi lợn nái siêu nạc của anh Nguyễn Đăng Tuyên, thôn Hà Mỹ (Đông Hưng); chăn nuôi dê của anh Nguyễn Văn Thành, thôn Nghĩa An (Nghĩa Phương); sản xuất gỗ bóc của anh Dương Văn Toàn, thôn Lan Hoa (Lan Mẫu)...

Phát huy tiềm năng, lợi thế địa phương

Tạo đà cho ĐVTN địa phương thi đua lập nghiệp, khởi nghiệp, cùng với các hoạt động tuyên truyền, hỗ trợ khoa học kỹ thuật, kiến thức sản xuất, Huyện đoàn Lục Nam đã thực hiện tốt việc phối hợp với Ngân hàng Chính sách xã hội huyện triển khai các chương trình vay vốn tới ĐVTN có nhu cầu để phát triển kinh tế.

Huyện đoàn Lục Nam đã thực hiện tốt việc phối hợp với Ngân hàng Chính sách xã hội huyện triển khai các chương trình vay vốn tới ĐVTN có nhu cầu để phát triển kinh tế. Trung bình mỗi năm, huyện có từ 2-3 mô hình sản xuất của thanh niên được hỗ trợ vay vốn khởi nghiệp. Mức vay vốn cho mỗi mô hình từ 100 - 300 triệu đồng, trong thời gian từ 24 - 60 tháng, lãi suất từ 0,55 - 0,66%/tháng. Toàn huyện đã thành lập và duy trì hoạt động của 25 câu lạc bộ thanh niên nông thôn làm kinh tế giỏi; 65 mô hình kinh tế do ĐVTN làm chủ có thu nhập bình quân đạt trên 200 triệu đồng/năm.

Trung bình mỗi năm, trên địa bàn huyện có từ 2-3 mô hình sản xuất của thanh niên được hỗ trợ vay vốn khởi nghiệp. Mức vay vốn cho mỗi mô hình từ 100 - 300 triệu đồng, trong thời gian từ 24 - 60 tháng, lãi suất từ 0,55 - 0,66%/tháng.

Để nguồn vốn vay phát huy hiệu quả, trước khi giải ngân, đoàn thanh niên các xã, thị trấn đều tổ chức rà soát, thẩm định, bình chọn đúng đối tượng. Các trường hợp được vay vốn trong độ tuổi từ 18-35, có nhu cầu vay vốn để tạo việc làm hoặc thu hút thêm lao động. Bên cạnh đó, Huyện đoàn còn duy trì hiệu quả 29 tổ tiết kiệm vay vốn tại 12 xã với tổng dư nợ ủy thác đạt hơn 63 tỷ đồng.

Thiết thực hỗ trợ thanh niên phát triển kinh tế vườn, đồi, lâm nghiệp trên địa bàn, ngoài hỗ trợ vốn, các cơ sở đoàn còn phối hợp với các đơn vị tổ chức nhiều chương trình học tập, chia sẻ kinh nghiệm trong sản xuất, kinh doanh. Qua đó giúp thanh niên có thêm kiến thức khai thác, phát huy những điều kiện thuận lợi, tiềm năng sẵn có của địa phương để phát triển kinh tế gia đình. Toàn huyện đã thành lập và duy trì hoạt động của 25 câu lạc bộ thanh niên nông thôn làm kinh tế giỏi; 65 mô hình kinh tế do ĐVTN làm chủ có thu nhập bình quân đạt trên 200 triệu đồng/năm.

Đồng chí Nguyễn Trọng Tân, Bí thư Huyện đoàn Lục Nam cho biết: Song song với các biện pháp hỗ trợ về vốn vay, chuyển giao khoa học kỹ thuật, các hoạt động hướng nghiệp cho ĐVTN thời gian qua cũng được đẩy mạnh như: Tham mưu, phối hợp tổ chức hội nghị đối thoại giữa cấp ủy, chính quyền địa phương với ĐVTN về chủ đề lập nghiệp, khởi nghiệp; tổ chức các phiên giao dịch việc làm thu hút hàng trăm ĐVTN tham gia. Thời gian tới, Huyện đoàn tiếp tục tuyên truyền, tổ chức các buổi tập huấn khởi sự doanh nghiệp, tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật. Từ đó, giúp thanh niên yên tâm phát triển kinh tế ngay tại địa phương.

Bài, ảnh: Vân Anh

Nguồn Bắc Giang: http://baobacgiang.vn/luc-nam-dong-hanh-cung-thanh-nien-lap-nghiep-081509.bbg
Zalo