Lực lượng hậu cần lo lễ tang Tổng Bí thư: Làm tốt nhiệm vụ của mình cũng là cách để tưởng nhớ
Với họ, làm tốt nhiệm vụ của mình, sắp xếp, đảm bảo sự thuận tiện cho từng người dân có cơ hội được vào viếng Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cũng là một cách để bày tỏ sự kính trọng của mình với vị lãnh đạo được Nhân dân kính mến.
Trong hai ngày 25 và 26-7, tại Hội trường Thống Nhất (quận 1, TP.HCM), lễ tang Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng diễn ra trọng thể và đã đón hàng chục ngàn người dân TP và các tỉnh, thành đến viếng, tiễn đưa người lãnh đạo được Nhân dân kính yêu.
Đoạn đường đi qua Hội trường Thống Nhất (đường Nam Kỳ Khởi Nghĩa đến đường Lê Duẩn) dòng xe lưu thông qua lại với mật độ cao, nay lại đón thêm hàng người xếp hàng chờ đến tiễn đưa bác Trọng, dù vậy cũng không hề diễn ra tình trạng ùn tắc hay hỗn loạn.
Suốt hai ngày nay, ai đến viếng Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đều được hướng dẫn nơi gửi xe, xếp hàng qua đường để vào cổng. Phía trong Hội trường Thống Nhất, công tác an ninh được đảm bảo, mọi người được hướng dẫn đi theo làn đường để vào viếng bác Trọng.
Mọi thứ diễn ra vô cùng trật tự. Đó chính là nhờ sự giúp sức, cần mẫn làm việc của lực lượng hậu cần.
Với họ, làm tốt nhiệm vụ của mình, sắp xếp, đảm bảo sự thuận tiện cho từng người dân có cơ hội được vào viếng, tiễn đưa người lãnh đạo cao nhất của đất nước trong những giây phút cuối, cũng là một cách để bày tỏ sự kính trọng của mình với Tổng Bí thư.
“Đội của tôi đã trải qua nhiều sự kiện và nhiều lần hỗ trợ cho TP nên đã quen với công việc này. Nhưng đây là một lần rất khác so với mọi lần, mỗi thành viên đội tôi khi đến đây đều làm với tâm thế muốn góp một phần sức nhỏ trên đoạn đường cuối cùng đưa bác Trọng về nơi an nghỉ” - anh Nguyễn Hoàng Anh, Đội trưởng đội SOS Hướng Nam, mở lời.
Tham gia hỗ trợ công tác hậu cần của lễ tang có 17 thành viên của đội SOS Hướng Nam và hơn 60 tình nguyện viên được giao nhiệm vụ hỗ trợ, đảm bảo an toàn giao thông để người dân vào viếng bác Trọng.
Anh Hoàng Anh cho biết các thành viên của đội đã làm công việc này suốt hơn sáu năm qua nhưng đây là sự kiện đặc biệt nhất.
“Dù người dân đến rất đông nhưng chúng tôi cũng không thấy quá nhiều áp lực, mọi người đến viếng đều nghe hướng dẫn và di chuyển trật tự. Dù bản thân rất buồn và xúc động nhưng với nhiệm vụ trực chiến, hỗ trợ người dân vào viếng thì cũng như đã được vào với bác Trọng” - anh Hoàng Anh xúc động.
Cùng cảm xúc ấy, anh Nguyễn Nhật Bảo (Phó Bí thư Đoàn phường 12, quận 3) cho biết ngay khi nghe tin ban tổ chức cần tuyển tình nguyện viên cho lễ tang, anh đã xung phong đi đầu.
“Theo dõi chặng đường Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã đi qua, tôi càng ngưỡng mộ con người bác Trọng, một người lãnh đạo dám nghĩ dám làm, giản dị và khiêm nhường.
Tôi cảm thấy vô cùng vinh hạnh khi được hỗ trợ tại sự kiện đặc biệt này, giúp người dân được vào viếng bác Trọng thì cũng giống như bản thân tôi đã được vào, tôi cũng hạnh phúc khi nhìn thấy nhiều người dân khác cũng yêu quý bác Trọng” - anh Bảo xúc động.
Những ngày qua, bà Trịnh Thị Lan, nhân viên chăm sóc cây xanh tại Hội trường Thống Nhất, không khỏi đau buồn mỗi khi nhìn lên di ảnh của Tổng Bí Thư Nguyễn Phú Trọng.
Mỗi ngày nếu tầm 6 giờ vào làm việc, nhưng hai ngày nay mới 4 giờ bà Lan đã cùng đồng nghiệp dọn dẹp mảng xanh trong Dinh Thống Nhất để đón người dân đến viếng tang. Từ lúc nghe tin vị Tổng Bí thư mất, bà Lan cùng các đồng nghiệp rất xót xa.
“Mọi người không ai bảo ai, chủ động quét dọn sạch sẽ khu vực tổ chức tang lễ để người dân đến viếng Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng. Chúng tôi phải nỗ lực hết sức không ngại khó khăn” - bà Lan nói.
Mỗi lần dọn dẹp xong, ngước lên nhìn thấy di ảnh của Tổng Bí thư bà Lan lại cay khóe mắt. Bà Lan tự hứa với lòng sẽ nuôi dạy các con học tập theo gương Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng.
“Bác Trọng là một tấm gương sáng để người dân noi theo. Tôi cũng tranh thủ hoàn thành xong công việc để vào viếng bác Trọng, mong cho bác được an nghỉ” - bà Lan bày tỏ.