Lực lượng đặc biệt tinh nhuệ của Quân chủng Hải quân Việt Nam

Lữ đoàn Đặc công Hải quân 126 với ba lần được Chủ tịch nước tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân, là một lực lượng chiến đấu đặc biệt tinh nhuệ của Quân chủng Hải quân Việt Nam.

Huấn luyện võ chiến đấu đặc công của lực lượng Lữ đoàn đặc công 126 Hải quân. (Ảnh: Trọng Đức/TTXVN)

Huấn luyện võ chiến đấu đặc công của lực lượng Lữ đoàn đặc công 126 Hải quân. (Ảnh: Trọng Đức/TTXVN)

Nói đến đặc công nước là nhắc đến một lực lượng chiến đấu đặc biệt tinh nhuệ, thiện chiến và chuyên thực hiện các nhiệm vụ vô cùng nguy hiểm, khó khăn trên sông biển của Hải quân nhân dân Việt Nam.

Minh chứng tiêu biểu có thể kể tới là Lữ đoàn Đặc công Hải quân 126, đơn vị ba lần được Chủ tịch nước tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân.

Chiến trường là thao trường huấn luyện

Lữ đoàn Đặc công Hải quân 126, tiền thân là Đoàn huấn luyện trinh sát Đặc công Hải quân 126 được thành lập ngày 13/4/1966. Ra đời trong thời điểm cuộc kháng chiến chống đế quốc Mỹ, cứu nước của dân tộc diễn ra ác liệt, Lữ đoàn 126 vừa tổ chức huấn luyện lực lượng chi viện cho chiến trường, vừa thực hiện nhiệm vụ chiến đấu ở chiến trường Bắc Quảng Trị.

Liên tục từ năm 1966-1973, Lữ đoàn chiến đấu trên chiến trường Cửa Việt - Đông Hà (Quảng Trị) với trên 300 trận chiến đấu; đã đánh hỏng, đánh chìm 372 tàu các loại, phá hủy hàng vạn tấn hàng hóa, phương tiện chiến tranh, diệt hàng ngàn sinh lực địch, khiến kẻ thù khiếp sợ.

Lữ đoàn đã huấn luyện hàng ngàn cán bộ, chiến sỹ đặc công nước chi viện cho các chiến trường sông, biển miền Nam; tham gia hầu hết các chiến dịch lớn, trong đó có Chiến dịch giải phóng Quảng Trị, Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, trực tiếp tiến công giải phóng các đảo thuộc quần đảo Trường Sa, góp chiến công vào chiến thắng chung của toàn dân tộc; tham gia đấu tranh bảo vệ vững chắc chủ quyền quần đảo Trường Sa của Tổ quốc.

Theo Thượng tá Mai Xuân Hưởng, Chính ủy Lữ đoàn 126, ra đời và chiến đấu, chiến thắng và trưởng thành - Lữ đoàn 126 đã dựng xây và tô thắm truyền thống vẻ vang "Anh dũng, mưu trí - Khắc phục khó khăn - Đoàn kết lập công - Chiến thắng liên tục."

Lữ đoàn được Đảng, Nhà nước ba lần tuyên dương danh hiệu Đơn vị Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân, 4 tập thể và 13 cá nhân được tuyên dương danh hiệu Anh hùng, cùng hàng ngàn phần thưởng cao quý.

Bước vào thời kỳ mới, phát huy những chiến công hào hùng trong chiến đấu, Lữ đoàn được xây dựng, phát triển theo hướng cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, hiện đại, không ngừng trưởng thành và lớn mạnh, trở thành một trong những lực lượng nòng cốt cùng với các đơn vị trong Quân chủng xây dựng nền quốc phòng toàn dân, thế trận chiến tranh nhân dân trên biển, sẵn sàng thực hiện nhiệm vụ chiến đấu bảo vệ vững chắc chủ quyền biển, đảo thiêng liêng của Tổ quốc.

 Huấn luyện võ chiến đấu đặc công của lực lượng Lữ đoàn đặc công 126 Hải quân. (Ảnh: Trọng Đức/TTXVN)

Huấn luyện võ chiến đấu đặc công của lực lượng Lữ đoàn đặc công 126 Hải quân. (Ảnh: Trọng Đức/TTXVN)

Những "Yết Kiêu thời hiện đại"

Những ngày hè năm 2025, tại thao trường của Lữ đoàn 126 ở Thủy Nguyên, Hải Phòng, không khí huấn luyện sẵn sàng chiến đấu của các cán bộ, chiến sỹ Đặc công Hải quân đều ở tinh thần quyết tâm cao nhất. Ai cũng hiểu để vinh dự đứng trong hàng ngũ đặc công của Lữ đoàn 126 thì thường xuyên rèn luyện nâng cao thể lực, hoàn thành những khoa mục khắt khe nhất để đủ sức chiến đấu trong những môi trường đặc biệt là một trong các yêu cầu, điều kiện bắt buộc.

Phút giải lao sau giờ huấn luyện, Trung úy Bùi Văn Sang (Trung đội trưởng, Đại đội 12, Lữ đoàn 126) chia sẻ về thời điểm nhập ngũ năm 2017 rồi quá trình huấn luyện và trưởng thành.

Từ nhỏ khi xem những bài báo, bộ phim tư liệu về những trận đánh hào hùng của các chiến sỹ đặc công như giải phóng đảo Song Tử Tây năm 1975 hay giúp đỡ nhân dân Campuchia xóa bỏ chế độ diệt chủng do Pol Pot gây ra thì hình ảnh và những chiến công của bộ đội đặc công in sâu vào tâm trí Sang. "Sau nhiều năm rèn luyện, huấn luyện với nhiều nội dung khó, tôi đã trở thành một chiến sỹ đặc công của Lữ đoàn 126 như mong ước," Trung úy Bùi Văn Sang kể.

Để trở thành "Yết Kiêu thời hiện đại," Bùi Văn Sang cùng các đồng đội phải "võ thì rất nhanh, bắn súng phải thật chính xác, phản xạ phải thật tốt để xử trí các tình huống linh hoạt."

Bơi là quan trọng nhất và bắt buộc những chiến sỹ đặc công phải có thể lực thật tốt mới có thể vượt qua cự ly đường dài hàng chục km.Chia sẻ về những kỹ năng của Bộ đội Đặc công Hải quân, Đại úy Lê Văn Đức (Chính trị viên phó, Tiểu đoàn 2, Lữ đoàn 126) cho hay, tiêu chí của đặc công Hải quân là "5 giỏi, 2 keo sơn."

Nghĩa là bơi, lặn giỏi; võ giỏi; bắn giỏi; tác chiến giỏi; giỏi chịu đựng khó khăn gian khổ và nghĩa tình đồng đội, quân dân keo sơn. Bất kỳ chiến sỹ nào đứng vào hàng ngũ của đặc công Hải quân đều quyết tâm thực hiện tốt các tiêu chí này.

Theo Đại úy Lê Văn Đức, trong các bài huấn luyện của đặc công Hải quân thì thả trôi sinh tồn trên biển là một bài huấn luyện rất khắc nghiệt về thể chất lẫn tinh thần. Đặc công nước khi thả trôi sinh tồn lênh đênh hàng chục giờ trên biển không được ngủ, phải luôn giữ trạng thái cảnh giác cao độ. Mà trên biển luôn tiềm ẩn nguy cơ như sứa lửa, san hô, thủy triều, sóng gió, dòng chảy lẫn lộn, tầm nhìn thấp. Trong đó, sứa lửa luôn khiến chiến sỹ phải dè chừng bởi chúng tiết ra dung dịch như axit "sượt qua thì bỏng rát, nặng phải sơ cứu ngay."

"Quá trình huấn luyện, cán bộ chiến sỹ luôn đối mặt với các khó khăn, nguy hiểm nhưng anh em đều xác định rõ, trong điều kiện hiện nay, khi có tình huống xảy ra phải tác chiến ở vùng biển xa sẽ khó khăn, phức tạp hơn. Vì vậy, ngay từ đơn vị phải huấn luyện tốt và hoàn thành tốt các nội dung mới có thể lực tốt nhất để hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao"- Đại úy Lê Văn Đức cho hay.

Phát huy truyền thống vẻ vang

Hiện nay, phát huy truyền thống vẻ vang, Lữ đoàn đặc công Hải quân 126 đang không ngừng xây dựng ý chí quyết tâm trong huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu cho cán bộ, chiến sỹ, sẵn sàng nhận và hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao. Cấp ủy các cấp trong Đảng bộ Lữ đoàn thường xuyên quan tâm, chăm lo xây dựng và rèn luyện đội ngũ cán bộ, đảng viên.

Thượng tá Mai Xuân Hưởng, Bí thư Đảng ủy, Chính ủy Lữ đoàn 126 cho biết, cùng với việc nâng cao chất lượng huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu, Lữ đoàn luôn đặc biệt coi trọng công tác giáo dục chính trị tư tưởng cho cán bộ, chiến sỹ. Đây được xem là một trong những nhiệm vụ quan trọng, nội dung cốt lõi để xây dựng Lữ đoàn vững mạnh về chính trị.

 Huấn luyện võ chiến đấu đặc công của lực lượng Lữ đoàn đặc công 126 Hải quân. (Ảnh: Trọng Đức/TTXVN)

Huấn luyện võ chiến đấu đặc công của lực lượng Lữ đoàn đặc công 126 Hải quân. (Ảnh: Trọng Đức/TTXVN)

Để thực hiện tốt mặt công tác này, những năm qua Lữ đoàn luôn coi trọng việc đánh giá đúng tình hình đơn vị từ đó có chủ trương lãnh đạo, chỉ huy, quản lý đơn vị.

Trước hết là nắm chắc tư tưởng, tình cảm, nguyện vọng, những vướng mắc của bộ đội, sau đó là kịp thời phát hiện những nhân tố tích cực để tạo động lực phát huy, nhân rộng. Đồng thời, giải quyết tốt những biểu hiện tâm lý, tư tưởng tiêu cực nảy sinh; tạo bầu không khí dân chủ, phấn khởi, động viên cán bộ, chiến sỹ vươn lên thực hiện tốt chức trách nhiệm vụ được giao.

Chúng tôi xây dựng cho cán bộ, chiến sỹ có bản lĩnh chính trị kiên định, vững vàng, phẩm chất đạo đức trong sáng, nhận thức rõ vinh dự, trách nhiệm của người quân nhân cách mạng, có ý chí quyết tâm cao, có sức bền về tâm lý, đề kháng với mọi cám dỗ, âm mưu, thủ đoạn tuyên truyền, móc nối của các thế lực thù địch; có niềm tin vững chắc vào nghệ thuật tác chiến, cách đánh Đặc công; tin vào vũ khí thiết bị hiện có trong biên chế và vũ khí thiết bị mới; tin vào khả năng chiến thắng, dám đánh, biết đánh và quyết đánh thắng kẻ thù xâm lược, cán bộ, chiến sỹ luôn sẵn sàng nhận và hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được giao./.

(TTXVN/Vietnam+)

Nguồn VietnamPlus: https://www.vietnamplus.vn/luc-luong-dac-biet-tinh-nhue-cua-quan-chung-hai-quan-viet-nam-post1036668.vnp
Zalo