Lục địa già tỉnh mộng

Hội nghị An ninh Munich lần thứ 61 tổ chức tại Đức vừa kết thúc bị chi phối hoàn toàn bởi cuộc chiến sắp bước sang năm thứ tư ở Ukraine giữa Nga và Ukraine.

Cụ thể và chính xác hơn là bởi hệ lụy từ những động thái đối ngoại của chính quyền mới ở Mỹ liên quan đến cuộc chiến tranh này và tới mối quan hệ của Mỹ với Nga.

Ngay trước hội nghị, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã khiến Liên minh châu Âu (EU), Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) và Ukraine ngỡ ngàng, hoang mang với tuyên cáo đã điện đàm với Tổng thống Nga Vladimir Putin. Ông Trump cũng thông báo đã thỏa thuận với ông Putin về khả năng đàm phán ngay giữa Mỹ và Nga nhằm chấm dứt cuộc chiến tranh ở Ukraine. Ông Trump cho biết sẽ sớm gặp ông Putin và hai bên có thể tiến hành những chuyến thăm cấp cao chính thức lẫn nhau. Ông Trump không tham vấn gì các đồng minh ở châu Âu và chỉ sau khi đã điện đàm với ông Putin thì mới điện đàm với Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky.

Cho nên, thực chất chủ đề nội dung cuộc chiến ở Ukraine trên chương trình nghị sự của Hội nghị An ninh Munich năm nay không phải là chiến sự sẽ tiếp tục diễn biến như thế nào mà sẽ được Mỹ và Nga thỏa hiệp chấm dứt như thế nào. Những phát ngôn của ông Trump và cộng sự tạo luồng nhận thức chủ đạo ở Hội nghị An ninh Munich năm nay rằng, ông Trump sẽ tìm kiếm bằng mọi giá thỏa thuận với ông Putin về giải pháp chấm dứt cuộc chiến tranh ở Ukraine, còn đáp ứng gần như hoàn toàn mọi đề nghị tiên quyết của phía Nga. Mỹ viện trợ nhiều nhất cho Ukraine và là trụ cột của NATO nên Mỹ có thể áp đặt giải pháp đã thỏa hiệp được với Nga đối với Ukraine, EU và NATO.

Theo Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Pete Hegseth, Lục địa già phải tự lo liệu việc bảo đảm an ninh cho mình và cho Ukraine, phải tự xử lý quan hệ với Nga thời hậu chiến Nga - Ukraine. Ông Hegseth không chỉ khẳng định Mỹ sẽ không đưa quân đội đến Ukraine mà còn đề cập đến khả năng Mỹ sẽ rút bớt quân đội đang đồn trú ở châu Âu.

Tại Hội nghị An ninh Munich năm nay, Phó Tổng thống Mỹ JD Vance có bài phát biểu không khác gì một cuộc tấn công trực diện bằng ngôn từ và quan điểm vào thể diện và uy danh của châu Âu, thậm chí còn bị coi là can thiệp trực tiếp vào công chuyện nội bộ của châu Âu.

Thế mới nói, Hội nghị An ninh Munich năm nay là giọt nước làm tràn ly khiến Lục địa già phải tỉnh mộng và không còn ảo tưởng về Mỹ. Châu Âu phải nhận ra rằng, trong 4 năm ông Trump cầm quyền ở nhiệm kỳ Tổng thống kỳ này, Mỹ và các đồng minh ở châu Âu không còn cùng hệ giá trị, không còn cùng cộng đồng giá trị. Châu Âu không còn có thể tin cậy vào những cam kết của Mỹ nữa. Từ đó có thể thấy được ba điều có ý nghĩa to lớn đối với chính trị thế giới trong thời gian tới.

Thứ nhất, ông Trump và ông Putin tới đây sẽ thỏa hiệp riêng với nhau về giải pháp chấm dứt cuộc chiến tranh ở Ukraine và rồi áp đặt nó đối với EU, NATO và Ukraine. Ông Trump sẽ gia tăng áp lực để buộc EU, NATO và Ukraine chấp nhận và thực thi nó, còn nếu không sẽ phó mặc ba đối tác này tự xử lý cuộc chiến với Nga.

Thứ hai, EU và NATO rời Hội nghị An ninh Munich năm nay trong tâm trạng thất vọng và cay đắng nhưng cũng với ý thức là phải tự chủ nhiều hơn và tự chủ bằng mọi giá về an ninh. Chỉ như thế, các nước châu Âu mới lấp đầy được khoảng trống về bảo đảm an ninh cho châu Âu và cho Ukraine mà Mỹ có thể để lại. Châu Âu phải làm sao để bớt lệ thuộc vào Mỹ về an ninh, để có thể tự giải quyết được mọi vấn đề với Nga mà không cần phải dựa vào Mỹ. Châu Âu phải tăng ngân sách quốc phòng, phải hợp tác với nhau chặt chẽ và hiệu quả hơn. Thậm chí, Lục địa già còn phải tính đến thành lập quân đội chung cho châu Âu để bảo đảm an ninh chung.

Thứ ba, chính quyền của ông Trump đã phát đi tín hiệu rõ ràng vào dịp Hội nghị An ninh Munich năm nay là Mỹ không coi châu Âu là khu vực được dành ưu tiên chính sách hàng đầu và cuộc chiến ở Ukraine chỉ là chuyện phụ. Chính quyền của ông Trump sẽ không đồng hành với châu Âu mà còn không cần sự hợp tác của châu Âu trong việc theo đuổi những mục tiêu chiến lược chủ chốt, kể cả trong việc định hình lại quan hệ của Mỹ với Nga và Trung Quốc.

Vì thế, Hội nghị An ninh Munich năm nay có ý nghĩa đặc biệt. Đối với châu Âu, nó là "cơn ác mộng" nhưng cũng giúp châu Âu thức tỉnh, như chính Chủ tịch Hội nghị, ông Christoph Heusgen (người Đức) đã khái quát.

Đại sứ Trần Đức Mậu

Nguồn Hà Nội Mới: https://hanoimoi.vn/luc-dia-gia-tinh-mong-693446.html
Zalo