Luật Tư pháp người chưa thành niên thể hiện tính nhân văn, nhân đạo của nền Tư pháp Việt Nam

Tiến sĩ Luật học Lê Xuân Thân - Chủ tịch Hội Luật gia tỉnh Khánh Hòa, Đại biểu Quốc hội (ĐBQH) tỉnh trả lời phỏng vấn Báo Khánh Hòa về một số nội dung của dự thảo Luật Tư pháp người chưa thành niên.

Ông Lê Xuân Thân - Chủ tịch Hội Luật gia tỉnh Khánh Hòa, Đại biểu Quốc hội tỉnh Khánh Hòa

Ông Lê Xuân Thân - Chủ tịch Hội Luật gia tỉnh Khánh Hòa, Đại biểu Quốc hội tỉnh Khánh Hòa

- Thưa ông, tại Kỳ họp thứ 8, Quốc hội sẽ thảo luận và thông qua dự thảo Luật Tư pháp người chưa thành niên, xin ông cho biết mục đích của dự thảo Luật này?

Dự thảo Luật Tư pháp người chưa thành niên (NCTN) trình cho Quốc hội thảo luận, cho ý kiến tại kỳ họp này có 11 chương và 176 điều.

Mục đích của dự thảo Luật Tư pháp người chưa thành niên nhằm: (1) Hoàn thiện pháp luật tư pháp đủ nghiêm khắc nhưng cũng bảo đảm nhân văn đối với người chưa thành niên phạm tội; (2) Tăng cường giáo dục, hỗ trợ, giúp đỡ người chưa thành niên phạm tội tự sửa chữa lỗi lầm, cải thiện hành vi thông qua xử lý chuyển hướng, hạn chế tối đa việc áp dụng biện pháp mang tính chất trừng phạt, giam giữ nhưng vẫn bảo đảm sự an toàn của cộng đồng và trật tự xã hội; (3) Xây dựng quy trình thủ tục tố tụng thân thiện, phù hợp với độ tuổi, tâm lý, mức độ trưởng thành, khả năng nhận thức và vì lợi ích tốt nhất cho người chưa thành niên; (4) Bảo đảm các quyền cơ bản của người chưa thành niên trong xử lý chuyển hướng, điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án và tái hòa nhập cộng đồng; (5) Thu hút, huy động nguồn nhân lực có chuyên môn về công tác xã hội; tăng cường trách nhiệm của gia đình, cơ quan, tổ chức hữu quan hỗ trợ, giám sát, giáo dục người chưa thành niên; (6) Thiết lập cơ sở giam giữ phù hợp với mục đích phục hồi, giáo dục và sự phát triển của người chưa thành niên; (7) Tăng cường cơ hội tái hòa nhập công đồng; xây dựng cơ chế giám sát, giáo dục, phục hồi hiệu quả, chuyên nghiệp, phù hợp với người chưa thành niên.

- Có nhiều ý kiến khác nhau về việc quy định tách vụ án hình sự có người chưa thành niên (NCTN) phạm tội (Điều 140 dự thảo Luật), xin ông cho ý kiến thêm về vấn đề này?

Nhằm thể chế hóa các yêu cầu của Đảng về “phát triển hệ thống tư pháp thân thiện và bảo vệ trẻ em”, thực thi đầy đủ các điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên, dự thảo Luật đã bổ sung nhiều chính sách và quy định chuyên biệt, thân thiện và nhân văn hơn dành cho NCTN phạm tội. Cụ thể là:

+ Thời hạn điều tra, truy tố, xét xử đối với NCTN không quá ½ thời hạn đối với người đã thành niên, trừ trường hợp vụ án có tính chất đặc biệt phức tạp. (Theo quy định này, nếu gộp chung vụ án có đồng phạm là NCTN và người trưởng thành để giải quyết sẽ dẫn đến thời hạn tiến hành tố tụng đối với NCTN đã hết nhưng thời hạn tiến hành tố tụng đối với người trưởng thành vẫn còn nhưng chưa hoàn thành việc giải quyết vụ án. Trong trường hợp này cũng không thể kết luận điều tra và đề nghị truy tố, ra cáo trạng hoặc ra quyết định đưa vụ án ra xét xử vì chưa hoàn thành việc giải quyết vụ án).

+ Người tiến hành tố tụng phải đáp ứng điều kiện đã được đào tạo hoặc có kinh nghiệm điều tra, truy tố, xét xử vụ án liên quan đến NCTN.

+ Quy định cụ thể về việc giữ bí mật thông tin cá nhân của NCTN trong giai đoạn điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án và tái hòa nhập cộng đồng nhằm nội luật hóa Điều 40 Công ước quốc tế về quyền trẻ em “Mọi điều riêng tư của trẻ em phải được hoàn toàn tôn trọng trong mọi giai đoạn tố tụng”. (Quy định này liên quan trực tiếp đến các quy định của BLTTHS về nội dung của Kết luận điều tra, nội dung Cáo trạng, nội dung Bản án và việc gửi, công khai các văn bản tố tụng này tới các chủ thể liên quan).

+ Quy định trong giai đoạn điều tra, truy tố, nếu xét thấy NCTN bị buộc tội có đủ điều kiện được áp dụng biện pháp xử lý chuyển hướng giáo dục tại Trường giáo dưỡng thì Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát có văn bản gửi kèm theo hồ sơ vụ án đề nghị Tòa án xem xét, quyết định. (Theo quy định của BLTTHS, cơ quan nào quyết định cuối cùng về vụ án thì hồ sơ vụ án lưu tại cơ quan đó. Nếu vụ án có đồng phạm là NCTN và người đã thành niên thì không thể gửi hồ sơ của vụ án này sang Tòa án để đề nghị xem xét áp dụng biện pháp xử lý chuyển hướng giáo dục tại Trường giáo dưỡng vì việc tiến hành tố tụng đối với người trưởng thành vẫn đang được thực hiện).

+ Quy định trình tự, thủ tục, thời hạn chuyên biệt và cụ thể để xem xét, quyết định áp dụng biện pháp xử lý chuyển hướng tại cộng đồng và biện pháp xử lý chuyển hướng giáo dục tại Trường giáo dưỡng đối với NCTN.

+ Ngoài ra, dự thảo Luật còn nhiều chính sách chuyên biệt khác chỉ áp dụng với NCTN trong quá trình giải quyết vụ án hình sự.

Vì vậy, tôi cơ bản đồng tình với việc tách vụ án hình sự có NCTN phạm tội để giải quyết; nếu không tách riêng vụ án đối với NCTN để giải quyết mà vẫn giải quyết chung trong cùng vụ án với người đã thành niên phạm tội thì sẽ không thể thực hiện được những chính sách mới của dự thảo Luật, thậm chí tạo ra mâu thuẫn giữa các quy định của dự thảo Luật, mâu thuẫn với Bộ Luật tố tụng hình sự hiện hành và sẽ gây khó khăn rất lớn trong thực tiễn.

Tuy nhiên, theo tôi không nên quy định cụ thể trong Luật và nên giao cho các cơ quan liên ngành tư pháp Trung ương quy định chi tiết với hướng linh hoạt, tùy từng trường hợp, không nhất thiết vụ án nào cũng phải tách và tách vụ án ở giai đoạn nào…. Chỉ khi xét thấy đã làm rõ hành vi có dấu hiệu phạm tội của NCTN và các tình tiết có liên quan thì mới tách vụ án hình sự để giải quyết.

- Xin cảm ơn ông!

TRÍ NGHĨA (Thực hiện)

Nguồn Khánh Hòa: http://www.baokhanhhoa.vn/chinh-tri/202410/luat-tu-phap-nguoi-chua-thanh-nien-the-hien-tinh-nhan-van-nhan-dao-cua-nen-tu-phap-viet-nam-0c1583e/
Zalo