Luật Tổ chức chính quyền địa phương (sửa đổi) vẫn giữ nguyên mô hình tổ chức chính quyền địa phương như Luật hiện hành
Chuẩn bị nội dung cho kỳ họp bất thường lần thứ 9, Quốc hội khóa XV, chiều 10-2, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh đã tổ chức hội nghị lấy ý kiến đóng góp về 2 dự thảo Luật Tổ chức chính quyền địa phương (sửa đổi) và Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật (sửa đổi). Bà Nguyễn Thị Ngọc Xuân, Phó trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh chủ trì hội nghị.
![](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w500_r1/2025_02_10_413_51440524/5485f857cc1925477c08.jpg)
Bà Nguyễn Thị Ngọc Xuân, Phó trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh phát biểu tại hội nghị
Theo đó, Luật Tổ chức chính quyền địa phương (sửa đổi) gồm có 7 chương, 50 điều (giảm 93 điều so với Luật hiện hành). Ngoài những nội dung mới phân định thẩm quyền, phân quyền, phân cấp, ủy quyền giữa chính quyền địa phương các cấp, điểm mới đáng chú ý của dự thảo luật lần này liên quan đến quy định về mô hình tổ chức chính quyền địa phương, trong đó thực hiện ý kiến chỉ đạo của Bộ Chính trị tại cuộc họp ngày 7-2-2025 và Thông báo kết luận của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, dự thảo Luật chỉnh lý theo hướng giữ nguyên mô hình tổ chức chính quyền địa phương như Luật hiện hành.
Theo đó, tại tất cả các đơn vị hành chính các cấp tổ chức cấp chính quyền địa phương gồm có HĐND và UBND, trừ trường hợp cụ thể Quốc hội quy định không phải là cấp chính quyền địa phương. Quy định này để bảo đảm việc tiếp tục thực hiện tổ chức chính quyền đô thị tại một số thành phố trực thuộc Trung ương theo Luật Thủ đô và các Nghị quyết của Quốc hội.
![](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w500_r1/2025_02_10_413_51440524/6dd7c705f34b1a15435a.jpg)
![](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w500_r1/2025_02_10_413_51440524/0caea77c93327a6c2323.jpg)
![](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w500_r1/2025_02_10_413_51440524/7abacb68ff2616784f37.jpg)
Đại biểu phát biểu ý kiến góp ý đối với 2 dự thảo Luật (sửa đổi)
Đối với Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật (sửa đổi) tập trung 7 vấn đề đổi mới quan trọng, mang tính đột phá về quy trình xây dựng pháp luật. Cụ thể, tiếp tục đơn giản hóa hệ thống văn bản quy phạm pháp luật; đổi mới tư duy; tăng cường kiểm soát quyền lực; phân định rõ thẩm quyền lập pháp và lập quy...
Tại hội nghị, các đại biểu đã tập trung tham gia góp ý vào 2 dự thảo Luật (sửa đổi) nêu trên. Cụ thể, Luật Tổ chức chính quyền địa phương (sửa đổi) vấn đề được nhiều đại biểu góp ý về cần quy định phân biệt rõ chính quyền địa phương ở nông thôn và chính quyền địa phương ở đô thị; phạm vi ủy quyền chỉ quy định ở cơ quan ủy quyền và cơ quan được ủy quyền, người ủy quyền với người được ủy quyền, luật cần bổ sung thêm quyền lợi của bên thứ ba...
![](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w500_r1/2025_02_10_413_51440524/d22b6ef95ab7b3e9eaa6.jpg)
![](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w500_r1/2025_02_10_413_51440524/7aafc47df033196d4022.jpg)
Đại biểu tham dự hội nghị
Phát biểu tại hội nghị, bà Nguyễn Thị Ngọc Xuân cảm ơn các đại biểu đã có sự nghiên cứu trách nhiệm và tham gia các ý kiến xuất phát từ thực tiễn. Đồng thời bà khẳng định, những ý kiến góp ý của các đại biểu sẽ được Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh tổng hợp và dùng làm tài liệu để tham gia ý kiến tại kỳ họp bất thường lần thứ 9, Quốc hội khóa XV, dự kiến khai mạc vào sáng 12-2 tới.
![](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w500_r1/2025_02_10_413_51440524/b6a20e703a3ed3608a2f.jpg)
Toàn cảnh buổi hội nghị