Luật Tình trạng khẩn cấp khắc phục những bất cập từ thực tiễn phòng, chống dịch COVID-19

Chính phủ Thống nhất sự cần thiết xây dựng Luật Tình trạng khẩn cấp nhằm khắc phục những bất cập từ thực tiễn phòng, chống dịch COVID-19 thời gian vừa qua, đồng thời luật hóa các quy định hiện hành về tình trạng khẩn cấp.

Mới đây, Chính phủ ban hành Nghị quyết 118/NQ-CP - Nghị quyết phiên họp Chính phủ chuyên đề xây dựng pháp luật tháng 7/2024. Trong đó, Chính phủ đã cho ý kiến đối với đề nghị xây dựng Luật Tình trạng khẩn cấp.

Theo đó, Chính phủ đánh giá cao Bộ Quốc phòng đã chủ trì, phối hợp với các bộ, cơ quan liên quan lập Đề nghị xây dựng Luật, trình Chính phủ theo đúng quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật.

Đồng thời, thống nhất sự cần thiết xây dựng Luật Tình trạng khẩn cấp nhằm thể chế hóa các chủ trương, đường lối của Đảng; quy định của Hiến pháp về quyền con người, quyền công dân; tạo cơ sở pháp lý đầy đủ, thống nhất, đồng bộ, nâng cao hiệu quả công tác phòng thủ dân sự, phòng ngừa ứng phó, khắc phục hậu quả thiên tai; khắc phục những bất cập từ thực tiễn phòng, chống dịch COVID-19 thời gian vừa qua, đồng thời luật hóa các quy định hiện hành về tình trạng khẩn cấp.

 Luật Tình trạng khẩn cấp khắc phục những bất cập từ thực tiễn phòng, chống dịch COVID-19. Ảnh minh họa

Luật Tình trạng khẩn cấp khắc phục những bất cập từ thực tiễn phòng, chống dịch COVID-19. Ảnh minh họa

Chính phủ giao Bộ Quốc phòng chủ trì, phối hợp các cơ quan liên quan nghiên cứu tiếp thu tối đa ý kiến các bộ, ngành, ý kiến của các thành viên Chính phủ; rà soát các luật có liên quan, bảo đảm khả thi, không chồng chéo, trùng lắp; hoàn thiện Đề nghị xây dựng Luật theo hướng:

Chính sách 1: Tiếp tục nghiên cứu kỹ lưỡng về khái niệm tình trạng khẩn cấp và tình trạng khẩn cấp trên không gian mạng, xác định rõ phạm vi điều chỉnh, mức độ, biện pháp, thời gian áp dụng trong tình trạng khẩn cấp; huy động nguồn lực thực hiện các nhiệm vụ; sự tham gia của người dân và doanh nghiệp trong tình trạng khẩn cấp; xây dựng cơ chế chính sách, thủ tục thực hiện phải nhanh chóng, linh hoạt, sáng tạo; phân quyền, phân cấp tối đa gắn với phân bổ nguồn lực và có cơ chế giám sát thực hiện; bảo đảm phân định rõ thẩm quyền quyết định, áp dụng biện pháp đặc biệt của các chủ thể trong tình trạng khẩn cấp theo tính chất, mức độ khác nhau, bảo đảm tính kịp thời, khả thi, phù hợp thực tiễn.

Chính sách 2: Về hỗ trợ người dân, doanh nghiệp, rà soát kỹ các quy định của pháp luật hiện hành, lựa chọn nội dung hợp lý để quy định, bảo đảm phù hợp, khả thi, thống nhất với hệ thống pháp luật; đề xuất rõ các giải pháp để có tiêu chí, mức độ hỗ trợ, cứu trợ gắn với thẩm quyền quyết định của từng cấp độ.

Chính sách 3: Về bổ sung các biện pháp áp dụng trong tình huống đã ban bố phòng thủ dân sự cấp độ 3 nhưng thảm họa, sự cố có diễn biến phức tạp, gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng mà chưa cần thiết ban bố tình trạng khẩn cấp: Không đề xuất chính sách này mà thống nhất thực hiện theo Luật Phòng thủ dân sự, Luật An ninh quốc gia và pháp luật có liên quan.

Chính phủ giao Bộ Quốc phòng chủ trì, phối hợp với Bộ Tư pháp, Văn phòng Chính phủ và các bộ, cơ quan liên quan hoàn thiện hồ sơ Đề nghị xây dựng Luật theo đúng quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật gửi Bộ Tư pháp; giao Bộ trưởng Bộ Tư pháp thừa ủy quyền Thủ tướng Chính phủ, thay mặt Chính phủ ký Tờ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội bổ sung dự án Luật này vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2025 của Quốc hội (trình Quốc hội cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 9 và thông qua tại Kỳ họp thứ 10).

Bộ Quốc phòng cho biết, thế giới và khu vực dự báo có những diễn biến phức tạp, khó lường, cạnh tranh chiến lược giữa các nước lớn, xung đột vũ trang cục bộ ở một số quốc gia, khu vực; biến đổi khí hậu, thiên tai, dịch bệnh nguy hiểm, lây lan nhanh xảy ra ngày càng nhiều. Tình hình trên làm gia tăng các tình huống khẩn cấp về sự cố, thảm họa đòi hỏi các quốc gia phải có các biện pháp ứng phó khẩn cấp. Việt Nam là quốc gia chịu tác động mạnh của biến đổi khí hậu, nền kinh tế có độ mở cao, các thế lực thù địch luôn tận dụng các thời điểm ta gặp khó khăn để chống phá… vì vậy phải thường xuyên củng cố, hoàn thiện các biện pháp ứng phó trong các tình huống khẩn cấp để bảo vệ Nhân dân, bảo vệ chế độ, bảo vệ đất nước.

Từ những cơ sở trên, theo Bộ Quốc phòng, việc xây dựng, ban hành Luật về tình trạng khẩn cấp là cần thiết để hoàn thiện hành lang pháp lý bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ của hệ thống pháp luật, đáp ứng yêu cầu thực tiễn.

Quốc Trần

Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/luat-tinh-trang-khan-cap-khac-phuc-nhung-bat-cap-tu-thuc-tien-phong-chong-dich-covid-19-post307449.html
Zalo