Luật thuế giá trị gia tăng (sửa đổi): Cần giảm bớt khâu thu
Dự án Luật Thuế giá trị gia tăng (VAT) sửa đổi đã có 83 lượt đại biểu Quốc hội cho ý kiến tại kỳ họp thứ 7. Dự án luật sẽ được thông qua tại kỳ họp thứ 8 tới.
Không chỉ thảo luận ở kỳ họp thứ 7 mà do tính chất phức tạp nên ngay sau kỳ họp, dự án luật trên đã được đưa ra thảo luận nhiều lần tại các phiên họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội và hội nghị đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách. Liên quan đến dự án luật này, ông Trần Văn Lâm, Ủy viên Thường trực Ủy ban Tài chính ngân sách của Quốc hội - cơ quan thẩm tra dự án luật cho rằng, do tính chất phức tạp nên hiện nay dự án luật vẫn còn những vấn đề có ý kiến khác nhau giữa cơ quan soạn thảo và cơ quan thẩm tra.
Về hoàn thuế đầu vào cho các tổ chức, hợp tác xã thu mua nông sản chưa qua chế biến, theo ông Lâm, vấn đề đặt ra là hoàn thuế cho đối tượng không phải nộp thuế đầu ra. Tuy nhiên nhìn vào chiều sâu thực chất của vấn đề thì lại là vấn đề không thu thuế VAT ở một số khâu trung gian.
“Thực tế VAT cứ thu rồi khấu trừ, rồi hoàn. Cực kỳ phức tạp và cực kỳ tốn kém chi phí. Hiện nay Thuế VAT thu khoảng gần 400 nghìn tỷ đồng thì hoàn 160 - 170 nghìn tỷ đồng, nghĩa là hoàn hơn 40%. Tức là chi phí dành cho thu, sau đó để khấu trừ, xong để hoàn là rất lớn. Và khâu hoàn càng nhiều hoạt động thu chi càng phát sinh bị lợi dụng sai phạm thất thoát, lãng phí, chiếm dụng thuế” - ông Lâm phân tích.
Từ đó, ông Lâm đặt vấn đề: Nếu giảm bớt các khâu thu xong lại hoàn sẽ mang lại lợi ích rất lớn là tiết kiệm chi phí, giảm các nguy cơ về gian lận thuế, thất thoát thuế. Nếu làm được cái này chính là bước “cách mạng” lớn về thuế VAT đề giải quyết những hạn chế, bất cập hiện nay của thuế VAT.
Vẫn theo ông Lâm, bản chất của vấn đề này xuất phát từ thực tế vừa rồi rất nhiều mặt hàng nông sản lần đầu tiên khi sản xuất ra thì không phải nộp thuế, nhưng vào khâu thương mại lại phải nộp thuế 5%. Qua rất nhiều các khâu thương mại, đến khi xuất khẩu thì được hoàn lại. Phải qua hàng chục bước và mỗi bước nộp một ít thuế. Do đó nếu như chúng ta không thu thuế ở khâu trung gian từ sản xuất cho đến xuất khẩu, hoặc cho đến giai đoạn vào nhà máy chế biến thì cả giai đoạn hàng chục các khâu trước không phải thu thuế. Như thế sẽ giảm được chi phí. Vì không thu thuế thì không có chuyện hoàn và không hoàn thì không có gian lận thương mại. “Toàn bộ các cơ quan thuế không phải lo các chi phí để kiểm tra, chi phí để quản lý thuế, lúc đó sẽ tiết kiệm rất nhiều nhân lực, chi phí, doanh nghiệp không phải lo kế toán. Cả một khâu như vậy xã hội sẽ tiết kiệm được rất nhiều” - ông Lâm bày tỏ.
Một lý do khác theo ông Lâm, quản lý trong khâu hoàn thuế cực kỳ khó khăn. Vì muốn được hoàn thuế thì phải đã nộp thuế ở các khâu trước. Muốn chứng minh thuế đã nộp ở các khâu trước thì lại cực kỳ phức tạp. Khâu nào đó nợ đọng thì đến đoạn sau xuất khẩu sẽ không được hoàn. Ở đây có vấn đề “quýt làm cam chịu”. Trách nhiệm là của cơ quan quản lý thuế nhưng cuối cùng doanh nghiệp xuất khẩu phải lại phải chịu. Bởi chúng ta không thể rạch ròi doanh nghiệp nợ một chút thuế ở lô nào? hàng nàokhó rạch ròi kể cả hóa đơn chứng từ. Cho nên, cần tiếp tục nghiên cứu để có bước cải cách, bước cách mạng trong thuế VAT.
Ông Trịnh Xuân An - Ủy viên Thường trực Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội nói rằng, đây là luật tác động đến mọi người, mọi nhà, sự tác động là rất lớn trong xã hội. Cho nên cần có sắc thuế hiện đại, khách quan và phản ánh đúng bản chất của thuế gián thu. Các thuế khác đánh trực tiếp vào từng đối tượng một, nhưng thuế này cần có “đường ray” mang tính khách quan của nó. Do đó cần hướng tới sự phổ quát hơn, không nên đi vào trực tiếp đối tượng nào, tránh việc quá cụ thể, mất đi tính khách quan của loại thuế này.
“Tương lai, thuế sẽ chỉ có 2 loại thuế suất là 0% và 10%. Trong này đề ra Chính phủ nghiên cứu trình Quốc hội lộ trình 10%. Điều này mang tính hoạch định và tương lai đưa về thuế suất chung là 10%. Giống như các nước trên thế giới chứ không nên “chẻ” ra quá nhiều mức thuế suất như hiện nay. Tức là 0% cho xuất khẩu, còn 10% cho tất cả các loại hàng hóa tạo thành quy trình thống nhất trong kinh doanh để thu thuế làm sao có hiệu quả” - ông An nêu quan điểm.
Còn ông Lê Minh Nam (ĐBQH đoàn Hậu Giang) đề nghị, rà soát quy định về khấu trừ thuế VAT đầu vào. Theo đó, với quy định này thì doanh nghiệp có thể lợi dụng trong trường hợp khi không có hoạt động xuất khẩu thường xuyên, hoặc có doanh thu tăng đột biến trong một số tháng thì họ tính toán, lựa chọn, kê khai vào thời điểm có lợi nhất nhằm tăng số khấu trừ, giảm số phải nộp, hoặc đề xuất được hoàn thuế. Việc này sẽ dẫn đến trường hợp chiếm dụng nguồn lực từ nhà nước một cách không chính đáng. Do đó cần quy định kê khai đúng kỳ, vào kỳ phát sinh hóa đơn để xác định nghĩa vụ đối với ngân sách. Đây là vấn đề đã được quy định ở Luật Quản lý thuế, cho nên cần dẫn chiếu thực hiện kê khai theo quy định của Luật Quản lý thuế.
Miễn thuế xuất nhập khẩu và miễn thuế VAT với hàng hóa nhập khẩu có giá trị nhỏ đang nhận được sự quan tâm của dư luận trong thời gian qua, Thường trực Ủy ban Tài chính ngân sách đề nghị cơ quan soạn thảo khi ban hành Nghị định về quản lý hải quan đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu giao dịch qua thương mại điện tử bảo đảm chấm dứt hiệu lực của quy định miễn thuế VAT hàng nhập khẩu giá trị nhỏ tại Quyết định số 78/2010/QĐ-TTg để có thể mở rộng và bao quát nguồn thu, phù hợp với thông lệ quốc tế. Điều này sẽ làm tăng số thu về thuế VAT từ các hoạt động kinh doanh thương mại điện tử đối với hàng hóa.