Luật Thủ đô (sửa đổi): Những tâm huyết dành cho Hà Nội
Một trong những thành công lớn nhất của Hà Nội trong năm 2024 là việc Luật Thủ đô (sửa đổi) vừa được Quốc hội thông qua. Luật Thủ đô (sửa đổi) với những cơ chế, chính sách đặc thù sẽ giúp Hà Nội phát triển đột phá, trong đó thể hiện sự phân cấp, phân quyền mạnh mẽ cho chính quyền TP Hà Nội.
Tính đột phá nhằm thúc đẩy xây dựng phát triển Thủ đô
Ngày 28/6/2024, tại kỳ họp thứ bảy, với 462/470 đại biểu tán thành, Quốc hội khóa XV đã thông qua Luật Thủ đô (sửa đổi), gồm 7 Chương với 54 Điều. Các nội dung của Luật Thủ đô được thông qua được các đại biểu đánh giá là rất toàn diện, trong đó có những nội dung trọng tâm, nổi bật như: tổ chức chính quyền ở Hà Nội được tổ chức theo hướng tinh gọn, chuyên nghiệp, hiện đại, hoạt động hiệu lực, hiệu quả. Các quy định được xây dựng theo hướng phân quyền mạnh mẽ từ trung ương về thành phố (về đầu tư, quy hoạch xây dựng, văn hóa, y tế, giáo dục, khoa học công nghệ…), đổi mới mô hình quản trị, nâng cao tính tự chủ, tự chịu trách nhiệm của chính quyền Thủ đô đối với hoạt động quản lý điều hành các mặt của đời sống kinh tế - xã hội của Thủ đô…
Tại Kỳ họp của Hội đồng nhân dân TP Hà Nội diễn ra ngay sau Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Thanh nhấn mạnh, Quốc hội đã xem xét và thông qua dự án Luật Thủ đô (sửa đổi) với tỷ lệ rất cao (95,06%) có ý nghĩa lịch sử với nhiều quy định vượt trội, có tính đột phá nhằm thúc đẩy xây dựng phát triển Thủ đô, để Thủ đô vươn tầm phát triển xứng đáng là đô thị đặc biệt, trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa, giáo dục, hội nhập quốc tế có vai trò dẫn dắt sự phát triển chung của cả nước, thực hiện được những quan điểm, mục tiêu, các định hướng lớn đã được xác định tại Nghị quyết số 15-NQ/TW của Bộ Chính trị, góp phần thực hiện nhiệm vụ chính trị quan trọng đặc biệt trong chiến lược xây dựng và bảo vệ Tổ quốc là xây dựng, phát triển Thủ đô “Văn hiến, Văn minh, Hiện đại”.
Bên cạnh những kỳ vọng mới, Luật Thủ đô (sửa đổi) cũng đặt ra trách nhiệm cao hơn đối với chính quyền Thủ đô trong việc thực hiện đồng bộ nhiệm vụ xây dựng, bảo vệ và phát triển Thủ đô, đáp ứng yêu cầu của Đảng, Nhà nước và nguyện vọng của Nhân dân. Theo Phó Chủ tịch Quốc hội, Luật Thủ đô (sửa đổi) với những cơ chế, chính sách đặc thù để Hà Nội phát triển đột phá tạo động lực dẫn dắt cả vùng, cả nước, trong đó thể hiện sự phân cấp, phân quyền mạnh mẽ cho chính quyền TP Hà Nội, nhưng cũng đặt ra trách nhiệm cao hơn đối với chính quyền thành phố trong việc thực hiện đồng bộ nhiệm vụ xây dựng, bảo vệ và phát triển Thủ đô, đáp ứng yêu cầu của Đảng, Nhà nước và nguyện vọng của Nhân dân. Theo thống kê, trong Luật Thủ đô có trên 50 quy định nhiệm vụ, thẩm quyền, trách nhiệm của Hội đồng Nhân dân thành phố.
Cơ sở pháp lý để Hà Nội hiện thực hóa nhiều khát vọng
Ngay sau khi Luật Thủ đô (sửa đổi) được thông qua, nhiều nhà khoa học, nhà nghiên cứu nêu quan điểm đánh giá các nội dung luật. Trao đổi với truyền thông, Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam Đào Ngọc Nghiêm khẳng định, Luật Thủ đô (sửa đổi) là kim chỉ nam cho Thủ đô bứt phá
“Trên thế giới không quá 10 nước có luật riêng cho thủ đô. Vì vậy, với việc Thủ đô Hà Nội có được một bộ luật cho riêng mình thể hiện sự quan tâm rất lớn của Đảng, Nhà nước và nhân dân cả nước đối với sự phát triển của Thủ đô Hà Nội. Cùng với các nghị quyết quan trọng của Trung ương liên quan tới Thủ đô Hà Nội, Luật Thủ đô (sửa đổi) được thông qua được xem như kim chỉ nam để Thủ đô bứt phá mạnh mẽ trong giai đoạn tới. Đáng chú ý, trong Luật Thủ đô (sửa đổi) có riêng một điều về không gian ngầm, tạo thuận lợi rất lớn cho khai thác không gian tiềm năng mới trong phát triển Thủ đô. Luật cũng quy định rất rõ vai trò, trách nhiệm của từng cấp, ngành trong thực hiện cải tạo, tái thiết đô thị…”, theo ông Đào Ngọc Nghiêm.
Với Ủy viên Thường trực Hội Kiến trúc sư Hà Nội Trần Huy Ánh, thì việc Luật Thủ đô (sửa đổi) kiên định chủ trương lấy con người làm trung tâm là rất quan trọng. “Luật sẽ tạo hành lang pháp lý bảo vệ cuộc sống an toàn, công bằng cho người Thủ đô hôm nay, tạo nhiều cơ hội đóng góp cho Thủ đô ngày mai, một Thủ đô giàu bản sắc và có khả năng thích ứng trước nhiều thách thức mới của thiên tai và nhân tai như khô hạn, nắng nóng, ô nhiễm môi trường cùng những biến đổi kinh tế, chính trị toàn cầu… Hơn nữa, Luật Thủ đô (sửa đổi) có những ưu tiên cho việc tái thiết Hà Nội hiện hữu bằng cách nâng cao chất lượng sống cho con người, kiên định lấy con người làm trung tâm phát triển”, theo ông Trần Huy Ánh.
Từ góc độ, Hiệp hội UNESCO thành phố Hà Nội, Chủ tịch Hiệp hội Trương Minh Tiến đánh giá, Luật Thủ đô (sửa đổi) là một trong những cơ sở pháp lý để thực hiện mục tiêu “cả nước vì Hà Nội, Hà Nội vì cả nước”. Theo Chủ tịch Hiệp hội Trương Minh Tiến, “việc Quốc hội biểu quyết thông qua Luật Thủ đô (sửa đổi) là rất cần thiết để tạo ra hành lang pháp lý phù hợp, thuận lợi hơn cho sự phát triển không chỉ riêng cho Thủ đô Hà Nội mà còn chung cho cả đất nước. Một trong những nội dung đáng chú ý của dự thảo Luật là chính sách phát triển văn hóa, y tế, giáo dục và an sinh xã hội. Đây là những chính sách góp phần xây dựng văn hóa người. Hà Nội hào hoa, thanh lịch, nghĩa tình, văn minh, tiêu biểu cho văn hóa, lương tri và phẩm giá con người Việt Nam; đưa văn hóa con người Hà Nội trở thành nguồn lực nội sinh để phát triển bền vững Thủ đô; nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân… Cá nhân tôi cho rằng, khi Luật Thủ đô (sửa đổi) chính thức đi vào đời sống sẽ là cơ sở pháp lý để thành phố Hà Nội hiện thực hóa nhiều khát vọng, trong đó có mục tiêu xây dựng Hà Nội “Văn hiến - Văn minh - Hiện đại”.
Triển khai Luật Thủ đô vào cuộc sống
Ngày 7/9/2024, UBND thành phố Hà Nội đã có tờ trình HĐND thành phố về Nghị quyết quy định một số nội dung, mức chi triển khai thi hành Luật Thủ đô năm 2024. Theo thẩm quyền, HĐND, UBND thành phố sẽ soạn thảo, ban hành 114 văn bản triển khai thi hành Luật Thủ đô, trong đó có 94 văn bản quy phạm pháp luật, 20 văn bản cá biệt. Với tính chất, nội dung giao cho HĐND, UBND thành phố ban hành các quy định theo Luật Thủ đô thì mức độ phức tạp, yêu cầu về nội dung có tính chất tương đương như việc ban hành nghị định của Chính phủ để tổ chức thi hành Luật.
Với yêu cầu xây dựng các văn bản quy phạm pháp luật và các văn bản cá biệt để tổ chức thi hành Luật Thủ đô bảo đảm khoa học, chặt chẽ, thống nhất, khả thi, một số nội dung được giao quy định chi tiết cần triển khai xây dựng, ban hành trước ngày Luật Thủ đô (sửa đổi) có hiệu lực thi hành (1/1/2025) để có hiệu lực cùng với Luật.
Tuy nhiên, theo nhiều chuyên gia, nhiều nội dung văn bản cần ban hành có tính phức tạp, nhiều vấn đề mới chưa có trong quy định của hệ thống pháp luật Việt Nam thì việc bố trí kinh phí cho việc xây dựng văn bản theo các quy định hiện hành là chưa bảo đảm, chưa tương xứng với yêu cầu nhiệm vụ đặt ra. Chính vì vậy, thành phố cần có cơ chế, chính sách riêng để bố trí ngân sách, quy định một số nội dung, mức chi ngoài nội dung, mức chi theo quy định của trung ương cho nhiệm vụ triển khai thi hành Luật Thủ đô (sửa đổi). Cụ thể, UBND thành phố đề nghị áp dụng định mức phân bổ kinh phí xây dựng nghị quyết của HĐND thành phố, quyết định của UBND thành phố. Mức chi cụ thể cho các hoạt động lập đề nghị, xây dựng các báo cáo, lập đề cương, dự thảo văn bản, báo cáo thẩm định, thẩm tra; hội nghị, hội thảo góp ý, thẩm định, thẩm tra..... được áp dụng bằng các mức chi cụ thể xây dựng dự thảo nghị định của Chính phủ.
Được biết, theo ước tính của Sở Tư pháp Hà Nội, sau khi Nghị quyết được ban hành, dự kiến kinh phí thực hiện được thành phố giao trong dự toán nguồn chi thường xuyên không giao tự chủ cho các cơ quan, đơn vị có nhiệm vụ chủ trì xây dựng văn bản theo phân công của UBND thành phố. Căn cứ vào dự kiến danh mục văn bản do UBND thành phố chỉ đạo, các sở, ban, ngành thành phố rà soát, đề xuất, ước tính kinh phí phục vụ cho công tác xây dựng văn bản triển khai thi hành Luật Thủ đô (sửa đổi).