Luật Thủ đô năm 2024: tạo sức bật cho phát triển nông nghiệp, nông thôn
Các quy định của Luật Thủ đô năm 2024 được kỳ vọng tạo sức bật mới cho nông nghiệp, kiến tạo những miền quê nông thôn đáng sống, góp phần hiện thực hóa các mục tiêu tăng trưởng năm 2025 và giai đoạn 2026 - 2030 của TP Hà Nội.
Bước tiến của nông nghiệp, nông thôn
Kể từ khi Luật Thủ đô năm 2012 đi vào cuộc sống, ngành nông nghiệp đã tranh thủ những điều kiện thuận lợi, sự quan tâm, đầu tư lớn của Thành ủy - UBND TP Hà Nội. Cùng với đó là tích cực triển khai các chủ trương, chính sách phát triển nông nghiệp của Trung ương, đạt nhiều kết quả nổi bật.
Phải nhắc đến đầu tiên là Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới. Theo Phó Chánh Văn phòng chuyên trách Văn phòng Điều phối nông thôn mới Hà Nội Ngọ Văn Ngôn, đến nay sau gần 15 năm tập trung triển khai, toàn TP đã có 18/18 huyện, thị xã đạt chuẩn nông thôn mới; trong đó có 5 huyện về đích nông thôn mới nâng cao gồm: Thanh Trì, Đông Anh, Hoài Đức, Gia Lâm và Thanh Oai.
Trong số 382/382 xã đạt chuẩn nông thôn mới, hiện TP đã công nhận 229 xã về đích nông thôn mới nâng cao và 109 xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu. Hà Nội cũng đã hoàn thiện 100% tiêu chí, đang trình Trung ương xem xét công nhận “Thành phố hoàn thành nhiệm vụ nông thôn mới”.

Mô hình trồng hoa lan ứng dụng công nghệ cao tại huyện Mê Linh (TP Hà Nội).
Sản xuất nông nghiệp duy trì phát triển; chỉ số tăng trưởng liên tục đạt và vượt chỉ tiêu kế hoạch đề ra. Nông nghiệp bước đầu đã hình thành một số vùng chuyên canh sản xuất nông sản hàng hóa tập trung, với năng suất và giá trị thu nhập cao.
Đơn cử như: vùng sản xuất lúa chất lượng cao (Sóc Sơn, Thanh Oai, Phú Xuyên), vùng sản xuất rau an toàn (Mê Linh, Đông Anh), vùng trồng cam canh, bưởi diễn (Hoài Đức, Thanh Oai), vùng chăn nuôi gia cầm (Chương Mỹ, Thường Tín), bò thịt, bò sữa (Ba Vì)…
Các tiến bộ khoa học, kỹ thuật nông nghiệp được ứng dụng ngày một rộng rãi, nhất là trong sản xuất lúa. Hiện tại, cơ giới hóa trong sản xuất lúa của Hà Nội tập trung vào khâu làm đất (đạt 100% diện tích); khâu thu hoạch (đạt hơn 90%). Qua đó, đã hình thành nhiều vùng sản xuất lúa hàng hóa tập trung cho năng suất, chất lượng cao, góp phần bảo đảm an ninh lương thực trên địa bàn Thủ đô.
Sự phát triển nông nghiệp góp phần nâng cao thu nhập cho người dân khu vực nông thôn. Con số này liên tục tăng qua từng năm, hiện đạt khoảng 74 triệu đồng/người/năm. Không chỉ riêng khu vực nông thôn mà toàn TP Hà Nội hiện đã không còn hộ nghèo.
Hệ thống chính trị ở cơ sở được xây dựng vững mạnh, an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội được giữ vững; các thiết chế văn hóa, giáo dục khu vực nông thôn tiếp tục được quan tâm đầu tư…, góp phần nâng cao đời sống tinh thần cho người dân trên địa bàn Thủ đô.
Nông nghiệp công nghệ cao khiêm tốn
Bên cạnh những kết quả tích cực, thẳng thắn nhìn nhận, ngành nông nghiệp Thủ đô hiện nay vẫn còn những hạn chế, khó khăn. Theo Giám đốc Sở Nông nghiệp và Môi trường Hà Nội Nguyễn Xuân Đại, hiệu quả sản xuất nông nghiệp của Thủ đô còn thấp và chưa ổn định. Nông nghiệp công nghệ cao còn ít; chuyển dịch cơ cấu nội ngành chưa theo kịp yêu cầu.
Việc đầu tư hạ tầng sản xuất chưa được quan tâm, vấn đề quy hoạch, quản lý quy hoạch, đầu tư theo quy hoạch, quản lý đất đai, môi trường, thu gom rác thải, nước sạch nông thôn còn nhiều khó khăn.
Chuyển đổi, chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp có nhiều tiến bộ nhưng chưa tương xứng với tiềm năng và lợi thế của Thủ đô. Việc thu hút doanh nghiệp đầu tư vào sản xuất nông nghiệp chưa nhiều, đặc biệt là chế biến sâu.
Khu vực kinh tế tập thể, hợp tác xã chưa phát huy hết vai trò, vị trí; chưa tương xứng với tiềm năng phát triển; liên kết theo chuỗi giá trị, liên kết tiêu thụ còn hạn chế. Việc phát triển nghề và làng nghề phân tán, thiếu tính bền vững.

Đường làng xanh, sạch, đẹp tại xã Song Phượng (huyện Đan Phượng).
Đời sống của một bộ phận nông dân còn nhiều khó khăn. Khoảng cách về thu nhập và mức sống của người dân thành thị - nông thôn và vùng dân tộc thiểu số, miền núi vẫn còn khoảng cách khá xa. Tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội khu vực nông thôn còn tiềm ẩn phức tạp…
Một trong những nguyên nhân dẫn đến những hạn chế nêu trên là do Luật Thủ đô năm 2012 còn thiếu quy định về phát triển nông nghiệp, nông thôn Thủ đô, làm ảnh hưởng lớn đến tính thống nhất, đồng bộ, toàn diện của hệ thống chính sách về Thủ đô.
Luật Thủ đô năm 2012 chưa tạo được cơ sở pháp lý vững chắc để mở đường cho việc đổi mới và phát triển các mô hình tổ chức kinh tế nông thôn, đặc biệt là các mô hình tập trung ruộng đất; liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị; phát triển nông nghiệp đô thị, nông nghiệp sinh thái…
Kỳ vọng từ cơ chế đặc thù
Nhằm tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc về cơ chế, chính sách, tạo đà cho nông nghiệp Thủ đô bứt phá, Quốc hội đã thông qua Luật Thủ đô năm 2024, trong đó phân quyền mạnh mẽ cho HĐND TP Hà Nội.
Theo đó, HĐND TP Hà Nội có thẩm quyền quy định các biện pháp đặc thù về sử dụng đất nông nghiệp; áp dụng ưu đãi đầu tư về tiền thuê đất, thuê mặt nước, về thuế suất thuế thu nhập doanh nghiệp; đặc biệt là thu hút nhà đầu tư chiến lược vào lĩnh vực nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, phát triển khu công nghệ cao.
HĐND TP Hà Nội còn được trao thẩm quyền quy định phạm vi, đối tượng, nội dung, mức hỗ trợ cao hơn mức quy định hoặc chưa được quy định trong văn bản của cơ quan nhà nước cấp trên trong các lĩnh vực như: Giống, chuyển giao công nghệ trong sản xuất giống; công nghệ bảo quản, chế biến sản phẩm nông nghiệp; ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp...
Đặc biệt, Luật Thủ đô năm 2024 trao cho HĐND TP Hà Nội quyền quy định hình thức sử dụng, khai thác quỹ đất nông nghiệp tại bãi sông, bãi nổi ở tuyến sông có đê để sản xuất nông nghiệp kết hợp du lịch, giáo dục trải nghiệm trên cơ sở bảo đảm quy hoạch.
Theo TS Cao Đức Phát, nguyên Bộ trưởng Bộ NN&PTNT (nay là Bộ Nông nghiệp và Môi trường), những cơ chế, chính sách đặc thù được đề cập trong Luật Thủ đô năm 2024 được xem là hành lang pháp lý vững chắc, hứa hẹn tạo động lực mới cho phát triển bền vững nông nghiệp, nông thôn trong giai đoạn tới.
Tuy nhiên, để việc triển khai thi hành Luật thực sự mang lại hiệu quả, TS Cao Đức Phát cho rằng, cần có các chính sách cụ thể hóa rõ và mạnh mẽ nhằm tháo gỡ những tồn tại kéo dài, thúc đẩy các xu hướng mới trong phát triển nông nghiệp, nông thôn.
Trên cơ sở Luật Thủ đô năm 2024, PGS.TS Chu Tiến Quang, nguyên Trưởng ban Chính sách phát triển nông thôn (Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương) cho rằng, Hà Nội cần sớm quy hoạch vùng sản xuất nông nghiệp tập trung phù hợp với điều kiện tự nhiên, sinh thái và gắn với nhu cầu thị trường.
“Quy hoạch là đòi hỏi cấp thiết đặt ra. Từ đây, không chỉ giúp định hình nông nghiệp, nông thôn của Thủ đô, mà còn tạo động lực thu hút các nguồn lực về vốn đầu tư, công nghệ và nhân lực, của các tổ chức, cá nhân tham gia vào phát triển lĩnh vực này trong những năm tới…” - PGS.TS Chu Tiến Quang bày tỏ quan điểm.
“Để Luật Thủ đô năm 2024 đi vào thực tiễn, Hà Nội cần chú trọng đến yếu tố con người, có những giải pháp hỗ trợ phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao nhằm nâng cao giá trị sản xuất nông nghiệp. Song song với đó, TP cần đẩy mạnh triển khai các chương trình, đề án đào tạo nghề, chuyển đổi nghề cho lao động nông thôn theo nhu cầu từng đối tượng, hình thành và phát triển đội ngũ “công nhân nông nghiệp”…” - GS.TS Nguyễn Thị Lan, Giám đốc Học viện Nông nghiệp Việt Nam.