Luật Thủ đô cần đẩy nhanh không để lỡ cơ hội phát triển
Nhiều ý kiến của chuyên gia, nhà khoa học đề nghị Hà Nội cần tập trung triển khai nhanh Luật Thủ đô 2024, để không làm lỡ cơ hội phát triển của thành phố.
Sáng 14-11, Thành ủy, HĐND, UBND TP Hà Nội phối hợp với Bộ Biên tập Tạp chí Cộng sản tổ chức Hội thảo khoa học “Triển khai Luật Thủ đô (Luật số 2024/QH15): Những vấn đề lý luận và thực tiễn”.
Không để lỡ cơ hội
Phát biểu đề dẫn hội thảo, PGS.TS Lê Hải Bình, Tổng Biên tập Tạp chí Cộng sản nhấn mạnh Luật Thủ đô là “luật có ý nghĩa đặc biệt”, giúp xóa nhiều rào cản hành chính, tháo gỡ các điểm nghẽn, đáp ứng nhu cầu phát triển ngày càng cao của Hà Nội trong bối cảnh đô thị hóa nhanh chóng, đồng thời khơi thông pháp lý để Thủ đô Hà Nội phát triển một cách bền vững và hiện đại.
Ông mong muốn hội thảo sẽ nhận được nhiều ý kiến đóng góp giúp Luật Thủ đô được triển khai nhanh, tạo cơ hội để Thủ đô Hà Nội có những chính sách đột phá, vượt trội trong các lĩnh vực kinh tế, xã hội; đảm bảo tính khả thi, thống nhất, đồng bộ với hệ thống chính sách, pháp luật hiện hành để luật sớm đi vào cuộc sống, khắc phục được những tồn tại, hạn chế của việc triển khai thi hành Luật Thủ đô trong giai đoạn trước đây…
Phát biểu tại hội thảo, TS Cao Đức Phát, nguyên Bộ trưởng Bộ NN&PTNT cho hay khoảng 20 năm trở lại đây, Hà Nội không còn tình trạng phải đi hộ đê nữa, do khu vực thượng nguồn đã có nhiều hồ chứa, làm giảm lượng nước về Hà Nội trong mùa lũ. Tuy nhiên, biến đổi khí hậu ngày càng cực đoan, lúc thì khô hạn, khi lũ lụt, do đó, Hà Nội phải có tầm nhìn dài hạn trong phát triển.
Theo ông, Luật Thủ đô 2024 đã cho phép xây dựng các tuyến đê mới, được tồn tại một số khu dân cư hiện hữu ở bãi sông, được xây dựng công trình, nhà ở với tỷ lệ thích hợp và các công trình cho mục đích công cộng. Nội dung được ủy quyền cho HĐND TP Hà Nội quyết định, tuy nhiên phải kèm theo điều kiện là tuân thủ các quy hoạch đê điều, phòng chống lũ, các quy hoạch khác có liên quan.
Ông Phát nhấn mạnh, thẩm quyền thực hiện các quy hoạch khác nhau, do đó, Hà Nội nên tổ chức họp, phối hợp với tất cả các cơ quan có liên quan thực hiện tổng rà soát, lập kế hoạch phân công và đề ra tiến độ rõ để thực hiện.
"Nếu không cứ ngồi đợi nhau, 5 năm rồi 10 năm cứ trôi qua và 30 năm sau có khi vẫn tiếp tục tranh luận. Và, khi chúng ta làm tốt sẽ phát huy được sự cởi mở của Luật Thủ đô. Còn cứ ngồi đợi nhau sẽ bỏ lỡ cơ hội và trở thành yếu tố kìm hãm sự phát triển thủ đô", TS Cao Đức Phát, nguyên Bộ trưởng Bộ NN&PTNT nói.
Mấu chốt con người và bộ máy.
Phát biểu tại hội thảo, GS.TS Trần Ngọc Đường, Chủ nhiệm Hội đồng tư vấn về dân chủ pháp luật, Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam cho rằng mục tiêu tổng quát của việc xây dựng chính quyền thủ đô là xây dựng nền hành chính thủ đô thực sự dân chủ, pháp quyền, chuyên nghiệp, hiện đại, tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả, có năng lực kiến tạo phát triển, liêm chính, phục vụ nhân dân.
Theo ông Đường cần phải tiếp tục xây dựng và hoàn thiện thể chế về phân cấp, phân quyền giữa cấp chính quyền TP với chính quyền cấp quận, thị xã, TP thuộc TP giữa chính quyền quận, thị xã TP thuộc TP với chính quyền phường, xã trong việc tổ chức và thực hiện các chính sách, đặc thù theo đúng quy định về phân cấp, ủy quyền của UBND, Chủ tịch UBND (Điều 14, Luật Thủ đô).
“Cần nâng cao chất lượng thể chế những chính sách mới của Luật Thủ đô, đặc biệt là các chính sách mới trong sử dụng tuyển dụng, đào tạo, bồi dưỡng, đãi ngộ đội ngũ cán bộ, công chức; trong xây dựng, phát triển, quản lý và bảo vệ thủ đô” – GS.TS Trần Ngọc Đường nhấn mạnh.
Từ đó, GS Đường đề nghị Hà Nội cần đổi mới công tác tuyển dụng, sử dụng, bổ nhiệm, luân chuyển cán bộ, công chức, viên chức của các cấp chính quyền thủ đô. Thể chế hóa cơ chế quản lý, chế độ chính sách mới đối với việc tuyển dụng, quản lý sử dụng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức được Luật Thủ đô quy định.