Luật Thủ đô 2024: phát huy hiệu quả không gian ngầm mang lại nhiều lợi ích

PGS.TS Nguyễn Hồng Tiến, Nguyên Cục trưởng Cục Hạ tầng, Bộ Xây dựng cho biết, việc sử dụng, khai thác và phát huy hiệu quả không gian ngầm mang lại rất nhiều lợi ích. Cụ thể, nâng cao hiệu quả và chất lượng của quy hoạch đô thị, tổ chức lại không gian xây dựng đô thị; nâng cao giá trị sử dụng đất…; góp phần hình thành và phát triển thị trường bất động sản ngầm.

Hầm đi bộ Ngã Tư Sở giúp người dân đi lại được an toàn. Ảnh: N.M

Hầm đi bộ Ngã Tư Sở giúp người dân đi lại được an toàn. Ảnh: N.M

Quản lý, sử dụng không gian ngầm

Theo quy định tại Điều 19 Luật Thủ đô 2024 về quản lý, sử dụng không gian ngầm, việc quản lý, sử dụng không gian ngầm phải tuân theo các nguyên tắc sau đây: dựa trên cơ sở đánh giá đầy đủ về điều kiện tự nhiên, địa chất, địa mạo, thủy văn; phù hợp với các chiến lược, quy hoạch, kế hoạch. Bảo đảm quốc phòng, an ninh; ưu tiên các công trình có tính lưỡng dụng, có khả năng sẵn sàng chuyển sang phục vụ nhu cầu quốc phòng, an ninh; bảo tồn không gian văn hóa và cảnh quan môi trường, di tích lịch sử - văn hóa, danh lam thắng cảnh; bảo đảm kết nối đồng bộ với không gian trên mặt đất và các không gian xây dựng công trình ngầm có liên quan.

Việc xây dựng công trình ngầm, bao gồm cả phần móng, cọc và phần ngầm của công trình trên mặt đất, phải thực hiện theo dự án đầu tư xây dựng, hạng mục của dự án đầu tư xây dựng hoặc giấy phép xây dựng theo quy định của pháp luật về xây dựng.

Bên cạnh đó, không gian ngầm phải được phân vùng chức năng để quản lý, khai thác, sử dụng. Người sử dụng đất thuộc địa bàn TP được sử dụng lòng đất theo chiều thẳng đứng trong phạm vi ranh giới thửa đất tính từ mặt đất đến mức giới hạn độ sâu theo quy định của Chính phủ phù hợp với quy hoạch. Việc sử dụng lòng đất ngoài giới hạn độ sâu do Chính phủ quy định phải được cấp phép phù hợp với quy hoạch đã được phê duyệt.

Tổ chức, cá nhân được Nhà nước cho phép sử dụng lòng đất ngoài giới hạn độ sâu do Chính phủ quy định để xây dựng công trình ngầm phải trả tiền sử dụng không gian ngầm, trừ trường hợp được miễn, giảm tiền sử dụng không gian ngầm đối với công trình ngầm không nhằm mục đích kinh doanh, thuộc danh mục khuyến khích đầu tư xây dựng hoặc trường hợp khác do Chính phủ quy định. HĐND TP ban hành danh mục các công trình ngầm được khuyến khích đầu tư xây dựng.

Nâng cao hiệu quả và chất lượng của quy hoạch đô thị

Chia sẻ về ý nghĩa, vai trò của việc phát triển không gian ngầm, PGS.TS Nguyễn Hồng Tiến cho biết, việc sử dụng, khai thác và phát huy hiệu quả không gian ngầm mang lại rất nhiều lợi ích. Cụ thể, đầu tiên dễ nhận thấy đó là nâng cao hiệu quả và chất lượng của quy hoạch đô thị, tổ chức lại không gian xây dựng đô thị; nâng cao giá trị sử dụng đất và sử dụng hợp lý quỹ đất đô thị để xây dựng nhà ở, xây dựng các công trình công cộng; góp phần hình thành và phát triển thị trường bất động sản ngầm.

Ngoài ra, việc phát triển không gian ngầm còn góp phần giải quyết các vấn đề giao thông đô thị; khai thác có hiệu quả tài nguyên đất; giảm thiểu tác động của ô nhiễm môi trường. Đặc biệt quan trọng hơn là nó tạo ra hiệu quả về an toàn, an ninh quốc phòng. Theo đó các công trình ngầm được sử dụng như một hệ thống phòng thủ an toàn khi có thiên tai hoặc chiến tranh xảy ra...

"Để đẩy nhanh quá trình phát triển không gian ngầm, trước mắt, TP Hà Nội cần xem xét, nghiên cứu sử dụng vốn ngân sách làm nguồn vốn “mồi” đầu tư một số công trình ngầm, bãi đỗ xe ngầm. Để một mặt giảm bớt tình trạng quá tải về hạ tầng bãi đỗ xe cho các địa bàn đông dân cư, mặt khác tạo hiệu ứng lan tỏa trong việc mời gọi các nhà đầu tư vào lĩnh vực này"- PGS.TS Nguyễn Hồng Tiến nêu quan điểm.

Cùng chia sẻ về không gian ngầm, GS.TS Hoàng Văn Cường, Ủy viên Ủy ban Tài chính Ngân sách của Quốc hội, đại biểu Quốc hội Đoàn TP Hà Nội cho hay, hiện nay, ở một số khu đô thị trên địa bàn Hà Nội, không gian ngầm đã phát triển ra ngoài khuôn viên các tòa nhà đó. Tương tự trong đô thị trung tâm của TP, sau này cải tạo những khu chung cư cũ như Kim Liên, Trung Tự, Thành Công… bắt buộc phải cải tạo như thế, biến khu vực đó thành một TP ngầm trong tương lai. Có như vậy, không gian trên mặt đất mới dành cho công cộng, đặc biệt là giao thông đô thị. TP hiện đại phải như thế và khi đó mới tạo ra tiền để nhà đầu tư xây cao lên để trả cho người dân.

Những TP ngầm như vậy sẽ được kết nối giao thông một cách đồng bộ, có đường sắt đô thị chạy qua, rất thuận tiện trong sinh hoạt, đi lại, mua sắm; qua đó sẽ thu hút, hấp dẫn người dân đến sinh sống.

Về việc giới hạn độ sâu không gian ngầm, cần phải có quy định riêng cho mỗi khu vực. Ví dụ, ở khu vực trung tâm Hà Nội, nơi nhiều công trình, nằm trong các tuyến đường sắt đô thị, không gian ngầm ở đó phải quy định khác. Còn ở những nơi có công trình quốc phòng an ninh thì phải quy định khác. Do vậy, độ sâu thế nào, bao nhiêu mét, phải được căn cứ theo khu vực và Chính phủ nên có nghị định quy định chi tiết, như thế sẽ phù hợp hơn. Còn nếu áp đồng loạt độ sâu 15 mét sẽ không ổn.

Công Phương

Nguồn PL&XH: https://phapluatxahoi.kinhtedothi.vn/luat-thu-do-2024-phat-huy-hieu-qua-khong-gian-ngam-mang-lai-nhieu-loi-ich-408913.html
Zalo