Luật Thanh tra phải bảo vệ được niềm tin và sự liêm chính

Luật Thanh tra có giá trị đặc biệt quan trọng trong việc đảm bảo liêm chính công và tăng cường hiệu lực quản lý nhà nước, góp phần định hình lại phương thức kiểm soát quyền lực trong bối cảnh xây dựng nhà nước pháp quyền và Chính phủ kiến tạo phát triển.

Chức năng thanh tra cần thoát khỏi tư duy hành chính và chuyển hóa thành công cụ giám sát chính sách. Dự thảo luật hiện thiết kế hoạt động thanh tra như một công cụ kiểm tra, xử lý vi phạm hành chính trong phạm vi quyền lực nhà nước hiện hành. Cụ thể, Điều 4 có quy định nguyên tắc hoạt động là tuân thủ pháp luật, công khai, khách quan, nhưng như vậy chưa đủ, chưa thể hiện rõ vai trò phản biện chính sách, đánh giá thể chế và kiến nghị cải cách sau thanh tra.

Trong khi đó, Chính phủ kiến tạo đòi hỏi một bộ máy thanh tra không chỉ bắt lỗi kỹ thuật mà còn phải nhìn thấy bất cập của hệ thống và đề xuất điều chỉnh luật chơi. Tôi cho rằng cần bổ sung trong luật trách nhiệm của cơ quan thanh tra trong việc báo cáo kiến nghị chính sách sửa đổi pháp luật hoặc cơ chế quản lý sau thanh tra.

 Đại biểu Quốc hội Bế Trung Anh

Đại biểu Quốc hội Bế Trung Anh

Chúng ta đã có hoạt động chuyển đổi số rất mạnh, hoạt động này cũng nên có những bước tiến rõ ràng trong việc ứng dụng chuyển đổi số. Dự Luật Thanh tra (sửa đổi) chưa đề cập đến việc ứng dụng phân tích dữ liệu lớn, hệ thống cảnh báo sớm hay đánh giá rủi ro quản trị trong việc lựa chọn đối tượng thanh tra, trong khi Chính phủ đang đẩy mạnh chuyển đổi số. Nếu thanh tra vẫn xuống cơ sở kiểm tra hồ sơ, sổ sách thì không đảm bảo được việc giám sát một cách hiện đại.

Vì vậy, cần bổ sung một chương hoặc một điều riêng về thanh tra trong môi trường số. Trong đó, quy định cụ thể: thanh tra dựa trên dữ liệu kết nối với cơ sở dữ liệu quốc gia; xây dựng hệ thống đánh giá rủi ro định kỳ theo ngành và lĩnh vực; ứng dụng công nghệ trong thu thập, phân tích và xử lý sai phạm.

Một trong những nguyên tắc của Nhà nước kiến tạo là phải biết học từ sai lầm một cách có hệ thống và thanh tra chính là nơi phát hiện ra các điểm nghẽn của thể chế. Thế nhưng, dự luật Thanh tra (sửa đổi) chưa đặt ra trách nhiệm cụ thể cho cơ quan thanh tra trong việc kiến nghị sửa đổi chính sách, pháp luật hay đề xuất mô hình quản trị mới. Cần phải bổ sung nghĩa vụ định kỳ gửi báo cáo tổng hợp, kiến nghị chính sách của cơ quan thanh tra lên Chính phủ, Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội như một phần trong cơ chế đánh giá thực thi pháp luật và hoàn thiện pháp luật từ thực tiễn.

Nếu Nhà nước pháp quyền là khung thể chế, Chính phủ kiến tạo là linh hồn vận hành của hệ thống thì thanh tra trong kỷ nguyên mới không chỉ làm nhiệm vụ kiểm tra, xử lý mà cần tiến lên một tầm cao mới là giám sát thể chế, hỗ trợ cải cách và bảo vệ môi trường phát triển lành mạnh.

Cần xem xét, chỉnh sửa dự Luật Thanh tra (sửa đổi) theo hướng tập trung, minh bạch, hiện đại và kiến tạo. Như vậy, Luật này sẽ không chỉ là một đạo luật về kỷ luật công quyền mà sẽ trở thành một đạo luật bảo vệ niềm tin của nhân dân và sự liêm chính, trách nhiệm, hiệu quả của bộ máy công quyền.

ĐBQH Bế Trung Anh, phát biểu trong phiên thảo luận tại Quốc hội ngày 22-5

ĐBQH Bế Trung Anh

Nguồn PLO: https://plo.vn/luat-thanh-tra-phai-bao-ve-duoc-niem-tin-va-su-liem-chinh-post851258.html
Zalo