Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sĩ quan Quân đội nhân dân Việt Nam: Cần thiết - kịp thời - phù hợp - Bài 2: Động lực xây dựng, phát triển đội ngũ sĩ quan

Với mục tiêu tạo cơ sở pháp lý chặt chẽ, phù hợp với thực tiễn, bảo đảm xây dựng đội ngũ sĩ quan (ĐNSQ) vững mạnh, làm nòng cốt xây dựng Quân đội nhân dân (QĐND) Việt Nam cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, hiện đại, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sĩ quan QĐND Việt Nam (viết tắt là Luật Sĩ quan sửa đổi) tạo động lực mạnh mẽ trong xây dựng, phát triển ĐNSQ.

Phù hợp với thực tiễn, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ

Luật Sĩ quan mới có 14 vấn đề được sửa đổi, bổ sung, nhằm bảo đảm thống nhất với hệ thống pháp luật hiện hành, phù hợp với tính chất, nhiệm vụ của Quân đội “là ngành lao động đặc biệt”, bảo đảm tốt hơn chế độ, chính sách cho ĐNSQ.

Bộ Tổng Tham mưu Quân đội nhân dân Việt Nam kiểm tra điều lệnh đối với đội ngũ cán bộ. Ảnh: NGỌC HÂN

Bộ Tổng Tham mưu Quân đội nhân dân Việt Nam kiểm tra điều lệnh đối với đội ngũ cán bộ. Ảnh: NGỌC HÂN

Vấn đề được dư luận quan tâm là việc tăng hạn tuổi phục vụ tại ngũ cao nhất của sĩ quan từ 1 đến 5 tuổi (nam và nữ tính như nhau), cụ thể: Cấp úy 50 tuổi; Thiếu tá 52 tuổi; Trung tá 54 tuổi; Thượng tá 56 tuổi; Đại tá 58 tuổi và cấp tướng 60 tuổi. Điều này nhận được sự đồng tình của ĐNSQ vì tạo điều kiện cho cán bộ, nhất là cấp Trung tá trở xuống khi nghỉ hưu có đủ số năm tham gia bảo hiểm xã hội để hưởng lương hưu mức tối đa 75%. Hơn nữa, tăng tuổi phục vụ tại ngũ còn góp phần giữ gìn, phát huy ĐNSQ được đào tạo cơ bản, chuyên sâu, đặc thù, có trình độ chuyên môn, kỹ thuật cao, có bản lĩnh, kinh nghiệm, sức khỏe, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới; đồng thời giúp giảm áp lực về đào tạo cán bộ, thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao cho Quân đội.

 Sĩ quan trẻ Sư đoàn 330, Quân khu 9 phát huy tốt vai trò, trách nhiệm trong huấn luyện. Ảnh: CÔNG KHANH

Sĩ quan trẻ Sư đoàn 330, Quân khu 9 phát huy tốt vai trò, trách nhiệm trong huấn luyện. Ảnh: CÔNG KHANH

Theo Trung tướng Đỗ Xuân Tụng, Cục trưởng Cục Cán bộ, Tổng cục Chính trị QĐND Việt Nam: Việc tăng tuổi phục vụ tại ngũ đối với sĩ quan được Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng nghiên cứu kỹ lưỡng, phù hợp với tính chất, nhiệm vụ của Quân đội là ngành lao động đặc biệt.

Trung tá Trần Quốc Hương, Cụm trưởng Cụm cơ động 4, Trường Trung cấp 24 Biên phòng chia sẻ: “Tôi rất vui khi biết Luật Sĩ quan sửa đổi được thông qua và có hiệu lực ngay. Tôi và nhiều đồng chí sĩ quan có thêm cơ hội phấn đấu, rèn luyện, cống hiến cho Quân đội. Nếu theo luật cũ, với quân hàm Trung tá, tôi sẽ về hưu ở tuổi 51 thì mới có 33 năm đóng bảo hiểm xã hội, chưa được hưởng lương hưu 75%”.

 Kỹ sư Trung tâm Tư vấn khảo sát thiết kế công trình quốc phòng (Binh chủng Công binh) làm việc tại thực địa. Ảnh: ĐỨC THIỆN

Kỹ sư Trung tâm Tư vấn khảo sát thiết kế công trình quốc phòng (Binh chủng Công binh) làm việc tại thực địa. Ảnh: ĐỨC THIỆN

Theo Đại tá Lương Sĩ Hoàng, Bí thư Đảng ủy, Phó giám đốc Trung tâm Tư vấn khảo sát thiết kế công trình quốc phòng (Binh chủng Công binh): Hiện nay, Trung tâm có gần 40 đồng chí cán bộ là trợ lý có quân hàm Trung tá. Tất cả đều có trình độ kỹ sư với chuyên môn, nghiệp vụ cao. Đây là vốn quý của đơn vị. Họ trực tiếp tư vấn, khảo sát, thiết kế các công trình chiến đấu, công trình quốc phòng, trong đó không ít công trình có giá trị đặc biệt. Mặt khác, quá trình đào tạo kỹ sư rất tốn kém, thời gian đào tạo dài từ 4 đến 6 năm. Sau khi ra trường, ĐNSQ cần nhiều năm tích lũy kinh nghiệm mới thực sự thạo việc. “Việc tăng tuổi phục vụ tại ngũ giúp phát huy kinh nghiệm, năng lực của ĐNSQ, nhất là về chuyên môn, từ đó nâng cao chất lượng thực hiện nhiệm vụ”, Đại tá Lương Sĩ Hoàng chia sẻ.

Sĩ quan ở những đơn vị có cường độ huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu cao, công việc nặng nhọc, độc hại cũng đồng tình với mức tăng tuổi như Luật Sĩ quan sửa đổi. Thiếu tá Vũ Văn Thịnh, Chính trị viên Tiểu đoàn 8, Trung đoàn 102 (Sư đoàn 308, Quân đoàn 12), chia sẻ: “Chúng tôi ở đơn vị huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu, phải thường xuyên thực hiện nhiệm vụ với cường độ cao, cần sức khỏe tốt. Nếu tuổi cao sẽ khó khăn khi thực hiện nhiệm vụ. Mức tăng như hiện nay tôi thấy rất phù hợp”.

Bảo đảm nguyện vọng, tạo động lực phấn đấu

Để thực hiện mục tiêu xây dựng Quân đội cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, hiện đại, cần xây dựng nguồn nhân lực chất lượng cao. Việc thay đổi, bổ sung chế độ, chính sách, bảo đảm "giữ chân", khuyến khích ĐNSQ phấn đấu, đồng thời thu hút được nhân tài vào Quân đội là rất cần thiết. Luật Sĩ quan sửa đổi tạo cơ chế, chính sách thuận lợi để giải quyết vấn đề này, với những điểm nổi bật, như: Sĩ quan được xem xét thăng quân hàm vượt bậc khi lập thành tích đặc biệt xuất sắc (trong luật cũ đã có nội dung này nhưng không giao cho cơ quan quyết định cụ thể nên chưa thực hiện được); sĩ quan do yêu cầu nhiệm vụ không được nghỉ phép thì được thanh toán bằng tiền; sĩ quan có nhiều cơ hội được bảo đảm nhà ở xã hội... Những điều này thể hiện sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, tạo động lực để ĐNSQ phấn đấu, cống hiến.

Kỹ sư Trung tâm Tư vấn khảo sát thiết kế công trình quốc phòng (Binh chủng Công binh) khảo sát kỹ thuật tại khu vực cầu phao Phong Châu (Phú Thọ). Ảnh: ĐỨC THIỆN

Kỹ sư Trung tâm Tư vấn khảo sát thiết kế công trình quốc phòng (Binh chủng Công binh) khảo sát kỹ thuật tại khu vực cầu phao Phong Châu (Phú Thọ). Ảnh: ĐỨC THIỆN

Theo Trung tá Nguyễn Ngọc Ba, Trung đoàn trưởng Trung đoàn 98, Sư đoàn 316, Quân khu 2, những nội dung sửa đổi, bổ sung mới của Luật Sĩ quan lần này rất hợp tình, hợp lý. Anh chia sẻ: “Tôi là chỉ huy đơn vị chủ lực sẵn sàng chiến đấu, khối lượng công việc lớn, nhiều nhiệm vụ phát sinh, đòi hỏi người chỉ huy phải liên tục bám nắm đơn vị nên gần 5 năm nay chưa đi phép. Chúng tôi hoàn toàn tự nguyện, sẵn sàng hy sinh những ngày nghỉ bên người thân, gia đình thể thực hiện nhiệm vụ. Nhưng nếu được thanh toán bằng tiền những ngày không nghỉ phép thì sẽ là nguồn động viên lớn đối với chúng tôi”.

Nội dung thăng quân hàm vượt bậc khi lập thành tích đặc biệt xuất sắc (Điều 17) hay cơ hội được bảo đảm nhà ở xã hội (Điều 47) được sĩ quan trẻ rất quan tâm. Thượng úy Nguyễn Vũ Luân, Chính trị viên Đại đội 3, Tiểu đoàn 860 (Lữ đoàn 950, Quân khu 9), chia sẻ: “Đây là những nội dung thể hiện sự quan tâm, chăm lo của Đảng và Nhà nước đối với sĩ quan Quân đội. Được thăng quân hàm là niềm vinh dự lớn đối với mỗi sĩ quan QĐND Việt Nam. Vì thế, khi có quy định rõ ràng sẽ tạo động lực, mục tiêu cho sĩ quan trẻ như chúng tôi nỗ lực phấn đấu giành nhiều thành tích trong công tác”.

Kỹ sư Trung tâm Tư vấn khảo sát thiết kế công trình quốc phòng (Binh chủng Công binh) khảo sát địa chất cải tạo bến vượt cầu phao Phong Châu (Phú Thọ). Ảnh: ĐỨC THIỆN

Kỹ sư Trung tâm Tư vấn khảo sát thiết kế công trình quốc phòng (Binh chủng Công binh) khảo sát địa chất cải tạo bến vượt cầu phao Phong Châu (Phú Thọ). Ảnh: ĐỨC THIỆN

Luật Sĩ quan sửa đổi còn một số nội dung mới, như: Sĩ quan được xét nâng lương trước thời hạn tại Điều 18 (luật cũ chỉ được thăng quân hàm trước thời hạn); sĩ quan được Nhà nước bảo đảm chế độ an điều dưỡng, chăm sóc khi mắc bệnh hiểm nghèo, chế độ thông tin, hỗ trợ tang lễ tại Điều 37 (trước đây vẫn thực hiện nhưng sử dụng từ nguồn quỹ của Bộ Quốc phòng); quy định về chăm sóc sức khỏe đối với sĩ quan và thân nhân sĩ quan tại ngũ được quan tâm hơn (Điều 33); tăng nhóm chức vụ, chức danh cơ bản của sĩ quan từ 11 lên 17 (Điều 11); giao Chính phủ quy định cấp bậc quân hàm Trung tướng trở xuống... tạo thuận lợi cho Quân đội trong quá trình sắp xếp cán bộ, tổ chức thực hiện nhiệm vụ.

(còn nữa)

NGỌC HÂN - VĂN CHIỂN

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/quoc-phong-an-ninh/xay-dung-quan-doi/luat-sua-doi-bo-sung-mot-so-dieu-cua-luat-si-quan-quan-doi-nhan-dan-viet-nam-can-thiet-kip-thoi-phu-hop-bai-2-dong-luc-xay-dung-phat-trien-doi-ngu-si-quan-806592
Zalo