Luật sư Lê Anh Văn: Hiện tượng 'trên nóng, dưới lạnh' là trở ngại trong quá trình thực thi pháp luật
Luật sư Lê Anh Văn cho rằng, quá trình thực thi ở cấp cơ sở vẫn chưa được đồng bộ, dẫn đến hiện tượng 'trên nóng, dưới lạnh' gây khó khăn cho doanh nghiệp.
Ngày 19/9, phóng viên Báo Công Thương đã có cuộc trao đổi với Luật sư Lê Anh Văn - Ủy viên Ban Thường vụ Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam - xoay quanh vấn đề cải thiện môi trường đầu tư để tiếp sức cho các doanh nghiệp Việt Nam.
Sự lớn mạnh của kinh tế tư nhân Việt Nam là nhờ nỗ lực cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh từ Chính phủ tới các bộ, ngành, địa phương. Thế nhưng, các cuộc khảo sát của cộng đồng doanh nghiệp về môi trường kinh doanh của Việt Nam cũng bộc lộ một số băn khoăn của doanh nghiệp. Đơn cử như trở ngại trong tiếp cận đất đai, môi trường kinh doanh chưa thực sự bình đẳng, biến động thị trường, biến động chính sách… Từ thực tế của các doanh nghiệp trong hiệp hội, ông có thể chia sẻ rõ hơn về vấn đề này?
Luật sư Lê Anh Văn: Chúng ta đã có những nỗ lực, mang lại nhiều kết quả tích cực về cải thiện môi trường đầu tư trong thời gian qua, nhưng vẫn còn một số thách thức cần phải đối mặt.
Một trong những trở ngại chính là sự chồng chéo và mâu thuẫn trong các quy định pháp luật, gây khó khăn cho doanh nghiệp trong quá trình triển khai dự án, nhất là trong việc tiếp cận đất đai và quy hoạch. Thủ tướng đã thành lập Ban chỉ đạo rà soát văn bản quy phạm pháp luật để khắc phục những bất cập này, nhằm tạo ra môi trường pháp lý minh bạch, nhất quán hơn cho doanh nghiệp. Tuy nhiên, quá trình thực thi ở cấp cơ sở vẫn chưa được đồng bộ, dẫn đến hiện tượng "trên nóng, dưới lạnh" – nơi các chỉ đạo từ cấp cao không được thực hiện đầy đủ ở các cấp thấp hơn.
Bên cạnh đó, doanh nghiệp cũng gặp khó khăn trong việc lựa chọn giữa tính hợp pháp và hợp lý. Việc sửa đổi luật và Nghị định có thể kéo dài và tốn kém, làm tăng chi phí và ảnh hưởng đến cơ hội đầu tư. Trong nhiều trường hợp, doanh nghiệp buộc phải ưu tiên tính hợp lý để giải quyết các vấn đề ngắn hạn, nhưng điều này không hoàn toàn phù hợp với khung pháp lý hiện hành.
Ngoài ra, các chính sách hỗ trợ hiện nay vẫn còn dàn trải và thiếu tập trung. Nếu chúng ta muốn đạt được mục tiêu mà Nghị quyết 41 đề ra, cần phải có những chính sách chuyên sâu, tập trung vào lợi thế cụ thể của đất nước. Điều này sẽ giúp khơi dậy tiềm năng phát triển của doanh nghiệp.
Nghị quyết 41 đã nhận định và đưa ra các mục tiêu, quan điểm rõ ràng về những vấn đề này, từ đó chúng ta có thể xây dựng những giải pháp phù hợp.
Hiện nay, năng lực cạnh tranh và hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp đang chịu tác động mạnh mẽ của xu thế hội nhập toàn cầu và cách mạng công nghệ 4.0. Những khó khăn mà các doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp nhỏ và vừa gặp phải trước các tác động này như thế nào, thưa ông? Để hóa giải thách thức này, cũng như hiện thực hóa các mục tiêu về phát triển kinh tế tư nhân đã được Chính phủ đề ra, theo ông, trong ngắn hạn và dài hạn, chúng ta phải thực hiện những giải pháp nào?
Luật sư Lê Anh Văn: Câu hỏi này có hai vấn đề chính: Nhận diện những khó khăn, thách thức của doanh nghiệp và giải pháp. Trước hết là khó khăn, về những thách thức của doanh nghiệp hiện nay, khủng hoảng diễn ra ngày càng thường xuyên và mạnh mẽ hơn, do tác động từ dịch bệnh, gián đoạn chuỗi cung ứng toàn cầu và quy định nghiêm ngặt từ các thị trường lớn như châu Âu. Điều này đặt ra nhiều khó khăn trong việc cạnh tranh và duy trì hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp Việt Nam.
Nghị quyết 41 đã nhận diện và đề ra giải pháp cho các thách thức này, nhưng để thực hiện hiệu quả cần tập trung vào ba đối tượng chính:
Thứ nhất, doanh nghiệp phải tự nâng cao chất lượng nguồn nhân lực và tận dụng các tiến bộ công nghệ như thương mại điện tử và trí tuệ nhân tạo để nâng cao năng lực quản trị, cải thiện sản phẩm, dịch vụ nhằm thích ứng với thị trường cạnh tranh.
Thứ hai, cơ quan nhà nước cần đẩy nhanh cải cách các quy định pháp lý chồng chéo, đồng thời hỗ trợ mạnh mẽ hơn cho doanh nghiệp trong quá trình chuyển đổi số. Hiện tại, doanh nghiệp vẫn đang phải tự mình tiến hành nhiều bước trong chuyển đổi số mà chưa có đủ sự hỗ trợ từ phía nhà nước.
Thứ ba, các tổ chức đại diện doanh nghiệp cần được trao quyền và phát huy vai trò nhiều hơn trong việc tiếp nhận và thực hiện các dịch vụ công mà nhà nước có thể chuyển giao. Điều này sẽ giúp giảm tải cho bộ máy công quyền, đồng thời hỗ trợ doanh nghiệp tốt hơn trong hoạt động kinh doanh.
Nếu thực hiện được những giải pháp này, môi trường kinh doanh sẽ trở nên thuận lợi hơn, giúp doanh nghiệp vượt qua khó khăn và phát triển bền vững.
Để giữ được "ngọn lửa" cải cách môi trường kinh doanh và làm bùng lên ngọn lửa lớn trong mỗi doanh nghiệp, doanh nhân về ý chí phát triển để xây dựng đất nước hùng cường, điều mà các diễn giả muốn gửi tới cơ quan quản lý nhà nước và tới các doanh nghiệp Việt là gì?
Về phía doanh nghiệp, tôi tin rằng, với bề dày lịch sử dân tộc và những doanh nhân vĩ đại như Nguyễn Thái Học, người đã đưa thương hiệu Việt Nam ra thế giới cách đây hàng trăm năm, cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam cần tiếp bước và tiếp tục tìm tòi các giải pháp sáng tạo.
Người Việt Nam nổi tiếng với sự thông minh và khả năng thích ứng. Với vị trí địa lý thuận lợi trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương, nơi tập trung 3 đến 4 tỷ dân, chúng ta có nhiều cơ hội để phát triển và mở rộng thương hiệu Việt ra toàn khu vực Đông Á. Nghị quyết 41 đã xác định rõ tinh thần chính trị cần thiết cho các cơ quan nhà nước và chúng tôi tin rằng, với tinh thần đó, cộng đồng doanh nghiệp sẽ có cơ hội phát triển mạnh mẽ hơn trong tương lai.