Luật sư của 'ông trùm đăng kiểm miền Tây' cung cấp thông tin bất ngờ về thân chủ

Quá trình bào chữa cho bị cáo Trần Lập Nghĩa, luật sư cho biết ông Nghĩa dù làm chủ 5 Trung tâm đăng kiểm ở miền Tây nhưng cũng đang nợ nần số tiền cực lớn và vừa bị TAND tỉnh Đồng Tháp phạt 29 năm tù. Tại 'đại án đăng kiểm', ông Nghĩa bị đề nghị mức án từ 28-30 năm tù.

Ngày 9/8, HĐXX vụ sai phạm xảy ra tại hệ thống Đăng kiểm Việt Nam (ĐKVN) tiếp tục cho các luật sư, bị cáo tự bào chữa với quan điểm luận tội của đại diện Viện Kiểm sát tại phiên tòa.

Chủ 5 Trung tâm đăng kiểm ở miền Tây - bị cáo Trần Lập Nghĩa tại phiên tòa.

Chủ 5 Trung tâm đăng kiểm ở miền Tây - bị cáo Trần Lập Nghĩa tại phiên tòa.

Bị cáo Trần Lập Nghĩa (Chủ của 5 trung tâm đăng kiểm ở miền Tây) đã bị Viện Kiểm sát đề nghị HĐXX tuyên phạt mức án 28-30 năm tù cho 3 tội “Nhận hối lộ”, “Giả mạo trong công tác” và “Xâm nhập trái phép vào mạng máy tính, mạng viễn thông hoặc phương tiện điện tử của người khác”.

Bào chữa cho bị cáo Nghĩa, luật sư thống nhất tội danh, khung hình phạt và trình bày một số tình tiết giảm nhẹ, đề nghị HĐXX xem xét khi lượng hình.

Đáng chú ý, luật sư cũng thông tin thêm, ngoài vụ án mà HĐXX đang xét xử, bị cáo Nghĩa bị TAND tỉnh Đồng Tháp tuyên phạt 29 năm tù về tội “Nhận hối lộ” và “Giả mạo trong công tác” vào ngày 3/5 vừa qua. Luật sư cũng cho biết, dù là chủ các trung tâm đăng kiểm nhưng ông Nghĩa còn nợ 200-300 tỷ đồng.

HĐXX hỏi thêm luật sư về vụ án ở Đồng Tháp, trả lời HĐXX, luật sư nói rằng đó là bản án sơ thẩm, sau khi HĐXX tuyên án thì ông Nghĩa làm đơn kháng cáo, tuy nhiên ông Nghĩa cũng đã rút đơn kháng cáo này.

“Như vậy bản án sơ thẩm của TAND tỉnh Đồng Tháp tuyên ngày 3/5 chưa có hiệu lực pháp luật, HĐXX không thấy bị cáo Nghĩa khai báo về vụ án này” – Chủ tọa, thẩm phán Huỳnh Văn Trực nói.

Các bị cáo tại phiên tòa.

Các bị cáo tại phiên tòa.

Tự bào chữa, bị cáo Trần Lập Nghĩa thống nhất 3 tội danh mà Viện Kiểm sát truy tố đối với bị cáo, tuy nhiên số tiền thu lợi bất chính đề nghị được xem xét, vì phải trừ đi nhiều chi phí khác, chứng cứ là số liệu trên hệ thống Cục đăng kiểm. Đối với tội giả mạo trong công tác, bị cáo Nghĩa cho rằng, cơ quan điều tra chỉ hỏi bị cáo 2 câu hỏi, nên bị cáo không có cơ hội trình bày thêm nhiều vấn đề. Hiện bị cáo đã bị mức án rất cao do TAND tỉnh Đồng Tháp tuyên phạt, đề nghị HĐXX xem xét giảm nhẹ hình phạt.

Đối đáp với luật sư và phần tự bào chữa của bị cáo Nghĩa, đại diện Viện Kiểm sát cho rằng, bản chất của việc Trần Lập Nghĩa thực hiện hành vi phạm tội là nhằm mục đích thu lợi bất chính. Mỗi hành vi cụ thể cấu thành 1 tội danh độc lập, trong vụ án này, khi thực hiện hành vi giả mạo đăng kiểm viên, hoặc xâm nhập phần mềm của Cục đăng kiểm, cũng chỉ vì lợi nhuận.

Cũng theo Viện Kiểm sát, nhóm trung tâm đăng kiểm ở miền Tây do Trần Lập Nghĩa làm chủ, là các trung tâm đầu tiên bị cơ quan điều tra tiến hành điều tra, làm rõ. Việc xác định số liệu ở các trung tâm này được tổng hợp hoàn toàn từ số liệu cụ thể...

Ngoài vụ án mà tòa đang xét xử, tháng 5 vừa qua, TAND tỉnh Đồng Tháp xét xử sơ thẩm, tuyên phạt Trần Lập Nghĩa 29 năm tù cho 2 tội danh “Nhận hối lộ” và “Giả mạo trong công tác”.

Ở vụ án đó, ông Nghĩa bị cáo buộc là chủ đầu tư, quản lý điều hành Trung tâm 66-02D (tại Đồng Tháp) và có chủ trương cho các nhân viên trung tâm thu tiền phụ thu để bỏ qua lỗi của xe đến đăng kiểm.

Tùy mức độ lỗi xe đến đăng kiểm mà Nghĩa và nhóm nhân viên của Nghĩa ra giá phụ thu từ 200 ngàn đồng đến 1,5 triệu đồng/xe. Hồ sơ vụ án thể hiện, bị cáo Nghĩa và đồng phạm đã nhận tiền phụ thu của 5.202 xe không đạt chuẩn, với tổng số tiền hơn 2,4 tỷ đồng.

Tân Châu

Nguồn Tiền Phong: https://tienphong.vn/luat-su-cua-ong-trum-dang-kiem-mien-tay-cung-cap-thong-tin-bat-ngo-ve-than-chu-post1662248.tpo
Zalo