Luật sư chỉ cách đòi nợ để chủ nợ không vướng vòng lao lý
Dù con nợ chây ì, tỏ thái độ thách thức thì chủ nợ cũng cần có cách đòi nợ đúng luật để vừa đòi được nợ mà chủ nợ lại không vướng vào lao lý.
Quan hệ vay mượn tài sản là một trong những quan hệ pháp luật rất phổ biến trong đời sống dân sinh và được pháp luật công nhận, điều chỉnh bằng nhiều quy định tại Bộ luật Dân sự và các văn bản hướng dẫn thi hành.
Mọi việc sẽ trở nên rất tốt đẹp nếu như bên cho vay và bên đi vay đều tự nguyện thực hiện đúng, đầy đủ các quyền và nghĩa vụ của mình trong khuôn khổ quy định của pháp luật. Tuy nhiên, trên thực tế không phải lúc nào việc thực hiện nghĩa vụ, đặc biệt là nghĩa vụ trả nợ vay của bên vay cũng được tuân thủ.
Những sai lầm thường gặp trong quá trình đòi nợ
Trong nhiều trường hợp, việc chây ì trả nợ, thậm chí là hành vi thách thức của bên vay, đặc biệt là khi việc cho vay dựa trên mối quan hệ quen biết, thân tình giữa đôi bên rất dễ dẫn đến những phản ứng không phù hợp về mặt pháp luật. Việc này làm cho các chủ nợ phạm phải những sai lầm nghiêm trọng.
Như mới đây, trên số báo ngày 5-2, báo Pháp Luật TP.HCM đã phán ánh nhiều vụ án xuất phát từ chuyện đòi nợ mà chủ nợ rơi vào vòng lao lý.
Thực tế tham gia một số vụ án liên quan đến hành vi đòi nợ trái pháp luật, với tư cách tham gia tố tụng là luật sư bào chữa cho các bị cáo, tôi nhận thấy có những sai lầm mà các chủ nợ thường mắc phải dẫn đến vi phạm pháp luật, từ đó bị khởi tố vụ án, khởi tố bị can để điều tra, truy tố và xét xử:
Thứ nhất, hành vi bắt, giữ con nợ để buộc con nợ phải trả nợ vay - dấu hiệu định tội của tội bắt, giữ hoặc giam người trái pháp luật quy định tại Điều 157 BLHS 2015 có mức hình phạt cao nhất là 12 năm tù.
Thứ hai là hành vi gây sức ép chiếm đoạt một số tài sản của con nợ để cấn trừ nợ, mà trong đời sống thường ngày hay gọi là “xiết nợ” - có dấu hiệu của tội cưỡng đoạt tài sản theo Điều 170 BLHS với mức hình phạt cao nhất là 20 năm tù.
Thứ ba, tự mình hoặc thuê người khác (thông thường là những đối tượng xã hội đen) để đánh đập, ép con nợ hoặc người thân con nợ phải trả nợ vay. Đây là hành vi có dấu hiệu của tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác - mức hình phạt cao nhất lên đến chung thân theo Điều 134 BLHS 2015.
Do đó, nếu thỏa mãn các yếu tố còn lại của cấu thành tội phạm theo quy định của BLHS 2015, thì người thực hiện hành vi có thể bị tuyên án về một tội danh (nếu chỉ thực hiện một hành vi) hoặc bị tuyên án cùng lúc nhiều tội danh và tổng hợp hình phạt (nếu thực hiện nhiều hành vi mà mỗi hành vi đều thỏa mãn đầy đủ các yếu tố cấu thành tội phạm).
Làm sao để đòi nợ đúng cách?
Như vậy, vấn đề đặt ra là: Chủ nợ cần làm gì để có thể đòi được nợ một cách an toàn; đảm bảo vừa thu hồi được tài sản, vừa an toàn về mặt pháp lý?
Trước tiên, cần phải thống nhất rằng, pháp luật hiện tại có đầy đủ quy định để bảo vệ quyền sở hữu hợp pháp của chủ nợ nói chung và quyền đòi lại tài sản đã cho vay nói riêng. Cơ chế bảo vệ quyền lợi của chủ nợ trong trường hợp này bao gồm cả cơ chế về hình sự và dân sự, tùy thuộc vào hành vi của con nợ mà có cách đòi nợ khác nhau.
Tình huống thứ nhất, con nợ có dấu hiệu dùng thủ đoạn gian dối hoặc bỏ trốn để chiếm đoạt tài sản hoặc đến thời hạn trả lại tài sản đã vay, mượn mặc dù có điều kiện, khả năng nhưng cố tình không trả; hoặc đã sử dụng tài sản đã vay, mượn vào mục đích bất hợp pháp dẫn đến không có khả năng trả lại tài sản.
Trong trường hợp này, con nợ có dấu hiệu của tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản quy định tại Điều 175 Bộ luật Hình sự 2015.
Khi đó, chủ nợ có quyền thực hiện việc tố giác tội phạm bằng hình thức trình bày trực tiếp, gửi đơn tố giác hoặc kết hợp cả hai phương thức đến cơ quan có thẩm quyền (công an các cấp) để được giải quyết theo quy định của pháp luật.
Tuy nhiên, việc có thực hiện việc tố giác hay không, thời điểm nào thực hiện việc này cần phải thật cân nhắc, vì mục đích cuối cùng của việc này là nhằm lấy lại tài sản, mà không nhằm mục đích đưa con nợ vướng vào lao lý, tù tội.
Do đó, tùy thuộc vào cách hành xử của con nợ mà chủ nợ có thể “tùy cơ ứng biến” cho phù hợp với quy định của pháp luật, phù hợp với vấn đề đối nhân xử thế, đặc biệt là khi giữa đôi bên có quan hệ thân thiết như người thân, bạn bè, đồng nghiệp, xóm giềng…
Tình huống thứ hai là con nợ không có các hành vi như bỏ trốn... thì chủ nợ vẫn có cơ chế bảo vệ quyền sở hữu tài sản thông qua một vụ kiện dân sự tại tòa án có thẩm quyền.
Theo phương thức này, chủ nợ (người khởi kiện) cần chuẩn bị một bộ hồ sơ khởi kiện bao gồm: Đơn khởi kiện; các tài liệu về nhân thân của người khởi kiện, con nợ (người bị kiện); các tài liệu, chứng cứ chứng minh về việc tồn tại quan hệ vay, mượn tài sản, quá trình thực hiện nghĩa vụ trả nợ (nếu có) và các tài liệu, chứng cứ khác có liên quan đến việc giải quyết vụ án. Đồng thời, thực hiện việc đóng tạm ứng án phí và tuân thủ các thủ tục tố tụng quy định tại Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015 để có được phán quyết từ tòa án nhằm bảo vệ quyền lợi của mình.
Có thể thấy, chủ nợ không thiếu các biện pháp hợp pháp để đòi lại tài sản cho vay, mượn nếu con nợ vi phạm nghĩa vụ và việc thương lượng, hòa giải không đạt kết quả mong muốn.
Vì vậy, mặc dù biết rằng “của đau, con xót” và “đồng tiền đi liền khúc ruột” nhưng các chủ nợ phải hết sức tỉnh táo, bình tĩnh để giải quyết vấn đề, tránh trường hợp “tiền mất, tật mang”, gây ra nhiều hệ lụy đáng tiếc cho bản thân và gia đình.
Nghĩa vụ của bên đi vay
Bộ luật Dân sự 2015 đã quy định về nghĩa vụ của các bên trong hợp đồng vay, mượn tài sản như sau:
Đối với bên cho vay: Có nghĩa vụ giao tài sản cho bên vay đầy đủ, đúng chất lượng, số lượng vào thời điểm và địa điểm đã thỏa thuận (Khoản 1 Điều 465 Bộ luật Dân sự 2015); Không được yêu cầu bên vay trả lại tài sản trước thời hạn, trừ trường hợp luật có quy định khác” (Khoản 3 Điều 465 Bộ luật Dân sự 2015).
Đối với bên vay: Bên vay tài sản là tiền thì phải trả đủ tiền khi đến hạn; nếu tài sản là vật thì phải trả vật cùng loại đúng số lượng, chất lượng, trừ trường hợp có thỏa thuận khác (Khoản 1 Điều 466 Bộ luật Dân sự 2015).
Trường hợp bên vay không thể trả vật thì có thể trả bằng tiền theo trị giá của vật đã vay tại địa điểm và thời điểm trả nợ, nếu được bên cho vay đồng ý.” (Khoản 2 Điều 466 Bộ luật Dân sự 2015).