Luật sư Bùi Thanh Vũ tư vấn pháp luật về xử lý tài sản chung khi vợ mất năng lực hành vi dân sự

Luật sư Bùi Thanh Vũ-Trưởng Văn phòng Luật sư Vinh Phú kiêm Trưởng Chi nhánh Gia Lai tư vấn về sang tên quyền sử dụng đất là tài sản chung khi vợ mất năng lực hành vi dân sự.

*Bạn đọc T.K.Q. hỏi: Vợ tôi bị mất năng lực hành vi dân sự. Vậy tôi có thể sang tên quyền sử dụng đất là tài sản chung của 2 vợ chồng cho tôi hay không?

- Luật sư Bùi Thanh Vũ-Trưởng Văn phòng Luật sư Vinh Phú kiêm Trưởng Chi nhánh Gia Lai-trả lời:

Căn cứ theo quy định tại khoản 3 Điều 24 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014, khi người vợ bị mất năng lực hành vi dân sự thì người chồng sẽ là người đại diện hợp pháp của người vợ nếu người chồng đáp ứng các điều kiện làm người giám hộ quy định tại Điều 49 Bộ luật Dân sự năm 2015 như sau:

1. Có năng lực hành vi dân sự đầy đủ.

2. Có tư cách đạo đức tốt và các điều kiện cần thiết để thực hiện quyền, nghĩa vụ của người giám hộ.

3. Không phải là người đang bị truy cứu trách nhiệm hình sự hoặc người bị kết án nhưng chưa được xóa án tích về một trong các tội cố ý xâm phạm tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm, tài sản của người khác.

4. Không phải là người bị tòa án tuyên bố hạn chế quyền đối với con chưa thành niên.

Khoản 1 Điều 59 Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định về quản lý tài sản của người được giám hộ như sau:

1. Người giám hộ của người chưa thành niên, người mất năng lực hành vi dân sự có trách nhiệm quản lý tài sản của người được giám hộ như tài sản của chính mình; được thực hiện giao dịch dân sự liên quan đến tài sản của người được giám hộ vì lợi ích của người được giám hộ.

Việc bán, trao đổi, cho thuê, cho mượn, cho vay, cầm cố, thế chấp, đặt cọc và giao dịch dân sự khác đối với tài sản có giá trị lớn của người được giám hộ phải được sự đồng ý của người giám sát việc giám hộ.

Người giám hộ không được đem tài sản của người được giám hộ tặng cho người khác. Các giao dịch dân sự giữa người giám hộ với người được giám hộ có liên quan đến tài sản của người được giám hộ đều vô hiệu, trừ trường hợp giao dịch được thực hiện vì lợi ích của người được giám hộ và có sự đồng ý của người giám sát việc giám hộ.

Theo đó, trong trường hợp người chồng đủ điều kiện làm người giám hộ của người vợ bị mất năng lực hành vi dân sự thì người chồng phải có trách nhiệm quản lý tài sản của vợ như của mình. Bên cạnh đó, chỉ được thực hiện các giao dịch dân sự liên quan đến tài sản vì lợi ích của người vợ.

Do đó, đối với mục đích của người chồng khi đại diện cho vợ thực hiện sang tên quyền sử dụng đất là tài sản chung của 2 vợ chồng cho bản thân thì được xem là vi phạm lợi ích của người vợ và sẽ không được phép thực hiện.

Ngoài ra, khi người chồng đại diện thực hiện các giao dịch dân sự liên quan đến quyền sử dụng đất là tài sản có giá trị lớn nên cần phải có sự đồng ý của người giám sát việc giám hộ.

Người giám sát việc giám hộ là người được những người thân thích của vợ bạn cử ra hoặc chọn cá nhân, pháp nhân khác (theo quy định tại khoản 1 Điều 51 Bộ luật Dân sự năm 2015). Người giám sát việc giám hộ liên quan đến quản lý tài sản của vợ bạn phải đăng ký tại UBND cấp xã nơi cư trú của vợ bạn. Trường hợp không có người thân thích của vợ bạn hoặc những người thân thích không chọn được người giám sát việc giám hộ thì UBND cấp xã cử cá nhân hoặc pháp nhân giám sát.

Nguồn Gia Lai: https://baogialai.com.vn/luat-su-bui-thanh-vu-tu-van-phap-luat-ve-xu-ly-tai-san-chung-khi-vo-mat-nang-luc-hanh-vi-dan-su-post284696.html
Zalo